Lời giải nào cho du lịch Việt Nam phát triển nhanh, bền vững?

Sáng ngày 15/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm 2023 với mong muốn tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; tìm ra những câu trả lời cho một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Du lịch phải thay đổi tư duy, cách làm

Thủ tướng nhận định, thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; thách thức bất thường, phức tạp hơn so với cơ hội, thuận lợi và so với dự báo. Trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội lực chưa lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế và với độ mở lớn nên chịu tác động nhiều bởi diễn biến trên thế giới. Bên cạnh những khó khăn, chúng ta cũng có không ít thời cơ và thuận lợi. Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề là phải cùng nhau khai thác tốt nhất các cơ hội, nhận diện, hóa giải khó khăn, vượt qua thách thức.

Chính phủ đặt mục tiêu nhận diện thách thức, tìm ra các giải pháp để hóa giải, tranh thủ thời cơ thuận lợi, cùng nhau khai thác tốt nhất những cơ hội để phát triển.

“Ngành du lịch cũng vậy, kinh tế chung khó khăn kéo theo nhiều hệ lụy. Từ đầu năm 2023 đến nay, du lịch Việt Nam có nhiều khởi sắc, đã đón khoảng 10 triệu khách du lịch quốc tế cùng 99 triệu lượt khách du lịch nội địa. Song, nếu so với thời điểm trước đại dịch năm 2019 thì lượng khách quốc tế mới đạt khoảng 70%; khách nội địa thời điểm ngay sau khi đại dịch được kiểm soát có bùng nổ nhưng năm nay cũng có dấu hiệu chững lại” - Thủ tướng dẫn chứng và cho rằng: Bên cạnh yếu tố khách quan, nội tại ngành du lịch Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết. Do đó, để đạt mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đến 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch cần thực sự đổi mới tư duy, có các cách làm, biện pháp sáng tạo, đột phá; có sự phối hợp nhịp nhàng, toàn diện giữa ngành du lịch với các bộ, ngành khác.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị hội nghị trao đổi, thảo luận để tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; tìm ra những câu trả lời cho một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Cần nhận diện thời cơ và thách thức của du lịch Việt Nam. Các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia và từng bộ, ngành, địa phương cùng nhau trao đổi, đề xuất giải pháp đột phá, cụ thể, khả thi để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững.

“Trong đó, tập trung nêu rõ những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, thương hiệu, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao năng lực quản trị của quốc gia, của từng địa phương và từng doanh nghiệp phù hợp với điều kiện mới, công tác phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch và doanh nghiệp ngoài ngành du lịch...” - Thủ tướng gợi mở.

Vì sao du lịch Việt Nam chưa thu hút được khách Tây?

Từ nhiều năm qua, châu Á luôn là thị trường du khách chính của Việt Nam, dẫn đầu Trung Quốc, tiếp sau là Hàn, Nhật. Ngay cả khi Trung Quốc không còn chiếm vị trí thống lĩnh thị phần khách quốc tế của Việt Nam như trước đại dịch, thì khách châu Á vẫn làm “trùm” và khách Tây quá èo uột. Theo Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2023 ước đạt 932.969 lượt, tăng 7,1%; tính chung 2 tháng đầu năm 2023 đạt 1,8 triệu lượt khách, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2022 (thời điểm Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế).

Trong đó, khách châu Á thống trị điểm đến Việt Nam khi đóng góp gần 1,3 triệu trong tổng số 1,8 triệu khách quốc tế (hơn 72%). Dẫn đầu là khách Hàn Quốc, lên tới 560.289 lượt khách; Thái Lan 97.200 lượt, Đài Loan (90.156), Malaysia (72.259), Trung Quốc (70.900), Nhật Bản (70.500), Campuchia (69.800), Singapore (50.500)...

Thị trường khách quốc tế của Việt Nam không chỉ thấp về số lượng mà còn chênh lệch về cơ cấu nguồn khách. Các thị trường khách xa như Âu, Mỹ, Úc đang “thâm hụt” nghiêm trọng. Trong 1,8 triệu khách quốc tế 2 tháng đầu năm, khách đến từ châu Âu chỉ vỏn vẹn 242.500 lượt, chiếm 13,4% tổng số khách quốc tế của Việt Nam; cả châu Mỹ là 186.000 lượt (riêng khách Mỹ 147.500 lượt), chiếm 10,3% và châu Úc gần 74.000 lượt, chiếm 4,1%.

Với khách châu Âu, đông nhất là khách đến từ Anh (44.000 lượt), khách Đức và Pháp cùng 35.000 lượt... Các thị trường còn lại chỉ quanh quẩn vài ba ngàn lượt khách. Không tính 3 năm đại dịch, khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm như quay trở lại những năm 2016, thời điểm Việt Nam đón 6 triệu khách nước ngoài.

Du khách quốc tế nào cũng quan trọng nhưng các doanh nghiệp và chuyên gia du lịch cho rằng, Việt Nam cần tăng cường quảng bá, sáng tạo sản phẩm phù hợp, mở rộng chính sách thị thực... để thu hút nhiều hơn khách từ các thị trường trọng điểm Âu - Mỹ - Úc.

Ông Nguyễn Châu Á - Giám đốc Công ty Oxalis Adventure chuyên tour khám phá hang động Sơn Đoòng, dẫn câu chuyện về thành công của những tour khách Tây ưa thích ở Hội An như đi cày, trồng rau, nấu ăn cùng người dân và thậm chí tour thả rắn về chốn hoang dã, để khẳng định: “Hiện nay, chúng ta không phân biệt được sản phẩm du lịch nào khách Tây khoái nên cứ làm cái mình thích rồi nghĩ là Tây thích”. Hậu quả, Việt Nam có nhiều sản phẩm du lịch nhưng lại có rất ít sản phẩm phù hợp với khách Âu, Mỹ.

Theo các công ty lữ hành chuyên đón khách nước ngoài, các chương trình vui chơi giải trí về đêm ở Việt Nam cũng kém phát triển. Du khách chỉ có ăn uống, nhậu nhẹt xong về khách sạn ngủ. Ở Hà Nội có múa rối nước được nhiều khách quốc tế tìm tới nhưng sân khấu nhỏ, suất diễn còn đơn điệu. Chương trình hoành tráng có À Ố Show, vốn được lòng khách Âu - Mỹ, nhưng diễn ra không liên tục.

“Sản phẩm du lịch vẫn là cốt lõi của vấn đề vì sao Việt Nam chưa thu hút được khách Tây. Có sản phẩm chúng ta mới quảng bá điểm đến hiệu quả. Nếu giờ hỏi du lịch chúng ta có sản phẩm gì cho khách Âu - Mỹ, sản phẩm nào cho khách Á, chắc chắn không ai trả lời được. Vậy thì lấy gì để quảng bá?” - ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, nhấn mạnh.

Trong báo cáo gửi tới hội nghị, Sở Du lịch TP.HCM nhận định nút thắt visa là một trong những yếu tố cần giải quyết để tăng trưởng du lịch thành phố nói riêng cũng như cả nước nói chung. Hiện nay, visa của Việt Nam đã mở khi triển khai visa điện tử ở tất cả thị trường, nhưng thực tế các hồ sơ, thủ tục liên quan đến duyệt visa vẫn còn chậm và chưa thật sự thông thoáng, gây mất khá nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục.

Ngoài ra, so với các nước trong khu vực, các quốc gia được Việt Nam miễn thị thực là còn quá thấp. Điển hình, Indonesia miễn thị thực cho công dân khoảng 169 quốc gia và vùng lãnh thổ, Philippines miễn thị thực cho công dân khoảng 166 quốc gia và vùng lãnh thổ, con số này ở Malaysia là 156, Singapore miễn cho khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, Thái Lan - 60 và Brunei miễn thị thực cho công dân khoảng 54 quốc gia và vùng lãnh thổ...

“Điều này dẫn đến việc lượng khách từ các thị trường trọng điểm, thị trường mới có tiềm năng vẫn mất chi phí cao, tốn nhiều thời gian, để được duyệt nên dần dần chuyển sang các thị trường khác cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong lĩnh vực du lịch như Thái Lan, Singapore. Đồng thời, để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành đón các đoàn khách du lịch quốc tế lớn đến Việt Nam, Sở Du lịch kiến nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xin cấp thị thực theo đoàn của các doanh nghiệp lữ hành (theo hình thức trực tiếp)” - Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị.

Phải bắt tay nhau thật chặt, giữ mức giá tốt, tâm huyết đi đến cùng vì quyền lợi của khách hàng

Phân tích về một số điểm nghẽn của du lịch Việt, nhiều chuyên gia hoặc đại diện các doanh nghiệp cho rằng, điểm yếu nhất hiện nay của ngành du lịch là sự thiếu liên kết bài bản. Mặt khác, theo các chuyên gia, cho dù có liên kết thì cũng lỏng lẻo. Chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí nhìn nhận, ngành du lịch được xem như “hàn thử biểu” của nền kinh tế, nên phản ứng của người dân, du khách với các điểm đến cần được xem xét, điều chỉnh ngay cho phù hợp.

Ví dụ tại Thái Lan, ngay sau vụ lộn xộn ở trung tâm thương mại Siam Paragon (thủ đô Bangkok), lo sợ lượng khách đến sụt giảm, ngành du lịch Thái Lan đã nhanh chóng điều chỉnh chính sách miễn visa thêm Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc); kéo dài thời gian mở cửa đến 4 giờ sáng cho các điểm giải trí tại Bangkok, Phuket, Chiangmai và Chon Bori.

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, du lịch, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện. Ngành Du lịch cần nhận diện rõ thời cơ, thách thức; chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam, của các nước trên thế giới, những cách làm hay, bài học quý; các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia và từng bộ, ngành, địa phương cùng nhau trao đổi, đề xuất giải pháp đột phá, cụ thể, khả thi để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức…

“Họ nghiên cứu kỹ thị hiếu, phản ứng của khách đối với thị trường du lịch để nhanh chóng điều chỉnh kịp thời. Họ làm rất nhanh, sản phẩm, dịch vụ cũng liên tục được nâng cấp; đặc biệt ngành du lịch Thái Lan rất cầu thị. Chính vì thế, dù đến Thái Lan nhiều lần nhưng khách vẫn mê, bởi giá cả thống nhất, người bán vui vẻ… Không ít du khách thừa nhận, họ đã móc túi tiêu đến đồng tiền cuối cùng, bởi cách làm du lịch của Thái Lan quá khéo” - ông Nguyễn Đức Chí dẫn chứng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Y Yên - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lữ hành Saigontourist, cho biết: “Lời giải chính là các địa phương, doanh nghiệp du lịch, điểm đến phải bắt tay nhau thật chặt, giữ mức giá tốt, tâm huyết đi đến cùng vì quyền lợi của khách hàng. Thêm nữa, công tác hậu kiểm rất quan trọng để đánh giá hiệu quả toàn bộ tiến trình ký kết, hợp tác”.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/loi-giai-nao-cho-du-lich-viet-nam-phat-trien-nhanh-ben-vung-post272666.html