Lời cảnh báo không thừa!

(TBKTSG) - Lev Tolstoi (1828-1910) đã mất cách đây đúng một trăm năm. Một thế kỷ đã trôi qua mà di sản tinh thần - tư tưởng của ông tưởng chừng như vẫn chưa được phát lộ hết. Và “loài người còn phải lớn lên hơn nữa để thực sự hiểu được Tolstoi”, như lời khẳng định của Guseinov - một triết gia Nga đương đại.

Chu Hảo Quan điểm của Tolstoi về khoa học, về công việc nghiên cứu khoa học, về người làm khoa học và ý nghĩa của khoa học đối với tiến bộ xã hội... rất đặc biệt, sâu sắc, nhưng có phần cực đoan và xa lạ với những người đương thời. Ngày nay nhìn lại, chúng ta không khỏi ngạc nhiên nhận ra rằng những quan ngại của ông về những vấn đề nêu trên vẫn còn nguyên giá trị. Có thể nói cuộc đời sáng tạo của Tolstoi nằm trọn vẹn trong nửa cuối thế kỷ 19, vào lúc khoa học cổ điển như một sản phẩm của nền văn hóa phương Tây đang ở buổi hoàng kim. Khi nhân loại còn đang ngây ngất trước các thành tựu to lớn của khoa học và kỹ thuật và coi nó như chiếc chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa dẫn đến sự thấu hiểu toàn diện vũ trụ và chế ngự thiên nhiên để thúc đẩy tiến bộ xã hội... thì đã có những bộ óc xuất chúng hoài nghi, trong đó có Lev Tolstoi - người hàng ngày vẫn đi theo luống cày sau con ngựa trắng trên cánh đồng Nga ở trang trại Yasnaya Poliana. Khoa học cổ điển được hình thành từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Mục tiêu duy nhất của khoa học thời kỳ ấy là giải thích các quy luật của tự nhiên. Phương pháp nghiên cứu được thừa nhận như là chuẩn mực của thời ấy là chủ nghĩa duy nghiệm (gắn liền với quy giản luận) và chủ nghĩa duy lý (gắn liền với diễn dịch luận). Tiếp thu một cách sáng tạo hai phương pháp nghiên cứu khoa học được coi là chuẩn mực kể trên, Newton đã thực hành một phương pháp nghiên cứu mới mà sau này được gọi là phương pháp diễn dịch - giả thiết để đưa khoa học cổ điển trở thành chuẩn thức với kiệt tác “Nguyên lý toán học của vật lý”. Suốt từ đây cho đến khi chịu sự phê phán của Tolstoi, khoa học cổ điển trong lĩnh vực tự nhiên đã đạt được những thành tựu huy hoàng. Mặt phải của “tấm huy chương” này là các tiến bộ kỹ thuật làm tăng lực lượng sản xuất xã hội, tạo ra nguồn của cải vật chất dồi dào. Mặt trái của nó không phải chỉ giới hạn trong quan hệ sản xuất, làm tồi tệ hơn sự bất công và tình trạng người bóc lột người, mà điều tai hại hơn là trong lĩnh vực tư duy - nhận thức luận. Từ sự thực đơn giản trong cơ học Newton là nếu hết trạng thái ban đầu của vật thể (tọa độ và xung lượng chẳng hạn) có thể xác định chắc chắn trạng thái của các vật thể ở mọi thời điểm sau, Laplace (1749-1827) đã ngoại suy ra quyết định luận: quá trình tiến hóa của vũ trụ là tất định vì tương lai của nó chỉ phụ thuộc vào trạng thái ban đầu luôn luôn được xác định. Hơn thế nữa, người ta còn tin rằng có thể áp dụng được các nguyên lý và phương pháp nghiên cứu của khoa học tự nhiên sang cả lĩnh vực xã hội và nhân văn.Ngay đến cả Immauel Kant (1724-1804) cũng tin chắc rằng cơ học Newton và hình học Euclide là hệ thống vật lý và toán hoàn bị và duy nhất đúng, thậm chí là chân lý cuối cùng về tự nhiên. Niềm tin này thống trị tư duy của hầu hết các học giả, các nhà nghiên cứu cho đến cuối thế kỷ 19. Đấy là lúc Tolstoi lên tiếng. Ông phẫn nộ vạch trần tín điều thời thượng: “Dưới từ khoa học người ta hiểu cũng cái mà trước đây được hiểu dưới từ tôn giáo. Cụ thể là cũng như xưa kia, hết thảy những gì được gọi là tôn giáo chỉ vì nó được gọi là tôn giáo, đều luôn luôn là chân lý không thể hồ nghi; thì bây giờ cũng hệt như thế, tất cả những gì được gọi là khoa học chỉ vì nó được gọi là khoa học, cũng luôn luôn là chân lý không thể hồ nghi”. Trước thời Khai sáng, tôn giáo là độc tôn; sau thời Khai sáng, khoa học lên ngôi. Nhưng dưới con mắt của Tolstoi, cái khoa học mà người đương thời đang tung hô là ngụy khoa học, chứ không phải khoa học, bởi mục tiêu của nó lầm lạc, nội dung của nó nhảm nhí, phương pháp của nó sai hỏng và tác hại của nó là khôn lường. Trước sự mê tín khổng lồ cho rằng khoa học sẽ khám phá mọi bí ẩn của thế giới, giải quyết được mọi vấn đề của xã hội loài người để mang lại hạnh phúc tinh thần và vật chất cho con người, Tolstoi khẳng định: “Minh triết con người không nằm trong sự nhận thức các sự vật. Có hằng hà sa số những sự vật mà chúng ta không thể nhận hết. Minh triết không phải làm sao biết được thật nhiều...”. Trước sự bùng nổ các bộ môn khoa học vào cuối thế kỷ 19, Tolstoi vẫn thấy thiếu một điều cốt lõi: “... Trong tất cả các khoa học mà con người có thể biết và cần biết chính yếu nhất là khoa học về việc cần phải sống thế nào để làm thật ít điều ác và làm thật nhiều điều thiện”. (Ông giải thích rõ: “Cái thiện chỉ là cái thiện cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ, nhưng cái ác, nếu nó là cái ác dù chỉ cho một người”). Theo ông: “Nhân loại cần phải sống. Nhưng muốn sống nó cần phải biết sống như thế nào?... Chính cái tri thức dạy nhân loại phải sống như thế nào ấy, từ thời Moses (khoảng 700 năm TCN), Solon (638-558 TCN), Khổng Tử (551-449 TCN) bao giờ cũng được xem là khoa học, khoa học đích thực của mọi khoa học. Và chỉ thời đại chúng ta mới cho rằng, nói chung, khoa học dạy phải sống thế nào không phải là khoa học, mà khoa học “đích thực” chỉ là khoa học thực nghiệm, bắt đầu từ toán học và kết thúc là xã hội học”. Xuất phát từ quan điểm trên, vào năm cuối cùng của cuộc đời, Tolstoi đã tuyên bố dứt khoát: 1. “Tôi phủ định cái mà giữa chúng ta được gọi là khoa học vì rằng, toàn bộ những gì được gọi giữa chúng ta bằng cái tên ấy chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên của những tri thức cần thiết, hoặc lý thú, hoặc mua vui cho một số người ít ỏi đã giải phóng khỏi lao động chân tay cần thiết cho đời sống và đã chất thứ lao động ấy lên cổ nhân dân - những người phần lớn không có được tri thức sơ khai cần thiết nhất với họ”. 2. “Tôi phủ định cái trong giới chúng ta gọi là khoa học còn bởi vì, những tri thức được xem là khoa học trong thế giới chúng ta đang được mua bán như mọi thứ hàng hóa; và vì thế chúng chỉ thích hợp với ít người, mà hoặc là có năng lực đặc biệt, nhất là có bộ nhớ để nghiên cứu những tri thức ấy, hoặc là những ngẫu nhiên đặc biệt của cuộc đời đã tạo cho họ khả năng lĩnh hội thứ khoa học có lợi theo ý nghĩa thông thường ấy để thoát khỏi môi trường của nhân dân lao động, và nhờ “khoa học” mà ngồi lên đầu lên cổ họ”. 3. “Cái chính, tôi phủ định những gì được gọi trong giới chúng ta là khoa học bởi vì, thứ “khoa học” ấy chẳng những không bao gồm những tri thức cần thiết nhất của nhân loại về linh hồn, về Thượng Đế và về đức lí, mà ngược lại, còn cố ý coi thường những tri thức ấy, xuyên tạc chúng hoặc truyền bá những học thuyết sẽ phải thay thế chúng”. Cần phải nói thêm rằng, theo Tolstoi, nền móng của khoa học đích thực cần thiết cho nhân loại bao gồm ba học thuyết chính: “Thứ nhất - học thuyết về cái tôi tách biệt với cái Toàn thể, tức là học thuyết về linh hồn. Thứ hai - học thuyết nói về cái toàn thể lên cái gì, nhờ đâu mà cái tôi nhân tính nhận ra mình là cái tách biệt, tức là học thuyết về Thượng đế. Thứ ba - học thuyết về cái “tôi” phải có thái độ thế nào với cái Toàn thể mà nó bị tách biệt, tức là học thuyết về Đạo đức”. Ở đây Thượng đế của Tolstoi không phải Đấng sáng thế tạo ra thế giới muôn loài, mà là cái Toàn thể bản nguyên và nguồn gốc của tất cả vạn vật. Ông chiêm nghiệm: “Tôi biết sự sống chân chính của tôi không ở trong thân xác tôi, mà ở cái bản nguyên tinh thần tách biệt với tất cả mà tôi ý thức được bằng toàn bộ sinh linh mình và gọi là linh hồn. // Tôi cũng biết bản nguyên tinh thần ấy, không chỉ ở trong tôi, mà ở tất cả các động vật khác.// Cái bản nguyên tinh thần ấy bị chia cắt bởi thân thể của các vật sống, tôi còn nhận thức được ở trong chính nó, không liên quan với cái gì, không bị giới hạn bởi cái gì, và tôi gọi cái tâm thức vô giới hạn của tất cả ấy là Thượng đế”. Vì vậy có thể nói khoa học đích thực, theo Tolstoi, là khoa học hướng tới con người mà phần cốt lõi của nó là linh hồn (bên cạnh thể xác) và Vũ trụ như một Toàn thể gồm cả thế giới tự nhiên và xã hội loài người. Quan hệ hài hòa tốt đẹp giữa Con người và Vũ trụ ấy được duy trì bởi Tôn giáo - Đạo đức, là thứ tôn giáo coi “luật yêu thương là luật duy nhất mà Thượng đế đặt ra cho con người”. Ngay từ khi Tolstoi còn sống, khoa học cổ điển đã bộc lộ những khuyết tật nội tại không thể sửa chữa và khoa học hiện đại đang hình thành với khuynh hướng thực chứng và sự xuất hiện của Thuyết tương đối và Cơ lượng tử. Nhưng ông đã không kịp chứng kiến sự chuyển biến của tư duy khoa học trong suốt cả một thế kỷ sau đó. Từ Tư duy cơ giới gắn liền với Quy giản luận và Tất định luận, khoa học hiện đại đã chuyển sang Tư duy hệ thống và Tư duy phức hợp trên nền tảng Liên kết tri thức của tất cả các bộ môn khoa học và Phương pháp tiếp cận phù hợp với tính đa dạng và tính bất định của cả thế giới tự nhiên lẫn xã hội loài người. Thế nhưng thật lạ lùng, bằng trí tuệ trực giác của mình hình như Tolstoi đã cảm nhận điều đó trước đây hơn một trăm năm. Trong Bàn về khoa học, ông viết: “Đã nhiều lần tôi phát biểu quan niệm trên, bằng cách mà theo tôi có thể và cần phải, là so sánh khoa học với một hình cầu mà trong đó các bán kính có độ dài bằng nhau và chúng được phân bổ theo khoảng cách đồng đều như nhau từ bán kính này đến bán kính kia... Cũng hệt như thế trong khoa học, việc đẩy sự hoàn thiện một phần nhỏ của các tri thức lên mức độ thật cao, nhưng lại coi thường, không đếm xỉa tới các phần khác, chẳng những không thể giúp xác lập được cái có thể gọi là khoa học, mà còn tạo ra một sự lắp ghép giả tạo những sản phẩm ngẫu nhiên của trí tuệ, khiến nhân loại đánh mất ngay cả bản thân ý niệm về cái có thể và cần được gọi là khoa học”. Còn trong “Lời tựa cho bài viết của Eduard Carpenter”, ông phê phán: “Quả thật khoa học thực nghiệm đang nghiên cứu tất cả, nhưng không theo nghĩa là tổng hợp tất cả các đối tượng, mà theo nghĩa lộn xộn, hỗn loạn trong việc phân bổ các đối tượng nghiên cứu, tức là khoa học không ưu tiên nghiên cứu những gì ít cần thiết hơn cho loài người, và ít nghiên cứu hơn những gì cần thiết hơn và tuyệt nhiên không nghiên cứu những gì hoàn toàn không cần thiết, mà nghiên cứu tất cả các những gì vớ được”. Lời cảnh báo của Tolstoi không thừa bởi tình trạng khoa học của thế giới ngày nay vẫn thế: vẫn rất thiếu mà hết sức thừa; thiếu cái hết sức cần cho đời sống thực tại của con người, mà thừa cái có thể trực tiếp mang tai họa cho nhân loại. Nếu không trước hết chú trọng đến việc dạy con người thành người tử tế, hướng thiện thì thành tựu của khoa học có thể không mang lại tiến bộ cho xã hội, mà ngược lại mang thảm họa cho loài người.Cũng xuất phát từ quan điểm “duy phúc lợi cho nhân dân” mà Tolstoi đã chỉ trích không thương tiếc đối với tầng lớp “ngụy khoa học” đương thời. Trong mắt ông không có sự khác biệt nào về giá trị hữu dụng giữa người lao động trí óc và người lao động chân tay. Những người nông dân và thợ thủ công không bao giờ phải chứng minh sự hữu ích của lao động và sản phẩm của mình. Thế thì tại sao đám “có học” lại cứ phải tìm mọi cách chứng minh sự hữu ích của mình? Ông lên án: “Cái vai trò giả dối hiện nay của khoa học và nghệ thuật trong xã hội của chúng ta phát sinh từ chỗ những người gọi là “có học” đứng đầu là các nhà khoa học và nghệ sĩ hợp thành một đẳng cấp đặc quyền đặc lợi, tựa như các linh mục. Thay vì tôn giáo chân chính có ngụy tôn giáo. Thay vì khoa học thực thụ - ngụy khoa học”.Nên chăng chúng ta tự vấn: ở nước Nga 100 năm trước thì như thế, còn ở nước ta hiện nay thì sao?

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/ykien/47036/