Lộc Bình: Cần sớm ngăn chặn tình trạng khai thác giun đất bằng hình thức tận diệt

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Lộc Bình xuất hiện tình trạng một số người dân sử dụng thiết bị kích điện để khai thác giun đất. Trước thực tế trên, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện khẩn trương thực hiện các giải pháp ngăn chặn, tránh để tình trạng trên xảy ra trên diện rộng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn.

Trưởng thôn Bản Tấu, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình tuyên truyền, vận động người dân trong thôn không khai thác giun đất bằng kích điện

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian gần đây, tình trạng khai thác giun đất bằng kích điện đã xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Đối với địa bàn Lạng Sơn, qua theo dõi, nắm bắt thông tin của sở, thời gian gần đây, tình trạng này đã manh nha xuất hiện tại huyện Lộc Bình.

Khai thác bằng hình thức tận diệt

Ngày 7/9/2023, từ phản ánh của người dân trên địa bàn, Công an xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình đã tiến hành kiểm tra, phát hiện ông H.V.M và bà H.T.H (trú tại huyện Lộc Bình) đang thực hiện hành vi đánh bắt giun đất bằng máy kích điện cao tần tại cánh đồng Tằm Danh thuộc thôn Bản Tấu và thôn Pò Coóc, xã Tú Đoạn. Công an xã Tú Đoạn đã mời 2 đối tượng trên lên trụ sở UBND xã để làm việc. Qua xác minh, các đối tượng trên khai nhận là được một chủ cơ sở thu mua giun đất trên địa bàn thuê để khai thác giun và bán lại cho chủ cơ sở này. Hai đối tượng trên đã tự nguyện giao nộp 2 máy kích điện và các vật dụng liên quan khác cho công an.

Từ thông tin do 2 đối tượng trên cung cấp, Công an xã Tú Đoạn tiếp tục mời bà Chử Thị Tuyền (trú tại thị trấn Lộc Bình) là chủ cơ sở thu mua giun đất lên trụ sở công an xã làm việc. Theo yêu cầu của công an xã, chủ cơ sở trên đã ký cam kết chấm dứt hành vi đánh bắt giun đất bằng hình thức kích điện.

Tìm hiểu thêm từ một số người dân trên địa bàn xã Tú Đoạn, chúng tôi được biết, tình trạng trên đã diễn ra từ khoảng 3 tháng trước nhưng đến hiện tại mới được lực lượng chức năng và chính quyền xã ngăn chặn, xử lý. Bên cạnh đó, theo người dân tại thôn Bản Tấu, xã Tú Đoạn, ngoài 2 đối tượng đã bị lực lượng chức năng xử lý thì trên địa bàn xã vẫn còn một số đối tượng thường xuyên khai thác giun đất bằng cách sử dụng kích điện. Ông Tô Văn Đàm, Trưởng thôn Bản Tấu cho biết: Các đối tượng này thường đi theo nhóm 2 hoặc 3 người và hoạt động từ khoảng 21 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Nhiều lần, người dân khi đi làm đồng sớm đã bắt gặp các nhóm đối tượng này đang khai thác giun. Các đối tượng thường mang theo các vật dụng như bao tải, chậu và thậm chí cả xe rùa để chứa và vận chuyển giun đến điểm thu mua. Theo thông tin từ người dân trong thôn, với mỗi nhóm người như vậy nếu hoạt động trong 1 đêm đã có thể khai thác 20 – 30 kg giun đất và giá bán khoảng 30.000 đồng/kg.

Ông Tô Văn Trường, người dân tại thôn Bản Tấu, xã Tú Đoạn cho biết: Hiện gia đình tôi đang có 7 sào đất để canh tác hoa màu. Tình trạng khai thác giun đất trong thời gian gần đây khiến tôi rất lo lắng và bức xúc vì việc này có thể ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng. Do đó, tôi rất mong các cơ quan chức năng và chính quyền có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo sức răn đe.

Cùng với xã Tú Đoạn, theo thông tin phóng viên tìm hiểu từ người dân, tình trạng khai thác giun đất cũng xảy ra trên địa bàn xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình và vẫn đang tiếp diễn. Qua đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, tình trạng trên dù chưa diễn ra ồ ạt nhưng nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ lan rộng ra các xã, thị trấn và gây hậu quả khôn lường. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý còn gặp nhiều khó khăn.

Theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT, hành vi và hậu quả của việc kích giun đất bằng điện được xem là hành vi hủy hoại đất theo quy định tại Khoản 25, Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013. Theo quy định tại điểm b Khoản 3, Điều 3 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và theo Khoản 1, Điều 15 của Nghị định này, hành vi trên có thể bị phạt tiền với mức cao nhất lên tới 150 triệu đồng đối với cá nhân và 300 triệu đồng đối với tổ chức.

Thiếu chế tài xử lý

Đầu tháng 9/2023, ngay sau khi nhận được thông tin của UBND xã Tú Đoạn, UBND huyện Lộc Bình đã khẩn trương tổ chức họp bàn để đưa ra giải pháp quản lý, chỉ đạo xử lý tình trạng sử dụng kích điện để khai thác giun đất. Tuy nhiên, qua thảo luận về các quy định của pháp luật có liên quan, UBND huyện chưa thấy có quy định cụ thể về việc xử lý đối với hành vi dùng kích điện để khai thác giun đất nên chưa thể xử lý dứt điểm được.

Trước thực tế đó, UBND huyện Lộc Bình đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện báo cáo các sở, ngành liên quan để kịp thời hướng dẫn xử lý. Trên cơ sở Công văn số 110 ngày 11/9/2023 của Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình về việc đề nghị hỗ trợ hướng dẫn biện pháp xử lý việc sử dụng kích điện để bắt giun đất, ngày 25/9/2023, Sở NN&PTNT đã có văn bản số 2278 về việc vận dụng quy định pháp luật trong quản lý việc dùng kích điện đánh bắt giun đất để hướng dẫn UBND các huyện, thành phố làm căn cứ quản lý. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định theo hướng dẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT, hành vi và hậu quả của việc kích giun đất bằng điện được xem là hành vi hủy hoại đất theo quy định tại Khoản 25, Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013. Theo quy định tại điểm b Khoản 3, Điều 3 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và theo Khoản 1, Điều 15 của Nghị định này, hành vi trên có thể bị phạt tiền với mức cao nhất lên tới 150 triệu đồng đối với cá nhân và 300 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình cho biết: Việc xử lý chỉ có thể thực hiện khi hành vi vi phạm gây hậu quả như: làm biến dạng địa hình; làm suy giảm chất lượng đất; gây ô nhiễm đất; làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Trong khi đó, với hoạt động khai thác giun đất, việc xác định các tác động trên là thiếu căn cứ và gần như là không thể thực hiện.

Cũng theo văn bản hướng dẫn của Sở NN&PTNT, hành vi sử dụng, mua bán thiết bị kích điện không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có hóa đơn chứng từ, tem nhãn theo quy định thì có thể tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đối với các trường hợp vi phạm tại xã Tú Đoạn như đã nêu trước đó, các thiết bị đều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, sau khi tạm giữ, lực lượng chức năng lại phải bàn giao lại cho người sử dụng mà không thể tiến hành xử lý.

Do chưa có chế tài xử phạt hành vi sử dụng máy kích điện để bắt giun nên mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở không tái phạm. Trong khi đó, vì lợi nhuận trước mắt, một số người vẫn tận diệt giun đất bằng kích điện, khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Được biết, hiện tại, Sở NN&PTNT đã gửi văn bản về Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) để tiếp tục có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý tình trạng sử dụng kích điện đánh bắt giun đất. Qua đó, có thể có đủ căn cứ pháp lý ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng trên trong thời gian tới đối với địa bàn tỉnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát về lĩnh vực bảo vệ môi trường và chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp khai thác giun đất bằng kích điện. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến người dân về vai trò, lợi ích của giun đất đối với cây trồng và môi trường cũng như các tác hại, hậu quả của việc sử dụng thiết bị điện để đánh bắt, khai thác giun đất ảnh hưởng đến môi trường. UBND huyện cũng tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn vận động người dân không đánh bắt, thu mua, sơ chế, buôn bán giun đất. Ngoài ra, UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan để được hướng dẫn cụ thể hơn trong việc quản lý tình trạng sử dụng kích điện bắt giun đất.

Theo nhiều tài liệu, giun đất có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, giúp cho đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng. Đặc biệt, giun đất tạo lỗ thông làm cho nước mưa thẩm thấu vào lòng đất, là nguồn dự trữ nước cho cây sinh trưởng, tạo nên nguồn nước ngầm phục vụ nhu cầu khai thác nước sinh hoạt, phát triển kinh tế cho con người. Việc tận diệt giun đất tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá vỡ cân bằng hệ sinh thái, tác động tiêu cực đến kết cấu đất, nước, môi trường. Do vậy, trong khi chưa có chế tài đủ sức răn đe, không chỉ riêng huyện Lộc Bình mà các huyện, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò, lợi ích của giun đất đối với cây trồng và môi trường. Bên cạnh đó, phối hợp cùng các lực lượng chức năng theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hành vi săn bắt giun đất trái phép và hoạt động của các cơ sở thu gom, sấy khô, mua bán giun đất.

GIA KHÁNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-de-hom-nay/622124-loc-binh-can-som-ngan-chan-tinh-trang-khai-thac-giun-dat-bang-hinh-thuc-tan-diet.html