Loài 'cá hoàng gia' xưa thuộc về vua, nay cả thế giới ưa chuộng

Thời trung cổ, cá tầm được coi là một loài cá hoàng gia. Theo luật cổ đại, bất kỳ con cá tầm nào được tìm thấy trên các bãi biển đều thuộc về nhà vua.

Cá tầm là tên gọi chung của một chi cá có tên khoa học là Acipenser, chúng bao gồm 21 loài đã được ghi nhận trong các báo cáo khoa học. Đây không chỉ là một trong những loài cá nước ngọt có kích thước lớn mà chúng còn là loài sống lâu nhất, nhiều con có thể sống tới 150 năm.

Tương tự như cá mập hay cá đuối, cá tầm cũng được xếp vào chi cá sụn. Cá tầm có phần thân dài hình ống gồm 5 hàng xương gai (sụn), da cá dày và nhám. Ðuôi cá dạng chia chẻ đôi. Miệng cá nhỏ hình nêm, không răng. Mũi dài nhọn có 2 đôi râu cứng hoạt động như ra đa giúp cá tìm kiếm con mồi.

Tùy vào từng loài, tuổi thọ và môi trường sống mà màu sắc của cá tầm có thể thay đổi khác nhau. Cá tầm là loài cá săn mồi ở tầng đáy, vì cơ miệng không có răng nên thức ăn chủ yếu của cá tầm là các loài động vật giáp xác và cá nhỏ.

Nói về chất lượng, thịt cá tầm có vị ngọt, thơm và săn chắc, chứa một lượng lớn vitamin A, selenium, canxi, phốt pho, DHA tự nhiên. Ngoài ra, sụn cá chứa lượng lớn collagen, omega-3, omega-6,… giúp tăng cường thể lực và bồi bổ cơ thể rất tốt, chúng còn là thực phẩm dinh dưỡng rất tốt cho phái đẹp đặc biệt là các bà mẹ đang mang thai.

Thời trung cổ, cá tầm được coi là một loài cá hoàng gia. Theo luật cổ đại, bất kỳ con cá tầm nào được tìm thấy trên các bãi biển hoặc đánh bắt ở Đại Tây Dương hoặc Baltic, đều thuộc về nhà vua. Ví dụ, trong Luật Scania (Đan Mạch) từ năm 1202, cá tầm sẽ được sử dụng bởi gia đình hoàng gia và không có ngoại lệ.

Mặt khác, người dân có thể sử dụng cá voi tùy ý, tùy theo phương tiện vận chuyển của bản thân (có thể sở hữu theo trọng lượng họ mang được khi đi bộ, dùng ngựa, bằng xe thô sơ hoặc tàu thủy).

Vào năm 1324, Vua Edward II của Anh đã tuyên bố cá tầm là loài cá hoàng gia. Về mặt lý thuyết, hoàng gia Anh vẫn sở hữu tất cả cá tầm, cá voi và cá heo sống ở vùng biển xung quanh nước Anh và xứ Wales. Bất kỳ con cá tầm nào bị bắt trong vương quốc này vẫn là tài sản riêng của vua hoặc hoàng hậu.

Cá tầm là loài cá sống lâu, lâu lớn. Tuổi thọ trung bình của chúng là từ 50 đến 60 năm. Chúng chỉ đẻ trứng khi đã tới 15 hoặc 20 tuổi. Cá tầm không đẻ trứng hàng năm vì chúng cần những điều kiện môi trường cụ thể. Theo thống kê, cá tầm có thể dài hai đến ba mét. Kỉ lục có cá tầm đặc biệt lớn dài hơn bảy mét.

Vào thời Trung Cổ, cá tầm bơi cũng được đánh giá cao như một nguồn cung cấp isinglass (hay còn gọi là collagen cá, được lấy từ bong bóng trong cơ thể của các loại cá lớn). Đây còn là một dạng collagen được sử dụng trong quá trình sản xuất rượu và bia, như một tiền chất của gelatin hoặc để bảo quản giấy da.

Môi trường sống của cá tầm rất rộng, nhiều loài cá tầm sinh sống chủ yếu ở biến và chỉ di cư vào sông, suối để sinh sản (ví dụ như Bắc Bán Cầu và thường gặp tại Bắc Ðại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương, Vùng Biển Caspian, Biển Ðen).

Một số ít loài khác lại sống hoàn toàn trong vùng nước ngọt (sông Delaware, Rhein, Garonne, Elbe, Volga, Danube và hồ Ladoga). Người ta thường tìm thấy cá tầm ở vùng đáy của các con sông và biển, vì loài này ưa lạnh, ngoài ra phải là nguồn nước sạch tự nhiên, có lượng oxi hòa tan cao thì chúng mới có thể sinh trưởng và phát triển tốt được.

Tại Việt Nam, chỉ có duy nhất Sapa và Lâm Đồng, nơi được thiên nhiên ưu đãi về thời tiết và khí hậu mới đủ điều kiện để chăn nuôi loài cá này.

Xem thêm video: Nuôi cá tầm có giàu được không? (Nguồn: VTV24).

Thiên Trang (th)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/loai-ca-hoang-gia-xua-thuoc-ve-vua-nay-ca-the-gioi-ua-chuong-1768075.html