Lợi ích kép từ quản lý rủi ro trong soi chiếu hàng hóa

Năm 2011, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu của ngành Hải quan là 12,62%. Đến năm 2019 là 5,29% và năm 2021 chỉ còn 3,96%. Giảm tỷ lệ kiểm tra vừa giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, vừa giúp giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp. Kết quả này có sự đóng góp hết sức quan trọng của việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu.

“Soi” ra nhiều nghi vấn

Từ năm 2020, Tổng cục Hải quan đã ban hành quy định về kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng máy soi container nhằm tập trung nhân lực phân tích lựa chọn soi chiếu qua máy để xác định trọng điểm trên cả 3 tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Từ kết quả công tác lựa chọn, soi chiếu theo tuyến đường biển cho thấy, tổng lượng container soi chiếu tại các máy soi thuộc các địa bàn cảng biển TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng đạt 12.404 container, chiếm khoảng 68,71%/tổng lượng soi toàn ngành. Trong số này, số lượng container nghi vấn là 682 container; số lượng container vi phạm là 110 container, chiếm 92,44%. Qua xử lý, lực lượng hải quan đã thu nộp vào ngân sách hơn 3,3 tỷ đồng, gồm 2,9 tỷ đồng tiền thuế tăng thêm và 401 triệu đồng từ xử phạt vi phạm hành chính.

Theo ông Lê Huy Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Hải Phòng khu vực 3, các vụ vi phạm thường tập trung ở việc khai báo sai về số lượng chủng loại dẫn đến làm thiếu số tiền thuế phải nộp, thiếu các chứng từ kiểm tra chuyên ngành.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Hồng Vân

Tổng cục Hải quan cũng đã xác lập hàng trăm đối tượng trọng điểm trên tuyến hàng không theo cách này. Từ đó thiết lập tiêu chí phân luồng cung cấp thông tin đến chi cục hải quan các sân bay và trực quan tổng cục để thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro, giám sát kiểm tra hải quan và phát hiện nhiều vi phạm.

Điển hình như vụ nhập khẩu gần 45kg bong bóng cá hiếm được cất giấu tinh vi trong lô hàng cá đông lạnh vận chuyển từ Mỹ về TP. Hồ Chí Minh bị bắt vào đầu tháng 3/2022. Theo ông Bùi Lê Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, qua sàng lọc nắm thông tin đánh giá rủi ro và đối chiếu với hệ thống dữ liệu, cơ quan hải quan nhận thấy có một số dấu hiệu nghi vấn vi phạm và đã chủ động đưa lô hàng này vào giám sát trọng điểm để xử lý.

Trên tuyến đường bộ, từ năm 2019 đến nay, Cục Quản lý rủi ro tiến hành phân tích xác định trọng điểm trên 1.200 doanh nghiệp, trong đó phát hiện 91 doanh nghiệp sửa tờ khai trốn thuế với số tiền gần 4 tỷ đồng. Qua soi chiếu gần 42.000 container và xe tải cũng đã phát hiện nhiều vi phạm và sử phạt hành chính 2 tỷ đồng.

Xây dựng bài toán nghiệp vụ

Để đảm bảo hiệu suất, hiệu quả công tác lựa chọn, điều phối soi chiếu hàng hóa xuất nhập khẩu bằng máy soi container, theo ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan, năm 2022, Cục Quản lý rủi ro tiếp tục tăng cường vai trò điều phối hoạt động soi chiếu trong toàn ngành để đảm bảo hoạt động soi chiếu được thông suốt, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời đảm bảo công tác quản lý hải quan.

Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin và phối hợp với cục hải quan các tỉnh, thành phố nơi đặt máy soi và các đơn vị liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc, nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả soi chiếu. Đồng thời, nắm bắt tình hình, tiến độ các cục hải quan địa phương được trang bị máy soi container trong năm 2022 để phối hợp tổ chức triển khai công tác lựa chọn, soi chiếu theo quy định.

Phương tiện hữu hiệu của cơ quan Hải quan

Trong bối cảnh thương mại quốc tế phát triển mạnh mẽ, công tác quản lý rủi ro ngày càng chứng tỏ được vai trò là phương tiện hữu hiệu của cơ quan hải quan, vừa tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, vừa kiểm soát tốt hơn các trường hợp gian lận và vi phạm trong lĩnh vực hải quan, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Từ nay đến năm 2030, ngành Hải quan sẽ đặc biệt chú trọng công tác quản lý rủi ro tại cảng, kho bãi khu vực cửa khẩu nhập.

Ngoài ra, các phòng chức năng của Cục Quản lý rủi ro phối hợp với các chi cục hải quan, đội kiểm soát hải quan điều phối hàng hóa soi chiếu, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp có thể thực hiện soi chiếu tại địa bàn cảng biển, hoặc đặt tại địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu, phù hợp với tuyến vận chuyển và theo đề nghị của doanh nghiệp.

Cơ quan hải quan cũng sẽ tăng cường soi chiếu hàng hóa trong quá trình xếp dỡ tại các máy soi trên tuyến cảng biển (thuộc TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng); theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện soi chiếu và việc kiểm tra thực tế đối với các trường hợp qua soi chiếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, quản lý và áp dụng chuyên đề kiểm soát rủi ro, hồ sơ rủi ro và hồ sơ doanh nghiệp trọng điểm phục vụ công tác phân tích, xác định, lựa chọn soi chiếu hiệu quả.

Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng bài toán nghiệp vụ về xác định trọng điểm và soi chiếu đáp ứng yêu cầu của mô hình hải quan thông minh, hải quan số; chú trọng đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chuyên trách.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/loi-ich-kep-tu-quan-ly-rui-ro-trong-soi-chieu-hang-hoa-106157.html