Lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi

Thời gian gần đây, tình trạng một số cơ sở thờ tự hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật lại rộ lên. Các cơ sở này vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục với các hoạt động 'thỉnh vong', 'gọi hồn', 'giải oan', 'cúng sao giải hạn',... Mới đây, các hoạt động tuyên truyền trên website, mạng xã hội của chùa Ba Vàng mang màu sắc mê tín về vật thể được gọi là 'xá lợi tóc Đức Phật' khi chưa được kiểm chứng và chưa được sự chấp thuận của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khiến dư luận bất bình.

Nghi lễ “thỉnh vong”, “gọi hồn” ở một cơ sở thờ tự thực chất là “biến tướng” của mê tín dị đoan (Ảnh minh họa)

Nghi lễ “thỉnh vong”, “gọi hồn” ở một cơ sở thờ tự thực chất là “biến tướng” của mê tín dị đoan (Ảnh minh họa)

Nhận diện mê tín dị đoan

Dù ở thời đại 4.0, với sự phát triển không ngừng của khoa học - kỹ thuật nhưng hiện tượng mê tín dị đoan vẫn tồn tại, “biến tướng” dưới nhiều hình thức tinh vi. Nguy hiểm hơn, nhiều hoạt động mê tín dị đoan núp bóng danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo nên khó nhận biết, khiến không ít người dân vì không phân biệt được giữa tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan nên trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ “buôn thần, bán thánh” để trục lợi.

Vậy mê tín dị đoan là gì? là đặt niềm tin mù quáng vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không có thật, đi ngược với quy luật tự nhiên, không có căn cứ khoa học và không thể chứng minh được. Mê tín dị đoan gây ra những hậu quả xấu về sức khỏe, tiền bạc, thời gian, tính mạng cho cả cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Điều đáng lên án là một số cơ sở thờ tự, kẻ đội lốt tu hành lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan.

Khác với mê tín dị đoan, niềm tin tôn giáo là một dạng nhận thức đặc biệt của con người, một niềm tin thiêng liêng và mang tính chủ quan. Bản chất của tôn giáo là làm phong phú đời sống tâm linh của con người. Các giáo lý hướng đến những điều thiện, tránh xa điều ác chứ không phải là phủ nhận, xóa bỏ hết các văn hóa truyền thống của dân tộc, xã hội. Còn tín ngưỡng văn hóa là niềm tin của con người được thể hiện qua các hoạt động lễ nghi, thờ cúng tổ tiên gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc, đại diện cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội, mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

Như vậy có thể thấy, cả niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng văn hóa đều là những giá trị niềm tin tốt đẹp; còn mê tín dị đoan là biểu hiện của niềm tin sai lệch và mù quáng, ngu muội.

Chủ động bài trừ

Dư luận xã hội từng chấn động khi thông tin bé gái hơn 20 ngày tuổi ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị bà Phạm Thị Xuân (bà nội), 65 tuổi sát hại mà nguyên nhân là thầy bói phán cháu nội mới sinh là “nghiệp chướng”, nếu bé sống thì bà sẽ phải chết và ngược lại. Lo sợ trước lời “sấm truyền” của thầy bói, bà Xuân sát hại đứa cháu ruột thịt của mình.

Sự việc trên đây chỉ là một trong rất nhiều những sự việc đau lòng xảy ra trong thời gian qua. Chỉ vì mê tín dị đoan, tin vào bói toán mà dẫn đến chết người, tan cửa nát nhà, vợ chồng ly tán, anh em bất hòa,... Tệ nạn mê tín dị đoan gây ra những thiệt hại lớn và hậu quả xấu cả về sức khỏe, thời gian, tiền bạc, tính mạng cho cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Trước áp lực của cuộc sống, một số người tìm đến những liệu pháp tâm linh để trấn an hoặc để cầu tài, lộc, cầu phúc, cầu duyên, cầu con cái, chức quyền,... và mù quáng tin vào vận số, những tiên đoán của thầy bói, lá số tử vi hay các thế lực siêu nhiên. Từ thực tế đó, nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi, gieo rắc mê tín dị đoan. Nguy hiểm hơn, các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan lợi dụng tôn giáo để “lên đồng”, “lên bóng” phán truyền, dọa nạt, kiếm tiền từ con nhang đệ tử. Cùng với đó, còn có loại hình khác như cầu cúng, tế lễ thái quá, rình rang tốn kém, xem tướng, bói toán, cúng sao giải hạn với chi phí hàng trăm triệu đồng, những buổi “gọi hồn, thỉnh vong”, hầu đồng, yểm bùa, cầu cúng, hóa vàng mã,... hoành tráng với những niềm tin mù quáng vào số mệnh, thần thánh, ma quỷ,...

Tình trạng lợi dụng tôn giáo tuyên truyền những giáo lý đi ngược lại văn hóa, đạo lý của người Việt Nam như bất hiếu, phủ nhận vai trò của các bậc sinh thành, đập bát hương tổ tiên, vô trách nhiệm với gia đình, người thân,... hay hoạt động mê tín dị đoan dưới hình thức truyền bá “vong báo oán”, “giải nghiệp” và nhận tiền dưới hình thức công đức diễn ra công khai ở một số cơ sở thờ tự. Tình trạng lợi dụng mạng xã hội để đề cập các dịch vụ tâm linh nhưng thực chất là mê tín dị đoan cũng được quảng bá, công khai chào mời, hết sức đáng lo ngại.

Vì vậy, người dân cần tỉnh táo, sáng suốt trước các chiêu trò “buôn thần, bán thánh” để trục lợi từ các “dịch vụ tâm linh”. Người dân phải biết nhận diện rõ các hoạt động mê tín dị đoan, nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe theo lời bói toán vô căn cứ; kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý, bài trừ mê tín dị đoan và những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến mọi mặt đời sống xã hội, xây dựng đời sống tâm linh lành mạnh./.

Cựu chiến binh Long An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/loi-dung-tin-nguong-ton-giao-de-truc-loi-a169766.html