Loạt quốc lộ xuống cấp, Cục Đường bộ đề xuất bổ sung hơn 400 tỷ đồng để sửa chữa

Để sửa chữa một số tuyến quốc lộ, Cục Đường bộ đã đề xuất Bộ GTVT đầu tư bổ sung hơn 400 tỷ đồng trong kế hoạch bảo trì năm 2023.

Cục Đường bộ Việt Nam đã vừa có đề xuất gửi Bộ GTVT chấp thuận danh mục chuẩn bị đầu tư bổ sung trong kế hoạch bảo trì năm 2023. Theo đó, hơn 400 tỷ đồng là khoản kinh phí mà Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất bổ sung vốn nhằm sửa chữa một số tuyến quốc lộ, một số cầu đường và xử lý điểm đen tai nạn giao thông.

Cụ thể, đối với đề xuất sửa chữa quốc lộ 38B đoạn từ quốc lộ 38 đến cầu Hợp Lý trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết do khó khăn về nguồn vốn nên đoạn quốc lộ này mới hoàn thành đầu tư đến điểm dừng kỹ thuật và được Bộ Giao thông Vận tải tiếp nhận, giao Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, bảo trì từ ngày 1/5/2017.

Quốc lộ 38B sau 1 thời gian sử dụng hư hỏng nặng, xuống cấp nghiêm trọng.

Ngoài ra, vì dự án chưa hoàn thành hồ sơ xác nhận hết bảo hành công trình nên chưa đủ cơ sở pháp lý để bố trí kinh phí sửa chữa, hoàn thiện lớp móng, mặt đường theo quy định của pháp luật về quản lý bảo trì và đầu tư xây dựng công trình.

Để sửa chữa các hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận danh mục chuẩn bị đầu tư công trình sửa chữa hoàn thiện nền, móng, mặt đường, thoát nước, hệ thống an toàn giao thông quốc lộ 38B đoạn từ Km 74+890, quốc lộ 38 cũ đến Km 4+624, đường tỉnh 492 cũ (bao gồm các nhánh nút giao phía Nam cầu Hợp Lý) với kinh phí dự kiến là 45 tỷ đồng.

Mặt đường tại nhiều tuyến quốc lộ đang ở tình trạng đáng báo động.

Một số tuyến quốc lộ khác cũng được Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT bổ sung vốn trong kế hoạch bảo trì năm 2023 để sửa chữa như: QL47, QL217, QL217B, QL281, QL55 với tổng kinh phí 121 tỷ đồng.

Lý do được Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất là để kịp thời xử lý các hư hỏng, bất cập nhằm tăng cường kết nối quốc lộ với tuyến cao tốc, phát huy hiệu quả đầu tư của các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành đưa vào khai thác gồm Mai Sơn - QL.45 và Dầu Giây - Phan Thiết; dự kiến tiếp tục hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm các đoạn QL.45 - Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Bên cạnh việc sửa chữa, nâng cấp cầu đường và các tuyến quốc lộ, 1 khoản kinh phí trong đề xuất bổ sung 400 tỷ của Cục Đường bộ sẽ được sử dụng để xóa điểm đen an toàn giao thông.

Đối với xử lý điểm đen tai nạn giao thông, Cục Đường bộ đề xuất xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông tại Km94 - Km95 QL21 tỉnh Hòa Bình; sửa chữa hư hỏng mặt đường, xử lý các vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông trên QL15D, tỉnh Quảng Trị với tổng kinh phí hơn 130 tỷ đồng.

Sửa chữa đột xuất cầu Chả 2 Km 217+735 QL37 và sửa chữa đột xuất tràn Pắc Cụp Km 170+600, QL2C, tỉnh Tuyên Quang với tổng kinh phí 35 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cục Đường bộ cũng đề xuất sửa chữa đoạn Km0 - Km 1+500, QL62 đoạn qua TP Tân An, tỉnh Long An và sửa chữa nền, mặt đường, gia cố lề và hoàn thiện hệ thống ATGT các đoạn Km 176+495 - Km 181+300, Km 184+450 - Km187, QL27, tỉnh Lâm Đồng với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng...

Trong kế hoạch vốn bảo trì năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam được phân bổ để phục vụ quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ gần 12.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 5/2023, giá trị đã nghiệm thu hoàn thành mới đạt khoảng hơn 2.700 tỷ đồng, đạt 23%; kinh phí đã giải ngân đạt hơn 3.350 tỷ đồng, đạt khoảng 28%.

Hà Nội Nắng Nhẹ Mát Mẻ Trong Ngày Đầu Thi Lớp 10.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loat-quoc-lo-xuong-cap-cuc-duong-bo-de-xuat-bo-sung-hon-400-ty-dong-de-sua-chua-169230610122138179.htm