Lợi nhuận ngành lọc dầu châu Á giảm nhanh khi nhu cầu nhiên liệu hạ nhiệt

Trong những tháng qua, thị trường nhiên liệu của châu Á nóng lên nhờ giá tăng cao nhưng nguồn cung hạn chế. Nhưng giờ đây, thị trường đã hạ nhiệt khi nhu cầu bắt đầu giảm bớt, trong khi các nhà máy lọc dầu trong khu vực vẫn duy trì công suất chế biến ở mức cao, khiến tỷ suất lợi nhuận của họ giảm mạnh.

Nhà máy lọc dầu của Công ty SK Energy ở TP. Ulsan, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Tỷ suất nhuận từ mảng chế biến xăng ở châu Á đã giảm hơn 60% so so với mức kỷ lục đạt được hồi tháng 6, trong khi tỷ suất lợi nhuận từ mảng chế biến dầu diesel ở khu vực này giảm khoảng 25% so với mức đỉnh gần đây, theo dữ liệu của Bloomberg. Hãng tư vấn năng lượng FGE dự báo tỷ suất lợi nhuận của ngành lọc dầu châu Á có thể sẽ tiếp tục giảm trong quí này khi các nhà máy lọc dầu quay trở lại hoạt động sau quá trình bảo trì và bổ sung thêm công suất mới, làm tăng nguồn cung nhiên liệu.

Sự thoái lui của giá cả năng lượng là một dấu hiệu nữa cho thấy giá cả hàng hóa nói chung đang quay trở lại vạch xuất phát sau đợt tăng giá không ngừng nghỉ trong nhiều tháng qua. Nó cũng giúp trút bỏ bớt áp lực cho các chính phủ và những người lái xe. Giá dầu chuẩn toàn cầu Brent đã giảm trở lại gần mốc 100 đô la Mỹ/thùng từ mức đỉnh gần 140 đô la Mỹ hồi tháng 3 sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.

Emma Li, nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Vortexa, cho biết các nhà máy lọc dầu ở Nhật Bản và Hàn Quốc đã nâng công suất chế biến và họ không còn khả năng hưởng lợi nhờ mức chênh lệch giá dầu diesel bán sang châu Âu, dẫn đến sự mất cân bằng trong cung và cầu trong khu vực.

Tại châu Á, hoạt động nhà máy ở các nền kinh tế như Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan đã chậm lại trong tháng 6 do lạm phát tăng cao. Theo dữ liệu của Vortexa, nhập khẩu xăng và dầu diesel trên khắp Nam và Đông Nam Á trong tháng trước giảm 18% so với tháng 5.

Mặc dù giảm mạnh nhưng tỷ suất lợi nhuận của mảng chế biến xăng dầu ở châu Á vẫn ở các mức cao trong lịch sử, đặc biệt là đối với dầu diesel. Điều này thúc đẩy các nhà máy lọc dầu tiếp tục chế biến nhiên liệu càng nhiều dầu càng tốt. Theo FGE, tỷ lệ công suất hiệu dụng của ngành lọc dầu châu Á ước tính sẽ tăng thêm 2,8 điểm phần trăm lên mức hơn 80% trong tháng 8. FGE dự báo thị trường xăng của khu vực sẽ dư thừa nguồn cung vào tháng sau, trong khi đó, tình trạng dư thừa nguồn cung diesel sẽ tiếp tục nới rộng.

Nhu cầu tiêu thụ yếu hơn kết hợp với nguồn cung xăng dầu ở châu Á gia tăng đang bù đắp tác động từ việc hạn chế xuất khẩu nhiên liệu từ Trung Quốc, và sắp tới có khả năng là từ Ấn Độ. Theo số liệu hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc chỉ xuất khẩu 10,35 triệu tấn xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay, thấp hơn 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 7, Trung Quốc đã cấp hạn ngạch xuất khẩu mới, cho phép các công ty lọc dầu trong nước xuất khẩu thêm 5 triệu tấn nhiên liệu, nâng hạn ngạch xuất khẩu của họ trong năm nay lên 22,5 triệu tấn, thấp hơn 39% so với mức hạn ngạch năm ngoái. Các nguồn tin cho biết gần đây, các công ty lọc dầu của Trung Quốc đã vận động Bắc Kinh tăng hạn ngạch xuất khẩu để giúp họ được hưởng lợi nhờ giá nhiên liệu tăng kỷ lục ở châu Á.

Hôm 1-7, Ấn Độ áp thuế xuất khẩu đối với xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay vốn trước đây được miễn thuế. Động thái này nhằm giúp tăng nguồn thu ngân sách cho chính phủ giữa lúc chi phí nhập khẩu dầu thô tăng cao, nhưng sẽ tác động đến lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu trong nước.

Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu xăng và dầu diesel của Ấn Độ tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái lên, 150,75 triệu thùng. Theo Kpler, công ty cung cấp giải pháp phân tích và dữ liệu hàng hóa, nhiên liệu của Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu ra khu châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi và châu Âu. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ được yêu cầu phải bán cho khách hàng trong nước ít nhất 30% sản lượng dầu diesel xuất khẩu của họ. Đối với xăng, tỷ lệ này 50 phần trăm.

Theo Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/loi-nhuan-nganh-loc-dau-chau-a-giam-nhanh-khi-nhu-cau-nhien-lieu-ha-nhiet/