Loạt Megastory: Xóa mọi điểm nghẽn, 'vẽ lại' bản đồ giao thông cho vùng đầu tàu Đông Nam Bộ: Kỳ 4: Khơi thông đường sông, mở thêm cảng biển

Vùng Đông Nam Bộ có hệ thống sông ngòi lớn nối liền với các cửa biển rất thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy, hàng hải, cảng sông, cảng biển. Nếu giao thông đường thủy, các cảng phát triển sẽ giúp doanh nghiệp trong vùng giảm chi phí logistics và bớt ùn tắc giao thông.

Một số con sông lớn của vùng Đông Nam Bộ như: sông Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải, Đồng Tranh… kết nối với nhau và liên thông ra biển nên hiện đã hình thành các cảng, tuyến vận tải đường thủy nội địa, ven biển. Đông Nam Bộ là khu vực đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước. Do đó, phát triển đường thủy tạo ra lợi thế rất lớn cho vùng trong phát triển kinh tế vì đây là vùng có sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Về địa lý, vùng Đông Nam Bộ là trung tâm của khu vực ASEAN. Vùng tiếp giáp với Biển Đông, có vị trí thuận lợi xây dựng cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Đồng thời, đường thủy của Đông Nam Bộ có thể kết nối với 3 vùng khác là Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng biển quốc tế Cái Mép (CMIT). Ảnh: Phạm Tùng

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế nên phát triển kinh tế chưa xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số chỉ tiêu quan trọng đề ra chưa đạt được, cụ thể là mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, nhất là hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng còn yếu, chưa đồng bộ là điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Đông Nam Bộ có lợi thế để phát triển các loại hình giao thông là đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không. Trong đó, đầu tư đường thủy nội địa còn rời rạc chưa kết nối đồng bộ.

Cũng theo TS Trần Du Lịch, trong quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đông Nam Bộ đề ra mục tiêu sẽ đầu tư đường thủy nội địa. Cụ thể, đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng tuyến, nâng tĩnh không các cầu trên các tuyến vận tải chính, đặc biệt các tuyến có lưu lượng vận tải lớn như: tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - Sài Gòn; tuyến Sài Gòn - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai); các tuyến sẽ kết nối với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…

Về cảng biển, Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế lớn, tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistics Cái Mép Hạ, các cảng cạn trong vùng để hình thành các trung tâm logistics lớn.

Cảng Phước An, cảng biển lớn nhất của tỉnh Đồng Nai hiện đang được đầu tư xây dựng và dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 1 trong quý II-2024. Ảnh: Phạm Tùng

Tại Đồng Nai hiện đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để tiến hành đầu tư Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch). Dự kiến khi cảng này hoàn thành đưa vào khai thác có thể giúp cho Đồng Nai tăng thu ngân sách nhà nước thêm 10 ngàn tỷ đồng/năm. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho hay, Đồng Nai có nhiều con sông lớn, riêng sông Đồng Nai có chiều dài đoạn chảy qua địa bàn tỉnh hơn 200km. Vì thế, Đồng Nai có rất nhiều lợi thế để thu hút đầu tư phát triển các cảng, giao thông đường thủy, thêm kênh vận tải hàng hóa và hành khách.

Tuy các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ đều nhận thấy tầm quan trọng trong phát triển giao thông đường thủy, nhưng việc thu hút đầu tư, triển khai các dự án về cảng sông, cảng biển, vận tải đường thủy còn rất chậm. Nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài chưa quan tâm đến các dự án trên lĩnh vực này. Do đó, giao thông đường thủy ở vùng Đông Nam Bộ nhiều năm vẫn ì ạch, dù tiềm năng rất lớn. Hiện các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ đa số chỉ khai thác đường thủy cho vận tải hàng hóa, còn vận tải hành khách, phát triển du lịch rất ít.

Theo Bộ Giao thông vận tải, vùng Đông Nam Bộ có thể kết nối các tuyến đường thủy nội địa với cảng sông, cảng biển giúp cho việc vận chuyển hàng hóa rất hiệu quả. Đặc biệt là vận chuyển hàng hóa từ cảng biển Cái Mép tới các cảng biển, cảng sông trong vùng Đông Nam Bộ, những vùng khác trong nước và quốc tế. Vận tải bằng đường thủy chi phí rẻ hơn đường bộ từ 50-80%. Đơn cử, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy theo tuyến Cát Lái - Cái Mép sẽ giảm chi phí 75% so với vận chuyển bằng ô tô trên đường bộ. Bên cạnh đó, giảm được nhiều nhân lực trong vận chuyển hàng hóa. Cụ thể, một sà lan có thể chở từ 100-200 container chỉ cần 5-6 người, trong khi vận chuyển bằng đường bộ sẽ sử dụng từ 100-200 ô tô và cần 100-200 người lái xe. Vận chuyển bằng đường thủy còn có những ưu điểm là giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, vận chuyển hàng hóa cồng kềnh.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Gò Dầu tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Phạm Tùng

Đầu tư các dự án phát triển vận tải đường thủy vùng Đông Nam Bộ còn có thuận lợi là chi phí rẻ hơn đầu tư đường bộ, đường sắt do ít phải bồi thường giải phóng mặt bằng nên có thể đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên hiện nay, nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông đường thủy còn ít, chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, trong khi lại chịu trách nhiệm vận tải 20% khối lượng hàng hóa.

Vào cuối tháng 11-2023, tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, Đông Nam Bộ phải hình thành mạng lưới kết cấu giao thông đồng bộ, hiện đại để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông và tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, kết nối thông suốt giữa các đô thị, trung tâm kinh tế, cảng biển của vùng và liên vùng nhằm tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.

Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), một trong hai cảng đặc biệt của Việt Nam hiện nay. Ảnh: P.T

Thời kỳ 2021-2030, vùng Đông Nam Bộ sẽ triển khai một số dự án quan trọng về giao thông đường thủy như: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, phát triển Cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng quốc tế trung chuyển lớn tầm cỡ khu vực khu vực châu Á. Đồng thời, đối với đường thủy nội địa phải cải tạo, nâng cấp các luồng tuyến vận tải các tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đi Bến Súc, Thành phố Hồ Chí Minh đi Kiên Lương, Thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau. Đầu tư các cảng thủy nội địa để thu gom, giải tỏa hàng hóa cho các cảng biển lớn trong vùng. Triển khai các dự án hành lang đường thủy và logistics cho khu vực phía Nam.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 5 nhóm cảng biển. Vùng Đông Nam Bộ thuộc nhóm cảng biển số 4 và được quy hoạch 4 cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hàng hóa thông đến năm 2030 là từ 450-520 triệu tấn và có hơn 1,7 triệu lượt hành khách.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, muốn phát triển nhanh các dự án giao thông của vùng Đông Nam Bộ cần cơ chế, chính sách và nguồn vốn, bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn huy động từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tập trung cho hạ tầng giao thông công cộng, các dự án trọng điểm tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư. Muốn phát triển giao thông đường thủy thì phải thực hiện đồng bộ từ nâng cấp, cải tạo luồng tuyến và đầu tư các cảng biển, cảng sông.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/audio/202403/loat-megastory-xoa-moi-diem-nghen-ve-lai-ban-do-giao-thong-cho-vung-dau-tau-dong-nam-bo-ky-4-khoi-thong-duong-song-mo-them-cang-bien-1fd0664/