Loài chim 'siêu quý hiếm', chuyên tàn sát khỉ, là biểu tượng quốc gia

Với sải cánh lên tới 2 m, loài chim này được coi là một trong những loài chim cao nhất, hiếm nhất, lớn nhất, mạnh mẽ nhất thế giới.

Đại bàng Philippines (Pithecophaga jefferyi) còn được gọi là Đại bàng lớn Philippine hay Đại bàng ăn thịt khỉ, là một trong những loài chim cao nhất, hiếm nhất, lớn nhất, mạnh mẽ nhất thế giới.

Loài chim săn mồi này có màu nâu đậm và trắng, cao từ 86 đến 102 cm, nặng 4,7 - 8 kg.

Sải cánh của đại bàng Philippines dài từ 184 đến 220 cm với chiều dài cánh bình thường là 57,4 - 61,4 cm, đuôi là 50 cm. Chúng được coi là loài đại bàng dài nhất còn tồn tại kể từ khi đại bàng Haast tuyệt chủng.

Đại bàng Philippines sở hữu đôi chân to, có màu vàng nổi bật với vuốt màu đen. Mỏ màu xám hơi xanh cùng đôi mắt xanh xám giống chim ưng, lông đầu tỏa ra như có hào quang đầy quyền lực.

Tuổi thọ trung bình của một con đại bàng Philippines ở môi trường tự nhiên được ước tính là 30-60 năm.

Đại bàng Philippines sinh sống ở những khu rừng rậm rạp ở Philippines, phía Đông các đảo chính là Luzon, Samar, Leyte và Mindanao (số lượng nhiều nhất ở Mindanao). Chúng sống ở vùng rừng rậm nhiệt đới núi cao và dốc với độ cao từ 1.800m trở lên.

Loài đại bàng khổng lồ này thường làm tổ trên cành cây cao và tổ thường cách mặt đất khoảng 30m. Mỗi cặp đại bàng chỉ sinh một con trong năm.

Đại bàng Philippine thường sống thành cặp. Chúng không chịu được sự cô đơn. Khi con còn lại chết đi chúng thường sẽ kiếm con khác thay thế.

Được biết, loài chim này được các nhà khoa học gọi là đại bàng ăn khỉ sau khi phát hiện chúng hầu như chỉ bắt và giết khỉ để ăn.

Đại bàng ăn khỉ được John Whitehead, một nhà tự nhiên học người Anh, phát hiện lần đầu vào năm 1896.

Vào năm 1978 giới khoa học đổi tên "đại bàng ăn khỉ" thành "đại bàng Philippines" bởi phát hiện chúng còn ăn những loài động vật khác như cầy hương, rắn lớn, thằn lằn, thậm chí một số loài chim lớn.

Đại bàng Philippines trở thành biểu tượng của Philippines từ năm 1978.

Ước tính, hiện chỉ còn khoảng 500 con đại bàng Philippines trong tự nhiên. Số lượng của chúng bị đe dọa bởi tình trạng phá rừng để lấy gỗ và sản xuất nông nghiệp.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/loai-chim-sieu-quy-hiem-chuyen-tan-sat-khi-la-bieu-tuong-quoc-gia-a656407.html