Lời hẹn từ Lý Sơn

Chúng tôi rời cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn trên tàu cao tốc Biển Đông 2. Đang mùa biển lặng. Từ xa, dãy đảo hiện ra giữa mênh mông trời nước. Gương mặt nhiều du khách trên tàu lộ vẻ chờ đợi, háo hức.

Cột cờ trên đỉnh Thới Lới.

Trong buồng lái, tôi có cuộc trò chuyện ngắn với thuyền trưởng Bùi Chuyên và Hòa thượng Thích Tâm Phác. Thuyền trưởng cho biết, tuyến cao tốc có từ dăm năm nay, tàu chạy nhanh, an toàn, tiện lợi, rút ngắn thời gian ra đảo rất nhiều. Hòa thượng Thích Tâm Phác trụ trì chùa Hải Lâm trên đảo Lý Sơn, đã gắn bó với đảo từ nhiều năm. Hòa thượng cho biết, chùa Hải Lâm là chùa chính ở Lý Sơn, xây dựng trên nền đất cũ, kiến trúc đẹp, khang trang và mời chúng tôi vãng cảnh chùa trong thời gian ở đảo. Cuộc trò chuyện cho tôi có cảm giác gần gũi, thân thuộc dù lần đầu đến đảo.

Tọa độ Lý Sơn.

Ngay khi tàu cập bến, chúng tôi theo lái xe Nguyễn Kim Vững, 30 tuổi, dân gốc nhiều đời ở Lý Sơn, lên đỉnh Thới Lới. Đây là điểm có tầm nhìn bao quát toàn bộ đảo lớn. Thới Lới là một trong mấy ngọn núi lửa từ triệu năm trước đã ngưng hoạt động ở Lý Sơn. Núi cao khoảng 170 mét. Đỉnh núi hình lòng chảo, nơi có hồ nước ngọt cấp cho cả đảo. Cột cờ tổ quốc dựng trên đỉnh Thới Lới cao 20 mét, điển hẹn quen thuộc cho những người đến Lý Sơn. Từ đỉnh cao này, chúng tôi thu vào tầm mắt vẻ đẹp gần xa của vùng đảo. Bờ biển tuyệt đẹp. Làng xóm bình yên. Những cánh đồng tỏi, sản vật nổi tiếng của Lý Sơn trải dài trong nắng chiều. Tàu đánh cá xuôi ngược gần xa. Trên đầu chúng tôi, lá cờ tổ quốc lộng gió tung bay bên biển xanh. Những hình ảnh ấy mang đến những cảm xúc thật đặc biệt.

Bờ biển Lý Sơn.

Cũng ngay trong buổi chiều, chúng tôi kịp đến cổng Tò Vò, một cảnh đẹp độc đáo ở Lý Sơn. Đây là một là một cổng đá, cao hơn hai mét, nằm ở bờ đông đảo lớn. Từ xa xưa, nham thạch phun trào khi núi lửa hoạt động, bị đông cứng khi gặp nước biển đã tạo nên cổng có hình dạng đặc biệt này. Chúng tôi kịp thấy cảnh hoàng hôn rực rỡ khi mặt trời dần khuất sau vòm đá. Rất đông khách du lịch đến đây chờ đợi thời điểm này.

Hoàng hôn ở cổng Tò Vò.

Đêm đầu tiên ở Lý Sơn, tôi ngồi bên chân sóng. Những ngọn gió từ phía đông thổi vào mang theo vị mặn của một vùng biển trù phú. Mặt nước gần xa nhấp nháy ánh đèn của những con tàu đánh mực đêm. Đất liền ở phía sau chúng tôi. Quần đảo Hoàng Sa ở trước mặt, cách chỗ chúng tôi chừng 120 hải lý. Trong bài thơ Đứng Trước Biển, tôi từng viết: “Đất đoàn tụ mà nước còn chia cắt/ Đau đáu Hoàng Sa mong đợi ngày về...”. Có lẽ không ở đâu, cảm giác về Hoàng Sa gần gũi, lay động lòng người như ở Lý Sơn.

Bia tưởng niệm tại nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Những dấu ấn về Hoàng Sa được lưu giữ ở Lý Sơn là những địa chỉ được quan tâm hơn cả và đem lại những ấn tượng mạnh mẽ. Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Kiêm Quản Bắc Hải là một địa chỉ như thế. Đây là nơi lưu giữ hơn 100 hiện vật của người lính Hoàng Sa cùng nhiều bản đồ và tư liệu cổ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ lâu đời của Việt Nam. Cụm tượng đài hình ảnh các chiến binh Hoàng Sa một thuở, dáng hiên ngang bất khuất.

Ở bên trong nhà trưng bày, tôi đã dừng lại rất lâu trước khung kính trưng bày các linh phù của những người trong hải đội Hoàng Sa, theo lệnh triều đình, vì nghĩa lớn, gần hai trăm năm trước vượt biển khơi sóng cả, thực thi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong số đó có các ông Phạm Quang Ảnh, Phạm Văn Sinh, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật... Có những hòn đảo ở Hoàng Sa được mang tên họ để ghi nhớ sự hy sinh cao cả của những người anh hùng của đất nước.

Âm linh tự, nơi tưởng niệm các chiến sĩ trận vong.

Chúng tôi cũng đã đến viếng Âm linh tự, nơi có đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong; phần mộ và miếu thờ các ông Phạm Quang Ảnh, Phan Hữu Nhật; thăm đình xã An Hải, nơi tổ chức Lễ Khao lề thế lính hàng năm của người dân trên đảo năm để tưởng nhớ chiến binh của hải đội Hoàng Sa xưa không trở về... Những di tích ấy, cùng ngôi mộ gió ở nhiều nơi ở Lý Sơn, mãi gắn với những trang sử bi hùng về một thời đất nước, là ký ức mãi ám ảnh lớp con cháu hôm nay.

Cùng với những dấu ấn đặc sắc liên quan đến Hoàng Sa, Lý Sơn còn có những di tích về văn hóa Sa Huỳng, văn hóa Cham Pa; những cảnh đẹp nổi tiếng như Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục hay những bãi biển còn hoang sơ trên đảo Bé. Thiên nhiên cũng ưu đãi cho hòn đảo này những sản vật, đặc biệt là cây tỏi, một thương hiệu của Lý Sơn từ lâu đã nức tiếng gần xa. Vùng biển Lý Sơn giàu có với nhiều loại hải sản quý.

Nơi trưng bày bộ xương Cá Ông.

Chúng tôi ra Lý Sơn vào dịp kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước và 30 năm thành lập huyện đảo này (1993 - 2023), cảm nhận được những thay đổi to lớn trong cuộc sống của người dân nơi đây. Cuộc trao đổi rất thân tình, cởi mở với nữ Chủ tịch huyện Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Văn Ninh đã giúp chúng tôi hiểu thêm về tình hình Lý Sơn. Mặc dù còn không ít khó khăn trên con đường đi lên, những chỉ số phát triển trong 30 năm qua của Lý Sơn rất đáng được ghi nhận: Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện năm 2022 đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng gấp gần 24 lần so với năm 1993. Cơ cấu kinh tế chuyển biến mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm, đạt 37,5 triệu đồng/người năm vừa qua. Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản năm 2022 đạt trên 945 tỷ đồng, gấp gần 16 lần so với năm 1993. Lý Sơn trồng hai loại cây trồng chủ lực là tỏi và hành, bình quân 5 năm gần đây, mỗi năm thu hoạch khoảng 12 nghìn tấn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm có bước phát triển ổn định, góp phần cải thiện đời sống người dân. Huyện đã triển khai nhiều dự án trồng rừng mang lại hiệu quả tích cực. Thủy sản phát triển mạnh. Sản lượng thủy sản khai thác tăng trưởng khá; số tàu cá tăng nhanh. Các cơ sở chế biến hải sản từng bước được hình thành. Toàn đảo đã có hơn 50 lồng, bè nuôi trồng thủy sản.

Chuẩn bị cho vụ tỏi mới.

Bến cá trên đảo.

Hoạt động du lịch ở Lý Sơn không ngừng được mở rộng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Huyện đã trung đầu phát triển hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, hệ thống điện thắp sáng; trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa; quan tâm xử lý vấn đề vệ sinh, môi trường, xây dựng các công viên cây xanh. Du lịch cộng đồng, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh.

Nhiều sự kiện lớn được tổ chức ở Lý Sơn như giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài; giải dù lượn tỉnh Quảng Ngãi mở rộng; giải bóng chuyền nữ bãi biển; cuộc thi bơi vượt biển từ đảo Lớn sang đảo Bé, thi đua thuyền... Toàn huyện hiện có 135 cơ sở lưu trú từ khách sạn, nhà nghỉ đến homestay, với hơn 1.000 phòng, đảm bảo phục vụ từ 3.000 - 4.000 khách một ngày. Số lượng khách đến Lý Sơn tăng nhanh. Doanh thu du lịch, dịch vụ chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện.

Chủ tịch huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương: Khao khát mong Lý Sơn cất cánh!

Chúng tôi rất ấn tượng với tầm nhìn, khả năng bao quát và phong cách sôi nổi của chị Phạm Thị Hương, Chủ tịch huyện. Chị sinh ra trên trên đất Bắc, sau chiến tranh mới theo mới theo gia đình về quê Nam, gắn bó và trưởng thành với Lý Sơn. Khao khát lớn nhất của chị là làm sao cho Lý Sơn "cất cánh", phát huy được những lợi thế của đảo, phát triển nhanh hơn nữa. Cùng các đồng nghiệp cùng đi, chúng tôi đã thảo luận về mô hình, cơ chế phát triển, con đường đi lên từ tiềm năng của Lý Sơn mà vẫn giữ bản sắc lịch sử, văn hóa, phẩm chất con người, vẻ đẹp thiên nhiên, biến những tiềm năng ấy thành lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ mới. Chúng tôi cũng nói về mô hình của Phú Quốc, Côn Đảo... và những bài học về con đường đi lên của từng nơi. Tôi so sánh những điểm tương đồng về địa lý, thiên nhiên, văn hóa, con người mà tôi nhận thấy giữa Lý Sơn và đảo Jeju của Hàn Quốc, nơi tôi đã đến thăm trước đây. Chị Phạm Thanh Hương rất hứng thú với ý kiến này và cho biết, chủ trương hợp tác giữa đảo Jeju và Quảng Ngãi về nguyên tắc đã được thông qua. Chúng tôi cùng tin rằng, nếu có thể, sự hợp tác ấy sẽ giúp Lý Sơn phát triển nhanh, với định hướng trở thành hòn đảo phát triển, một điểm du lịch có sức thu hút du khách trong và ngoài nước.

Lễ khao lề thế lính ở Lý Sơn (hình ảnh chụp lại nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải).

Trong bữa cơm thân tình với những sản vật của Lý Sơn, chúng tôi cùng nâng cốc chúc Lý Sơn sớm thực hiện được những mục tiêu mình, và mong sớm thực hiện lời hẹn với Chủ tịch Phạm Thị Hương trở lại Lý Sơn để chứng kiến những thành tựu mới ở huyện đảo này trong tương lai không xa.

Viếng mộ ông Phạm Quang Ảnh, người được cử đi vẽ thủy trình Hoàng Sa từ năm Gia Long 14 (năm 1815).

Linh vị của các chiến binh Đội Hoàng Sa.

Viếng mộ ông Phạm Hữu Nhật, người được cử đi đo đạc Hoàng Sa từ năm 1837.

Đình An Hải, nơi tổ chức Lễ khao lề thế lính hằng năm ở Lý Sơn.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/loi-hen-tu-ly-son-20230423155020516.htm