Lời hứa có 'giữ lấy lời'? (Bài cuối)

Thực tế nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông Hà Nội chậm tiến độ và ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Nhiều dự án chưa được ưu tiên đầu tư, chưa tập trung hoàn thành để khép kín các đường vành đai và cải thiện giao thông công cộng.

Dù đang phải sống trong những ngày lưu thông với sự chật vật, nhưng người dân vẫn luôn kỳ vọng, tình cảnh này sớm kết thúc. Liệu rằng, sự nỗ lực của cơ quan chức năng, cũng như kỳ vọng của người dân sẽ sớm được “đền đáp”.

Các dự án quây tôn sẽ sớm được đẩy nhanh?

Trước nỗi bức xúc của người dân sống trên địa bàn Hà Nội nói chung và khu vực Tây Hồ nói riêng, tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội vừa diễn ra, đại biểu Lê Thị Thu Hằng (quận Tây Hồ) đã thẳng thắn chất vấn về việc đảm bảo tiến độ dự án mở rộng đường Âu Cơ.

Việc lưu thông của người dân càng thêm khó khi có dự án quây tôn một phần lòng đường.

Hồi đáp về vấn đề này, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, ông Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu vượt An Dương kết hợp thay thế một phần đê đất thành bê tông được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2 triển khai đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân dài 3,7km. TP đã phê duyệt dự án vào năm 2019; đấu thầu và lựa chọn nhà thầu vào năm 2020. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến cần có giải pháp cho đoạn 2,5km từ ngõ 124 đến đường Lạc Long Quân do đoạn này có cao độ nhà dân thấp hơn đoạn khác. BQL dự án đã tổ chức hội thảo khoa học, báo cáo hội đồng thẩm định. Sau 1,5 năm đã tái khởi động, triển khai dự án. “Dự án chậm 1,5 năm là do giải quyết các yêu cầu về kỹ thuật”, ông Cường lý giải.

Ông Cường cho biết thêm, giải pháp kỹ thuật giai đoạn 2 có điểm khác với giai đoạn 1 (khoan và thay thế bằng bơm vữa xi măng để cải tạo) là tính toán cả đường thấm, tiến hành cắm cọc thép khoảng 5m; tường chắn 2 bên, không để nhà dân tiếp cận vào đường. Tháng 6/2022, dự án đảm bảo điều kiện thi công. Đến nay dự án đã thi công được 1,5 năm. Trong đó 4 tháng không thi công được do quy định của Luật Đê điều, trong thời gian lũ không được thi công. Đến nay đường chắn 2 bên đã cơ bản hoàn thành; đang bắt đầu đào đê, thay thế phần đê đất để mở rộng mặt đường. Trong quá trình triển khai thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu rút ngắn tiến độ dự án 6 tháng. Tháng 6/2024 dự án phải hoàn thành, BQL đã có cam kết về việc này. “Từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành 1 km. 1,1 km từ phố Xuân Diệu đến vườn hoa Quảng An sẽ hoàn thành trong thời gian từ nay đến 30/4/2024. Với 1,6 km còn lại, sẽ hoàn thành vào 30/6/2024 để thông xe kỹ thuật toàn tuyến”, ông Cường khẳng định trước các đại biểu HĐND TP và cử tri.

Trở lại Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội, đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, họ đã nắm được thông tin người dân phản ánh việc quây tôn thi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc. Vị này cho hay, dọc đường Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi về Trần Phú (Hà Đông), trung bình 150-200m sẽ có một giếng. Cao điểm dự kiến có khoảng 10 điểm quây tôn trong cùng một thời điểm. Trung bình mỗi điểm thi công kéo dài nhanh nhất 7-8 tháng. Nếu khu vực nào bị vướng công trình ngầm sẽ phải dịch tim ra ngoài đường. khoảng 2-3 tháng nữa, đơn vị sẽ thu nhỏ diện tích quây hàng rào trên đường Nguyễn Xiển để người dân có mặt bằng đi lại. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào tiến độ thi công và khi cần sẽ phải mở rộng thêm diện tích quây tôn.

"Có một số thời điểm người dân cho rằng công trình “bỏ hoang” không có công nhân, máy móc thi công nhưng thực tế chúng tôi vẫn đang khoan kích ngầm dưới đất", đại diện BQL dự án lý giải. Trước khi thi công, đơn vị đã tính hết các phương án để tránh ảnh hưởng người dân. Đơn vị đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ, tập trung các khu vực trọng điểm, tìm phương án để thu rào sớm, giải tỏa ùn tắc giao thông.

Các chỉ tiêu quy hoạch giao thông chưa như kỳ vọng

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, qua rà soát, các chỉ tiêu quy hoạch giao thông trên địa bàn thành phố mới thực hiện dưới 50%, đặc biệt, đầu tư các dự án đường sắt đô thị mới chỉ đạt 6,5%. “Tốc độ phát triển hạ tầng giao thông hiện tăng 0,5%/năm, trong khi tốc độ phát triển phương tiện cá nhân tăng gấp 10 lần, từ 4-5%/năm. Do đó, việc xây dựng hạ tầng luôn chới với "đuổi theo” tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nêu và cho hay, Hà Nội đang có 100 dự án quây tôn, khiến giao thông nhiều khu vực tại nội đô ùn tắc.

Trong giai đoạn trước đây, việc triển khai đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại một số tuyến đường có tình trạng dàn trải, thiếu đồng bộ và chậm triển khai. Ví dụ, đường Vành đai 2,5 có chiều dài 19,4km được chia là 13 đoạn; đường quốc lộ 21B dài 41km được chia làm 13 đoạn; quốc lộ 1A phía Nam cũng chia là 11 đoạn. Cá biệt có những đoạn chỉ đầu tư một nửa mặt cạnh ở trên địa bàn huyện Thường Tín... Theo ông Thường, tổng mức đầu tư cho toàn bộ nhu cầu về hạ tầng giao thông của TP là khoảng 1.694.000 tỷ đồng, trong khi đó tại HĐND TP 2 nhiệm kỳ 2016 – 2025 mới dự kiến bố trí 280.000 tỷ đồng.

“Trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, TP bố trí cho 224 dự án với tổng kinh phí là 127.000 tỷ đồng, tăng 250% về số vốn nhưng số dự án chỉ tăng 5% so với giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dứt điểm, giảm dàn trải ra nhiều dự án”, ông Thường chia sẻ. Cũng theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, về nguyên tắc đầu tư, TP cũng đang chỉ đạo theo hướng số lượng dự án phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn và bảo đảm tính khả thi trong thực hiện. Các dự án chuyển tiếp giai đoạn này phải hoàn thành xong và chuẩn bị điều kiện cho các giai đoạn trung hạn về sau. TP cũng cố gắng thực hiện đầu tư trọn gói dự án và tập trung đầu tư dự án hoàn thiện kết nối giao thông, giải tỏa ùn tắc, khắc phục các điểm đen, tai nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Về thứ tự ưu tiên, TP dành quan tâm hàng đầu cho các dự án cấp bách, trọng điểm, các đường vành đai hướng tâm, đường sắt đô thị, hoàn thiện dứt điểm các hầm chui, cầu vượt tại các nút giao thông quá tải, có tình trạng ùn tắc.

Đồng thời, TP cũng tập trung đầu tư các cầu qua sông Hồng, các tuyến kết nối với tỉnh ngoài liên kết với phương tiện hướng Bắc, Tây Bắc. Qua đó nhằm giảm tải cho trung tâm thủ đô và đầu tư các cái đoạn kết nối vành đai, kết nối các đường cao tốc, các dự án tại 4 huyện chuẩn bị thành lập quận… Sang tuần tới, Sở GTVT và Công an TP Hà Nội sẽ họp bàn quy chế phối hợp để tăng cường lực lượng đến phân luồng phương tiện giảm ùn tắc tại 326 điểm.

Đặng Nhật-Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/loi-hua-co-giu-lay-loi-bai-cuoi--i717326/