Lời chia tay đã nói, nhưng tranh cãi vẫn còn

Đức đã chính thức ngừng hoạt động 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào đêm thứ bảy (15/4), chấm dứt chương trình kéo dài 6 thập kỷ vốn đã khơi dậy một trong những phong trào phản kháng mạnh mẽ nhất ở châu Âu.

Thắng lợi của đảng Xanh

Các tháp làm mát của lò phản ứng hạt nhân Isar II, Emsland và Neckar-westheim II tại Đức đã ngừng hoạt động vào đêm Thứ bảy (15/4), sau khi Berlin ban hành kế hoạch phát điện hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo vào năm 2035. Việc đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng này là dấu mốc quan trọng đối với nước Đức, chấm dứt 6 thập kỷ tranh cãi và vô số cuộc đấu tranh của các nhà hoạt động môi trường.

Neckarwestheim II, một trong 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng ở Đức vừa dừng hoạt động. Ảnh: DW

Lĩnh vực hạt nhân thương mại của Đức chính thức khởi đầu với việc đưa vào vận hành lò phản ứng Kahl ở bang Bavaria năm 1961. Đến những năm 1990, Đức có tổng cộng 19 nhà máy điện hạt nhân, cung cấp tới 1/3 sản lượng điện của đất nước. Dù vậy, những lo ngại về sự an toàn của thứ năng lượng này vẫn là một đề tài gây phân cực mạnh mẽ trong xã hội Đức suốt 6 thập kỷ qua. Những năm 1970 và 1980 ở Tây Đức, trước khi nước Đức thống nhất, việc phản đối năng lượng hạt nhân đã khiến hàng trăm nghìn thanh niên xuống đường biểu tình. Các hoạt động đấu tranh càng trở nên mạnh mẽ hơn vào giữa những năm 1980, khi người Đức chứng kiến thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine (lúc ấy thuộc Liên Xô cũ) năm 1986. Các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối năng lượng hạt nhân trở thành một làn sóng đấu tranh chính trị mạnh mẽ và từ đó, tạo tiền đề cho sự ra đời đảng Xanh vào tháng 1/1980.

Với quan điểm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và công bằng xã hội, đảng Xanh lớn mạnh rất nhanh. Chỉ sau 3 năm thành lập, đảng này đã vượt mốc 5% phiếu bầu tại cuộc bầu cử Quốc hội Đức (Bundestag).

Các nhà hoạt động môi trường tại Đức biểu tình phản đối sử dụng năng lượng hạt nhân. Ảnh: DW

Đúng như cương lĩnh của mình, đảng Xanh ngay từ khi ra đời đã nỗ lực vận động Chính phủ Đức loại bỏ năng lượng hạt nhân nhưng các đảng cầm quyền khác nhau - từ đảng Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ (CDU), đảng Dân chủ xã hội (SPD) cho tới đảng Dân chủ tự do (FDP) - vẫn ủng hộ việc sử dụng thứ năng lượng này trong nhiều thập kỷ. Mọi chuyện chỉ thay đổi vào cuối những năm 1990, khi đảng Xanh bắt đầu góp mặt trong liên minh cầm quyền.

Năm 2002, Bộ trưởng Môi trường lúc bấy giờ là Jurgen Trittin, cũng thuộc đảng Xanh, đã khởi động kế hoạch đầu tiên của nước này nhằm loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Kế hoạch này sau đó vẫn được các chính phủ tiếp theo tìm cách “hoãn binh”. Nhưng, thảm họa lò phản ứng kinh hoàng tại Fukushima ở Nhật Bản năm 2011 cuối cùng đã định đoạt tất cả. Thủ tướng Đức vào thời điểm đó, bà Angela Merkel đã quyết định dứt khoát từ bỏ năng lượng hạt nhân. Đến năm 2021, một thỏa thuận giữa liên minh cầm quyền gồm đảng SPD, đảng FDP và đảng Xanh đã nhất trí thông qua các giai đoạn loại bỏ năng lượng hạt nhân tại Đức.

Theo thỏa thuận, các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng sẽ đóng cửa vào cuối năm 2022. Nhưng, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm kế hoạch ấy chệch hướng. Nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Đức bị đình trệ, tạo nên nỗi lo thiếu hụt năng lượng và khiến Thủ tướng Olaf Scholz phải quyết định kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy này cho đến ngày 15/4/2023. Vì thế, phải đến cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke, cũng thuộc đảng Xanh, mới có thể đưa ra lời phán quyết sau cuối.

Một địa điểm lưu trữ chất thải phóng xạ tại Golerben, Đức. Ảnh: DW

“Rủi ro của năng lượng hạt nhân là không thể kiểm soát được, đó là lý do tại sao loại bỏ hạt nhân làm cho đất nước chúng ta an toàn hơn”, bà Lemke phát biểu khi xác nhận việc Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng.

Các cuộc tranh luận chưa dừng lại

Cựu Bộ trưởng Bộ Môi trường Đức, ông Jurgen Trittin, người đã khởi động kế hoạch đoạn tuyệt điện hạt nhân năm 2002, hiện vẫn là thành viên của đảng Xanh góp mặt tại Bundestag. Phát biểu với đài DW về việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, ông nói: “Vâng, đây là một ngày quan trọng, bởi vì nó kết thúc câu chuyện sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích dân sự. Nhưng, chúng tôi vẫn đang đối mặt với một thực tế là phải lưu trữ an toàn chất thải phóng xạ nguy hiểm”.

Vấn đề mà ông Trittin nhắc đến là việc Đức phải tìm một kho lưu trữ cho khoảng 1.900 thùng chất thải hạt nhân có tính phóng xạ cao. Theo luật, quyết định về địa điểm lưu trữ phải được đưa ra vào năm 2031.

Wolfram Koenig, Chủ tịch Văn phòng Liên bang về an toàn quản lý chất thải hạt nhân (BASE) nói với tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung: “Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở công ty được giao nhiệm vụ tìm kiếm địa điểm lưu trữ phải tuân thủ thời gian biểu quy định. Nhưng, với tiến độ chậm trễ hiện nay, mục tiêu 2031 rất khó thành hiện thực”.

Việc đoạn tuyệt với năng lượng hạt nhân cũng khiến Đức trở thành một ngoại lệ tại châu Âu. Anh, Phần Lan và Pháp đang tăng gấp đôi năng lượng hạt nhân như một nguồn điện đáng tin cậy và tạo ra lượng khí thải carbon cực thấp. Năm ngoái, Ba Lan đã ký kết xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình, cách biên giới Đức khoảng 350 km về phía Đông.

Một số cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người Đức cũng đang nghi ngờ tính hợp lý của việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân ở thời điểm này. Trong cuộc khảo sát do nhật báo lớn nhất của Đức, Bild, thực hiện, 52% người được hỏi phản đối việc chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân trong bối cảnh nước này đang xoay trục khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Dù vậy, Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng và là thành viên của đảng Xanh, khẳng định rằng nước này có thể sống tốt mà không cần năng lượng hạt nhân.

Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke tuyên bố đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng tại nước này. Ảnh: DW

Ông Habeck chỉ ra rằng các bể chứa khí tự nhiên của Đức đã đầy hơn một nửa. Và, Đức đã nhanh chóng xây thêm các nhà kho khí tự nhiên hóa lỏng cho phép nước này nhập khẩu khí đốt từ các tàu chở hàng thay vì thông qua đường ống của Nga từng cung cấp khoảng 55% nguồn cung trước đây. “An ninh năng lượng ở Đức đã được đảm bảo trong mùa đông khó khăn vừa qua và sẽ tiếp tục được đảm bảo”, ông Habeck tuyên bố, “Hệ thống năng lượng của Đức sẽ được cấu trúc khác đi, chúng ta sẽ có 80% năng lượng tái tạo vào năm 2030”. Tuy nhiên, những người phản đối vẫn nghi ngờ sự lạc quan của ông Habeck. Theo họ, Đức cuối cùng sẽ phải quay trở lại hạt nhân nếu nước này muốn loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và đạt được mục tiêu trung hòa khí nhà kính trong tất cả các lĩnh vực vào năm 2045 vì năng lượng gió và mặt trời sẽ không đáp ứng đầy đủ nhu cầu.

Rainer Klute, người đứng đầu hiệp hội phi lợi nhuận ủng hộ hạt nhân có tên Nuklearia tuyên bố: “Bằng cách loại bỏ dần năng lượng hạt nhân, Đức đang cam kết sử dụng than đá và khí đốt. Bởi vì không phải lúc nào cũng có đủ gió và ánh nắng”.

Hôm 13/4, hai mươi nhà khoa học và những người đoạt giải Nobel từ khắp nơi trên thế giới đã gửi một bức thư tới Thủ tướng Đức, Olaf Scholz thúc giục ông đảo ngược hướng đi, với lý do năng lượng hạt nhân là giải pháp thay thế có giá trị cho các nhà máy điện thải khí nhà kính. “Lưới điện của Đức vẫn là một trong những hệ thống sử dụng nhiều carbon nhất ở châu Âu”, những người viết thư tuyên bố. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết năng lượng hạt nhân có thể rất quan trọng để giúp giảm lượng khí thải carbon phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định khí hậu Paris. Nhưng, cũng có những chuyên gia về khí hậu và năng lượng dự đoán rằng việc ngừng hoạt động hạt nhân sẽ chỉ tạo ra một sự gia tăng nhẹ, tạm thời về lượng khí thải carbon của Đức.

Một tổ hợp điện mặt trời và điện gió gần PrenzLau, Đức. Ảnh: CNN

Andrzej Ancygier, đại diện Tổ chức Phân tích khí hậu (CA) ở Berlin, bác bỏ lập luận rằng năng lượng hạt nhân đáng tin cậy hơn năng lượng gió hoặc mặt trời. Ông chỉ ra hạn hán và nhiệt độ cao vào mùa hè năm ngoái đã buộc một số quốc gia châu Âu phải đóng cửa các lò phản ứng khi mực nước của những con sông dùng để làm mát các nhà máy hạ xuống quá thấp hoặc nước của chúng trở nên quá ấm. Những ý kiến trái chiều này cho thấy, việc đoạn tuyệt năng lượng hạt nhân cũng đang tạo ra sự phân cực trong công chúng Đức chẳng kém việc tiếp tục sử dụng chúng. Nhưng, dù gì thì nước Đức đã ấn nút khởi động cho một chương mới trong chính sách năng lượng mà theo Miranda Schreurs - giáo sư về môi trường và chính sách khí hậu tại Đại học Kỹ thuật Munich - là bước đi tiên phong của thời đại.

“Khi Đức đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên hạt nhân của mình thì cũng sắp đến thời kỳ khủng hoảng đối với những nước khác. Sẽ có một thời điểm, các nước khác cũng phải quyết định liệu hạt nhân có thực sự có tương lai hay không”, giáo sư Schreurs nói.

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/loi-chia-tay-da-noi-nhung-tranh-cai-van-con-i690493/