Loạt nước 'quay xe', không gia nhập liên minh Biển Đỏ mới thành lập

Chỉ chưa đầy 1 tuần Mỹ thành lập một liên minh 10 nước có tên gọi 'Chiến dịch bảo vệ thịnh vượng' (OPG), Pháp, Italy và gần đây nhất là Tây Ban Nha đã tuyên bố rút khỏi lực lượng.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ USS Carney đi qua Kênh đào Suez, Ai Cập ngày 18/10/2023. Ảnh: Hải quân Mỹ

Trước đó, vào ngày 19/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công bố kế hoạch thành lập một liên minh đa quốc gia để bảo vệ hoạt động vận tải trên Biển Đỏ. Trong chuyến công du tới Trung Đông, nhà quan chức quân sự hàng đầu cho biết liên minh sẽ có sự tham gia của Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha.

Đến ngày 21/12, Lầu Năm Góc tuyên bố 20 quốc gia đã đồng ý tham gia liên minh nhưng ít nhất 8 quốc gia tham gia từ chối nêu tên công khai.

Tuy nhiên, một số nước tỏ ra không hài lòng trước sự thông báo đầy bất ngờ của Mỹ. Họ cho biết các nỗ lực mà họ giúp bảo vệ giao thông thương mại của Biển Đỏ chỉ là một phần của các thỏa thuận hải quân hiện có chứ không phải nằm trong khuôn khổ liên minh mới do Mỹ thành lập.

Trong một thông báo ngày 24/12, chính phủ Tây Ban Nha và người phát ngôn của Bộ Quốc phòng nước này cho biết họ sẽ không tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu bảo vệ các tàu hàng đi qua Biển Đỏ khỏi các cuộc tấn công của Houthi ở Yemen. Mặc dù lý do cụ thể không được đưa ra nhưng truyền thông Tây Ban Nha đưa tin nguyên nhân dẫn tới quyết định nước này không tham gia liên minh xuất phát từ vấn đề chính trị trong nước. Thủ tướng Pedro Sanchez đang trong quá trình thành lập liên minh và cần sự ủng hộ của đảng cánh tả cực đoan Sumar, vốn phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết họ ủng hộ các nỗ lực đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đỏ và khu vực xung quanh, đồng thời cho biết họ đã hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, các tàu sẽ hoạt động dưới sự chỉ huy của Pháp. Paris cũng không cho biết liệu có triển khai thêm lực lượng hải quân tại khu vực hay không. Hiện Pháp có căn cứ hải quân ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và 1.500 quân ở Djibouti. Khinh hạm Languedoc của nước này đang ở Biển Đỏ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Italy cho biết họ sẽ cử tàu khu trục hải quân Virginio Fasan tới Biển Đỏ để bảo vệ lợi ích quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của các chủ tàu hàng Italy. Tuy nhiên, nước này khẳng định đây là một phần trong các hoạt động hiện có của họ và không phải là một phần của OPG.

Trong vài tuần gần đây, lực lượng Houthi đã tấn công một số tàu thuyền thương mại trên Biển Đỏ, gây gián đoạn các hoạt động vận tải hàng hóa quốc tế. Lực lượng này cho biết đây là hành động phản đối các cuộc tấn công của Israel nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza và sẽ chưa dừng lại cho đến khi nào Israel ngừng tấn công Gaza. Để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Houthi, Mỹ đã phối hợp với các đồng minh lập liên minh. Khi thông báo về sự ra đời của liên minh, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder, cho biết các lực lượng liên minh sẽ đóng vai trò tuần tra Biển Đỏ và Vịnh Aden để đáp ứng và hỗ trợ khi cần thiết các tàu thương mại đang đi qua khu vực quốc tế quan trọng này. Mỗi quốc gia sẽ đóng góp trong khả năng của mình. Một số nước sẽ cử tàu, một số khác sẽ đóng góp nhân lực hoặc hình thức khác.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AFP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/loat-nuoc-quay-xe-khong-gia-nhap-lien-minh-bien-do-moi-thanh-lap-20231226101306704.htm