Lời của thương yêu và tiếp nối

Được hỏi về cảm xúc khi ra mắt tập thơ ở tuổi 85, tác giả Thiệp Nguyễn rưng rưng xúc động. Ông bảo: 'Cứ nghĩ rằng truyền thống luôn luôn có tính chất kế thừa, người đi trước mở đường, truyền cảm hứng cho người đi sau. Bao thế hệ trong gia đình tôi là như vậy'.

Sống chậm và sống kỹ

Bước sang tuổi 85, sức khỏe giảm sút nhưng tình yêu với thơ của ông Thiệp Nguyễn không suy giảm. Nằm trên giường bệnh, ông vẫn kè kè tập giấy bút, để mỗi khi khỏe hơn, lại làm thơ lưu giữ những kỷ niệm của mình. Vốn là kỹ sư chế tạo máy nhưng ông thường xuyên làm thơ với nhiều chủ đề khác nhau. Phần lớn thơ của ông là về niềm tin với Đảng, tình yêu với đất nước, quê hương, nhiều bài thơ thể hiện tình cảm gia đình. Ông tâm sự chưa từng nhận là nhà thơ, chỉ gọi mình đơn thuần là một người yêu thơ, mượn thơ để nói về những giá trị của cuộc sống mà mình cảm nhận.

Người thân, bạn bè chúc mừng tác giả nhân dịp ra mắt tập thơ

Tại buổi ra mắt tập thơ Tiếng xa của tác giả Thiệp Nguyễn sáng 12.6, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét, đọc các bài thơ trong Tiếng xa thấy rõ con người của Thiệp Nguyễn, luôn lạc quan, yêu đời, yêu nước. Nhiều bài thơ thể hiện tinh thần đồng chí, đồng đội sâu sắc. Thơ của ông mộc mạc, chân phương, nói lên một điều đáng quý của đời người - sống chậm và sống kỹ.

“Đất nước chúng ta có hàng triệu người quan tâm đến văn chương, yêu thơ, đọc thơ, thưởng thức cái hay của thơ và dùng thơ để tự viết nên cuộc đời mình. Để làm thơ, người ta phải sống kỹ hơn những gì mình đang sống, sống chậm hơn bằng những lắng đọng cuộc đời đầy những kỷ niệm. Đời người còn gì hơn là được sống chậm và sống kỹ. Tập thơ của Thiệp Nguyễn đã nói lên một điều đáng quý của đời người”, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định.

Theo hai phần của tập thơ là Quê hương đất nướcChính sách của Đảng đi vào cuộc sống, độc giả thấy một hành trình, tư tưởng xuyên suốt. Không những là tình yêu quê hương đất nước, tình cảm bạn bè, đôi lứa, đó còn là lời tuyên truyền nhân cách, đạo đức, trách nhiệm của thế hệ trẻ với sự phồn vinh của đất nước. Trong nhiều vần thơ còn chất chứa cả nỗi trăn trở về những giá trị văn hóa, về những đổi thay của thời đại.

Như bài Về nhà, tác giả bày tỏ xúc cảm khi trở lại ngôi nhà cũ, mừng vì quê hương đổi mới, khang trang nhưng cũng buồn vì làng quê ấy đang mất đi những dấu vết đẹp đẽ của truyền thống: Còn đâu một dải sân phơi/ Chiêm mùa sực nức thơm mùi rạ thơm… Hay bài thơ Nhớ lời mẹ mở đầu bằng hình ảnh Hôm nay bưng bát cơm đầy/ Lòng con lại nhớ những ngày khó khăn/ Mẹ thường nhịn đói con ăn/… Bài thơ Tình thương ông ngoại, viết về đứa cháu nhớ về ông ngoại đã mất: Yêu thương với cả tấm lòng/ Ngây thơ cháu bảo là ông sẽ về…

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, người làm thơ không bỏ sót những chi tiết nhỏ. Nhiều người làm thơ đuổi theo câu chữ, vần điệu mà quên cái chất thực của cuộc đời. Cái hay trong thơ Thiệp Nguyễn chính là ngồn ngộn chất thơ đến từ những chi tiết nhỏ như vậy, đó là chất liệu cuộc sống, chính là chất thơ.

Giá trị cội nguồn

Xuất bản tập thơ Tiếng xa đã được nhà thiết kế Xuân Thu - con gái của tác giả Thiệp Nguyễn ấp ủ thực hiện từ nhiều năm trước. Để tri ân cha mình, tại sự kiện ra mắt sách, nhà thiết kế Xuân Thu tổ chức buổi trình diễn thời trang, giới thiệu bộ sưu tập Tiếng xa, lấy cảm hứng từ chính tập thơ, và bộ sưu tập Begin của nhà thiết kế Nguyên Khanh - con gái chị, như một thông điệp về sự dẫn dắt và trao truyền giá trị truyền thống giữa các thế hệ.

Bộ sưu tập Begin của nhà thiết kế trẻ Nguyên Khanh mang thông điệp về sự tiếp nối câu chuyện thế hệ và truyền thống gia đình

Nhà thiết kế Xuân Thu tâm sự hình bóng của cha luôn tỏa khắp trong cuộc đời mình. Năm 1980, ông dẫn dắt Xuân Thu đến với cuộc thi Ước mơ năm 2000 do Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức, khơi gợi năng khiếu hội họa của con gái và truyền cảm hứng cho con thực hiện ước mơ trở thành một nhà thiết kế.

“Trong văn hóa của gia đình người Việt luôn có một giá trị to lớn nằm ở sự tri ân. Cha là người đã gieo những áng thơ văn đầu tiên, gieo những ước mơ hồng để tôi trở thành cô Tấm dệt những mũi chỉ, đường kim. Như bây giờ, những vần thơ của cha là nguồn cảm hứng để tôi thiết kế nên những bộ trang phục mang đậm nét văn hóa Việt. Như bộ sưu tập Tiếng xa truyền tải thông điệp về tinh thần lạc quan, yêu đời như cách bố tôi truyền tải trong tập thơ của ông”, nhà thiết kế Xuân Thu nói.

Tựa đề Tiếng xa có lẽ cũng xuất phát từ sợi dây yêu thương và kết nối ấy. Như lời nhà thiết kế Xuân Thu: “Cha giờ đây không còn trẻ, không còn khỏe. Việc ra mắt tập thơ giống như lời đáp của thế hệ con cháu với cha, để cha vui, yên tâm rằng cha đã gửi gắm lại một thế hệ tiếp tục kế thừa và xây đắp những giá trị, viết tiếp những ước mơ mà cha mong muốn. Bởi vậy, với tôi, Tiếng xa là câu chuyện của một gia đình, cũng câu chuyện văn hóa Việt. Giữ được điều đó thì tôi tin rằng giá trị cội nguồn sẽ không bao giờ mất”.

Về quê

-Thiệp Nguyễn -

Ô kìa ngõ xóm nhà ta

Rặng tre xanh ngắt nay đã đi đâu

Thay vào một dãy nhà lầu

Thênh thang ngõ đẹp vào sâu từng nhà

Về nhà nhưng chẳng nhận ra

Nhà thờ ao cá nhà ta đâu rồi

Còn đâu một dải sân phơi

Chiêm mùa sực nức thơm mùi rạ rơm

Cha vì đất nước quê hương

Đi theo cách mạng thiệt hơn chẳng màng

Theo cha rời khỏi xóm làng

Ruộng sâu trâu nái đã sang tên người

Bây giờ ta đứng giữa trời

Ngắm nhìn nhà cũ rối bời lòng ta

Năm gian nhà lát gạch hoa

Dầm xà cột chính đều là gỗ lim

Mái nhà vết giặc còn nguyên

Tay sai giặc Pháp bắn lên mái nhà

Lòng tôi này những xót xa

Nhà này đâu phải còn là nhà tôi

Nhớ ngày xưa dạ bồi hồi

Rưng rưng giọt lệ nhớ thời thiếu niên.

21.01.2015, trích tập thơ "Tiếng xa"

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/loi-cua-thuong-yeu-va-tiep-noi-i332309/