Lối thoát nghèo ở các xã vùng biên giới A Lưới (bài 2)

Tôi ngạc nhiên khi đi trên đường, vào nương rẫy ở xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và toàn thấy bóng dáng phụ nữ. Ở xã vùng biên này, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang quản lý vốn cho vay của các ngân hàng lên đến hàng chục tỷ đồng, chị em còn xây dựng 'Nhóm lao động và tài chính xoay vòng' theo kiểu hợp tác xã để giúp nhau thoát nghèo.

Bài 2: Phụ nữ liên kết giúp nhau sản xuất

Xoay vòng lên nương

Ngày cuối tuần, khi sương vẫn giăng trên lưng núi Tà Cùng, nhiều nhóm phụ nữ ở xã Hồng Vân đã đi lên nương rẫy. Những người ở địa phương khác mới đến và khi nhìn thấy cảnh này thì thường ngạc nhiên, vì chuyện nương rẫy thường là việc dành cho đàn ông và phụ nữ là những người tham gia phụ giúp. Nhưng ở địa phương này, phụ nữ đã tự liên kết thành nhóm và giúp nhau theo hình thức xoay vòng, đổi công để giúp đỡ lẫn nhau. “Giúp nhau để phấn đấu khỏi “đít ngót” (đói nghèo)” - một phụ nữ cười và nói pha trộn giữa tiếng Pa Cô và tiếng Kinh.

Chiếc thùng của một nhóm huy động tài chính xoay vòng của phụ nữ xã Hồng Vân. Ảnh: Văn Chương

Chị Hồ Thị Đa, ở thôn A Năm cho biết, lần trước, 10 chị em trong nhóm phụ nữ đến giúp chị phát nương để trồng keo, sau đó, chị lần lượt đến giúp trả công cho từng chị theo lịch xoay vòng. Chị em đi cùng với chị Đa phân tích rằng, đi làm theo nhóm rất hiệu quả. Trên nương rẫy, chị em san sẻ nhau từng bát nước, túi trái cây. Tiền công làm nương rẫy nếu thuê người làm thì tính công 170.000 đồng/ngày. Nhưng chị em giúp nhau thì tự quy ước bằng 2 hình thức và tùy theo nhóm, có thể là giúp nhau không lấy tiền, hoặc mỗi người được trả công 50.000 đồng và số tiền này được đóng trở lại gây quỹ của chị em.

Chị Hồ Thị Thỉ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Vân khi nói về mô hình liên kết giúp nhau đã cho biết: Nhờ mô hình này, chị em đoàn kết hơn, luôn hỏi khi nào đến lượt làm nương rẫy của gia đình người này, người kia để đi trả lại công. Tuần vừa rồi, gia đình chị Lê Thị Ngoan, ở thôn Ka Cú 2 cũng đã nhờ chị em trong nhóm đến giúp phát rẫy, chăm sóc cây keo.

Đóng góp tài chính

Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế bằng hình thức đổi công, chị em phụ nữ xã Hồng Vân còn xây dựng thêm chương trình nhóm góp tài chính xoay vòng. Các nhóm này do chị em tự nguyện thành lập, bầu ra nhóm trưởng, thư ký và quản lý tài chính, trong đó, nhóm trưởng chỉ giữ nhiệm vụ điều hành chung chứ không giữ tiền. Định kỳ hằng tháng, mỗi chị em tùy theo khả năng của mình tự đóng góp tiền vào quỹ từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lần. Số tiền gây quỹ này sẽ hoạt động như một quỹ tín dụng có cơ chế thông thoáng.

Trong tổng số 5 nhóm đóng góp tài chính xoay vòng của phụ nữ ở xã Hồng Vân, nhóm huy động vốn ở thôn Ka Cú 1 có tổng số tiền huy động lớn và tiền lãi thu định kỳ được tổ chức rất đều, trở thành nhóm huy động tài chính cao nhất (trên 130 triệu đồng). Nhóm nào huy động tài chính càng cao, chị em ở nhóm đó càng có cơ hội vay vốn để phát triển sản xuất. Đối với những chị em không có nhu cầu vay, đây là cơ hội để chị em gửi tiền tiết kiệm có sinh lãi.

Phụ nữ trong các nhóm cùng lên nương giúp nhau vào ngày cuối tuần. Ảnh: Văn Chương

Chị Lê Thị Bé làm nghề bán hàng tạp hóa, từng vay 5 triệu đồng, sau khi trả hết nợ đã tiếp tục vay. Trong cuốn sổ theo dõi của nhóm, chị Bé trả nợ đều, trong đó có lãi suất của số tiền 5 triệu đồng là 50 nghìn đồng/tháng và được lũy kế thấp dần theo số tiền vay. Nhiều chị em được cho vay như chị Bé cho biết, nhờ vay tiền nhanh, thủ tục thoáng nên khi cần tiền gấp thì có chỗ để xoay xở.

Có chị em nào bị kẹt tiền, hết khả năng trả nợ cho quỹ? Nghe tôi hỏi, chị Hồ Thị Thỷ, trưởng một nhóm huy động tài chính xoay vòng cho biết, chị em trả nợ rất đều. Hiện nay, chị em đã huy động tài chính đưa vào 5 nhóm với số tiền gần 250 triệu đồng. Theo cách diễn giải của chị Thỷ, các nhóm huy động tài chính của chị em sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai.

Theo thống kê của UBND xã Hồng Vân, hiện nay Hội Phụ nữ xã Hồng Vân quản lý số vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội là 14 tỷ đồng, Ngân hàng Agribank và 400 triệu đồng, Liên Việt post bank 1 tỷ đồng.

Đầu năm 2021, trong danh sách chị em tham gia nhóm huy động tài chính xoay vòng ở thôn Ka Cú 1, xuất hiện 2 cái tên đàn ông đầu tiên, đó là Hồ Thượng Tiêu và Hồ Văn Nam. Đây là nhóm tài chính xoay vòng thành công nhất, số tiền khá dồi dào, vì vậy, chị em trong nhóm có điều kiện vay vốn nhanh, trả nợ nhanh để giải quyết bài toán kinh tế hằng ngày.

Trong số các phụ nữ tham gia nhóm, tiêu biểu nhất là chị Hồ Thị Him. Cao điểm nhất, trong chuồng nhà chị Him nuôi 200-300 con lợn, hiện nay, còn 100 con lợn nái. Ngoài ra, chị còn nuôi 8 con bò, trồng 8ha keo lai.

Gặp gỡ phụ nữ trong xã Hồng Vân, các chị “nói nhỏ những thông tin vui” về một số hộ đã tích lũy được vài trăm triệu đồng để gửi ngân hàng. Mô hình huy động tài chính xoay vòng đã tạo tâm lý chủ động cho các phụ nữ, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đồng thời hành cùng nhau liên kết giúp nhau phát triển.

Bài 3: “Bộ ba” keo - sắn - ngô

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/loi-thoat-ngheo-o-cac-xa-vung-bien-gioi-a-luoi-bai-2-post441756.html