Loay hoay bán trú

Việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh đang là nỗi trăn trở của Ban giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Điện, xã Sơn Điện (Quan Sơn). Bởi, số lượng học sinh đăng ký ít ỏi, khiến cho việc sử dụng cơ sở vật chất, hạ tầng cũng như công tác quản lý học sinh đang là bài toán khó!

Bữa ăn qua loa của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Điện.

Từ ăn bán trú sang “cơm đùm, cơm nắm”

Sau khi Quyết định 861/TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực, xã Sơn Điện ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Điều này khiến học sinh tại các nhà trường trên địa bàn không còn được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Đây là nguyên nhân chính khiến cho nhà trường dù đang nỗ lực nâng cao chất lượng bán trú bỗng bị “hẫng” vì chính sách thay đổi.

Có mặt tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Điện, xã Sơn Điện khi tiếng trống trường điểm tan giờ học buổi sáng. Thay vì học sinh sẽ tập trung về khu ăn bán trú ăn cơm như trước, thì nay các em đi ra ngoài cổng trường hoặc ở lại trong lớp để ăn những suất cơm mang theo.

Em Lương Anh Tú, học sinh lớp 8B, chia sẻ: “Nhà em ở bản Na Hồ, cách trường gần 10km. Đường xa đi lại khó khăn nên em không về trưa. Bố mẹ chuẩn bị cơm cho em mang theo. Em rất mong được ăn bán trú như trước".

Nhìn vào bữa ăn đơn giản, qua loa được giở ra từ những đùm lá chuối, thức ăn chủ yếu là muối lạc, muối vừng; nhà em nào có điều kiện hơn thì thêm vài ba miếng thịt. Thầy Phạm Ngọc Thành, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trước kia, nhà trường luôn duy trì số học sinh ăn bán trú là 150 em. Việc quản lý học sinh, ăn ở được thực hiện nền nếp, học sinh ở xa được ăn bán trú luôn đảm bảo sức khỏe. Nay, chính sách thay đổi, số học sinh đăng ký bán trú chỉ còn khoảng hơn 40 em. Đây là những học sinh thuộc 2 bản đặc biệt khó khăn của xã. Với số lượng học sinh đăng ký ăn bán trú như trên, dẫn đến công tác tổ chức nấu ăn bán trú của nhà trường gặp không ít khó khăn.

Còn nhiều nỗi lo...

Theo thầy Phạm Ngọc Thành, lo nhất chính là việc số học sinh lâu nay đang ăn bán trú có nền nếp, nay tình trạng học sinh đi học muộn nhiều, thậm chí nhiều em thường chỉ đi học buổi sáng, vắng buổi chiều.

Cơ sở bán trú của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Điện vắng học sinh

Việc nghỉ học thường xuyên khiến nhiều em không theo kịp chương trình học. Hơn nữa, vì không được ăn bán trú nên số học sinh xa trường chưa đủ tuổi đi xe gắn máy đã tham gia giao thông vì không có người đưa, đón, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.

Thầy Thành phân tích, mỗi học sinh đăng ký bán trú dao động trên dưới 800 nghìn đồng/tháng. Trong khi nhiều phụ huynh đăng ký xe đưa đón con hết 700 nghìn đồng/tháng, chưa kể việc ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, học sinh hoạt động bên ngoài nhà trường rất khó quản lý, dễ bị mắc các tệ nạn xã hội. Từ những bất cập trên, nhà trường và chính quyền địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền cho các bậc phụ huynh hiểu.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng cơ sở hạ tầng phục vụ bán trú, nhìn các hạng mục cửa đóng, then cài, xuống cấp do không sử dụng hết công năng. Thầy Thành cho biết, ngày 20/2/2024, UBND huyện Quan Sơn đã có Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Điện, với tổng mức đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng. Theo đó, qui mô, phạm vi xây dựng là nâng cấp cải tạo một số hạng mục của nhà bán trú học sinh và nhà công vụ giáo viên.

Có dự án, song thầy Thành lại không giấu được nỗi lo lắng, khi cơ sở vật chất khang trang, nhưng để sử dụng hiệu quả là cả một bài toán khó.

Nói về những bất cập này, ông Phạm Bá Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Điện cho rằng: Câu chuyện không chỉ của riêng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Điện mà là tình trạng chung của nhiều trường trên địa bàn huyện. Trước mắt, để giải quyết những bất cập trên, chính quyền xã đang cùng nhà trường nỗ lực vận động, tuyên truyền các bậc phụ huynh cố gắng đăng ký cho con ăn bán trú.

Việc ăn bán trú vừa đảm bảo sức khỏe, vừa được nhà trường theo dõi, quản lý, tránh tình trạng học sinh ra ngoài nhà trường gây mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông. Về lâu dài, theo ông Thủy, các ngành chức năng cần có cơ chế hỗ trợ cho con em hộ nghèo nói chung thay vì cơ chế hỗ trợ theo xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như hiện tại.

Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/loay-hoay-ban-tru/30734.htm