Loạt cổ vật bí ẩn Hà Nội: Chỉ chuyên gia mới biết công dụng

Vào năm 1983-1984, các chuyên gia đã tìm được hàng trăm cổ vật liên quan đến di tích Giảng Võ trường dưới lòng hồ Ngọc Khánh ở Hà Nội. Trong số này, có nhiều hiện vật 'lạ', không có chuyên môn thì không thể biết là vật gì...

Các cổ vật này được gọi là khâu sắt. Đây là phần bảo vệ đầu cán tre/gỗ khi tra cán vũ khí. Khâu sắt kích thước to nhỏ khác nhau để phù hợp với từng loại vũ khí. Hiện vật được giới thiệu trong trưng bày chuyên đề "Giảng Võ trường và sưu tập vũ khí thời Lê" của Bảo tàng Hà Nội.

Tất cả các loại hình vũ khí như giáo, lao, câu liêm, mũi trường... đều có chuôi tra cán, phải làm khâu sắt bao bên ngoài, để khi đâm, chém tác động một lực mạnh thì cán không bị nứt vỡ.

Những vật hình chóp nhọn này là loại khâu được dùng để bịt phần cuối cán, phía dưới chỗ cầm vũ khí. Chúng có kích cỡ khác nhau, phù hợp với kích cỡ của chiếc cán đi kèm.

Những thanh sắt nhọn một đầu, có hình dạng và kích thước khác nhau này được gọi là phác vật vũ khí. Đây là phần thô sẽ được thợ rèn gia công để tạo thành các loại vũ khí khác nhau, gồm phần lưỡi và phần chuôi tra cán.

Những phác vật này được gia công rèn đơn chiếc nên có trọng lượng, độ dài, tiết diện thân, độ nhọn của mũi... khác nhau.

Những chiếc đinh ngắn tìm được ở Giảng Võ trường có hình dạng tương đối đều nhau, dài 6-8 cm, có đầu to là mũ đinh có dạng bẹt, đầu nhỏ là mũi đinh. Chúng được dùng để đóng thuyền, làm nhà.

Đinh dài có chiều dài 20-30 cm, dày và nặng. Không chỉ sử dụng để đóng vào công trình gỗ, chúng còn có thể được sử dụng như bàn chông cơ động.

Vòng chữ U là những thanh sắt dài được uốn cong hình chữ U, hai đầu vòng có dạng đinh khuy hai chẽ. Những vật dụng này dùng để làm giá treo hay móc đồ vật.

Vòng khóa chân ngựa có dạng hình như một chiếc khuyên. Khi khóa chân ngựa người ta móc dây xích vào hai mấu uốn tròn ở hai đầu vòng.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/loat-co-vat-bi-an-ha-noi-chi-chuyen-gia-moi-biet-cong-dung-1973487.html