Loại bỏ cơ chế xin - cho

Trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2-2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phú Phạm Minh Chính đặc biệt quán triệt yêu cầu loại bỏ cơ chế xin - cho để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa sai phạm; cắt giảm tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, không gây phiền hà, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp.

Thực tế, cơ chế xin - cho hiện vẫn tồn tại ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước, thậm chí có nơi còn coi đây là “thủ tục” bắt buộc đối với người dân, doanh nghiệp nếu muốn thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ được giải quyết nhanh, gọn, lẹ. Chứng kiến tệ nạn nêu trên, không ít người đã ví von, cơ chế xin - cho là “vết thương” hằn trên khuôn mặt của người dân lam lũ, là giọt mồ hôi mặn chát của không ít doanh nhân sau dăm lần bảy lượt đến cơ quan công quyền. Thậm chí không ít cán bộ cấp dưới phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi có việc phải nhờ cậy cán bộ, nhân viên, cơ quan cấp trên. Cũng chính vì vậy mà có rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt từ việc người dân, doanh nghiệp đi giải quyết thủ tục hành chính và đã có những vần thơ “bút tre” xuất hiện, được dư luận truyền tai nhau nghe mà đắng lòng: “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên/ Nhún nhường, nhã nhặn, không quên phong bì!”.

Cơ chế xin - cho không chỉ gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mà còn thể hiện sự hèn kém, cửa quyền của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức ở không ít cơ quan công quyền. Đây cũng là nguyên nhân làm tụt giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan hành chính các cấp; là một trong những nguyên nhân nảy sinh tiêu cực, tham nhũng và làm suy giảm trách nhiệm chính trị, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được các cấp, ngành, đơn vị trên cả nước triển khai quyết liệt nên liên tiếp nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng về kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước được phát hiện, đưa ra ánh sáng. Trong đó không ít vụ án xảy ra trong những ngành, lĩnh vực “nhạy cảm” được tập trung chỉ đạo điều tra, làm rõ. Thậm chí, có những vụ án khi khởi tố, điều tra, xét xử chỉ là những tội hết sức bình thường, nhưng tiếp tục mở rộng điều tra, đi sâu, làm rõ đã phát hiện, khởi tố thêm nhiều vụ án, nhiều bị can về các tội tham nhũng. Các cơ quan tố tụng cũng đã xử lý nghiêm minh, công khai cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm. Cho thấy, xử lý tham nhũng được triển khai quyết liệt, nhưng cơ chế xin - cho là nguyên nhân chính phát sinh tham nhũng lại không thay đổi. Hậu quả là tội phạm kinh tế, tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Muốn xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự trung thành, tận tụy, liêm chính, vì dân, vì nước và một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu là phải xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho. Do đó, người dân và doanh nghiệp rất phấn khởi khi nhận được những thông tin từ Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ với quyết tâm chuyển phương thức chỉ đạo, điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Hy vọng, sự quyết tâm và hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ được lan truyền đến các bộ, ngành, địa phương và chuyển hóa thành những hành động cụ thể, thiết thực để xóa bỏ cơ chế xin - cho, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mỗi người dân và doanh nghiệp cũng phải chung sức, đồng hành với Chính phủ bằng cách nói không với hành vi xin - cho, sẵn sàng tố giác những hành vi xin - cho của cán bộ, công chức, viên chức.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/154711/loai-bo-co-che-xin-cho