Lo ngại hầu đồng sẽ bị 'say nắng'

Sau khi được UNESCO vinh danh, làm thế nào để tín ngưỡng thờ Mẫu được bảo vệ và phát huy đúng giá trị của nó trước những biến tướng, thương mại hóa các nghi thức?

“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào đêm 1-12 tại TP Addis Abada - Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia. Việt Nam có thêm di sản văn hóa thứ 11 được thế giới vinh danh là niềm vui, tuy nhiên một câu hỏi được mọi người quan tâm: Sau khi được UNESCO vinh danh, làm thế nào để tín ngưỡng thờ Mẫu được bảo vệ và phát huy đúng giá trị của nó trước những biến tướng, thương mại hóa các nghi thức?

Tín ngưỡng dễ bị lợi dụng

Trước đây, hầu đồng là món ăn tinh thần có phần xa lạ vì không phải ai cũng thực hành được nghi thức này và người thưởng thức cũng không nhiều vì không dễ gì hiểu hết nét đẹp của nghi thức. Vì thế, một thời gian dài, hầu đồng bị coi là hoạt động mê tín dị đoan. Trước khi được Nhà nước nhìn nhận là văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn, phát huy, hầu đồng đã bị một số nơi lợi dụng vào những trò buôn thần bán thánh…

Theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng là cái không ai nhìn thấy nên dễ bị lợi dụng, dễ bị lừa gạt, trục lợi về kinh tế. Sau khi được UNESCO tôn vinh, việc bảo vệ, phát huy, giữ gìn nghi thức này tránh biến tướng là nhiệm vụ quan trọng nhất. Vì vậy, “Nhà nước phải đi đúng hướng, thể hiện chính sách tự do tín ngưỡng nhưng phải tránh được biến tướng, lợi dụng giá trị di sản. Tình trạng tín ngưỡng hiện nay vẫn tản mạn, cá nhân, không ai quản lý”, GS Ngô Đức Thịnh nhận định.

Giá đồng “Cô bé Thượng Ngàn”.

Được biết, một cung văn theo hầu đồng phải có ít nhất 5 năm tôi luyện, rèn giũa thanh sắc, giữ gìn đạo đức. Ngày nay, chỉ sau 2 tuần học vài giá đồng là họ đã xuất hiện diêm dúa, lợi dụng tín ngưỡng này để tổ chức lừa bịp những người nhẹ dạ. Hầu hết người tham gia hầu đồng được yêu cầu phải cúng lễ vật, nữ trang đắt tiền, tiền mặt thủ sẵn trong túi để rải đều mỗi khi thực hiện các giá đồng cầu duyên, cầu tài… Không ít người đến hầu đồng đã phải vay nợ từ các băng nhóm cho vay nặng lãi, phải cầm nhà, bán xe để cúng lễ đúng yêu cầu, rải thật nhiều tiền để được nhận lộc may. Có người tán gia bại sản khi dính vào các “kịch bản” của nhiều phủ thờ.

Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn và lễ hội… Tuy nhiên, một số các thực hành như lên đồng, lễ cúng đã bị thương mại hóa, bị biến tướng. Nhà nghiên cứu văn hóa, GS Trần Lâm Biền cho hay, trước đây chỉ cần chiếc khăn đỏ, một bộ quần áo đã có thể lên đồng, quà phát lộc chỉ cần vài trái táo tượng trưng. Song, tới giờ có những giá đồng chỉ riêng tiền phát lộc đã hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Xu hướng vật chất hóa này khiến hầu đồng bị định kiến là hoang phí, khoe mẽ.

“Hầu đồng chỉ có ý nghĩa nếu người hầu đồng đạt tới trạng thái tinh thần cao siêu. Họ quên hết thực tại, tiếp cận được cõi bồng bềnh, ảo ảnh hư - thực, ẩn chứa trong tâm hồn và tư duy con người. Nếu không có điều ấy thì hầu đồng chỉ là một hình thức diễn xướng mà thôi. Dân gian vẫn gọi vui bằng các khái niệm “đồng tỉnh” và “đồng mê”. Trong đó, “đồng mê” mới thật sự gần được thần linh, còn “đồng tỉnh” không được”, GS Trần Lâm Biền cho biết.

Đưa hầu đồng đi theo đúng quỹ đạo

Theo các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu văn hóa, hầu đồng cần được bảo tồn, không để khi thế giới vinh danh thì nó lại mai một, biến tướng giá trị vốn có trở thành di sản hư danh vì thiếu sự quản lý, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.

Nhà nghiên cứu nghệ thuật, NSND Đinh Bằng Phi băn khoăn: “Giữ gìn và phát huy hầu đồng không có gì để bàn cãi nhưng sau này, hầu đồng được bung ra nở rộ đến độ chóng mặt thì nét đẹp văn hóa của dân tộc ít nhiều bị biến tướng. Bên cạnh hầu đồng thật còn có rất nhiều trò hầu đồng giả, buôn thần bán thánh ngay trong khung cảnh linh thiêng chốn đền phủ khiến những ai quan tâm nghi thức này cảm thấy đau lòng”.

GS.TS Trần Quang Hải, hiện ở Pháp, cho rằng vấn đề nào cũng có hai mặt - sự tích cực và tiêu cực, thẩm mỹ và phi thẩm mỹ. Thế nhưng, hầu đồng bị biến tướng đã nghiêng hẳn về thực dụng. “36 giá đồng là 36 câu chuyện mang tính nhân văn của các vị thánh mẫu, tiên cô và các vị tướng trung thần, các vị quan thanh liêm…

Hầu đồng trong xã hội Việt Nam thời phong kiến đã xác lập bất di bất dịch mục đích, giá trị tinh thần là ca ngợi công ơn của các vị thánh, Mẫu, các vị tướng quân đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước. Nghi lễ này rất nhân văn, con người giao hòa với thần linh để gửi niềm tin vào thế giới siêu thực mà họ khao khát vươn tới để sống lạc quan, yêu đời, làm việc thiện. Vì vậy, không thể để nghi thức tín ngưỡng tốt đẹp này bị lợi dụng, bị bóp méo thành những trò mê tín để trục lợi”, GS.TS Trần Quang Hải nhấn mạnh.

Theo GS.TS Trần Quang Hải, xét về nghệ thuật hầu đồng, các cung văn khi bước vào thế giới siêu thực của các giá đồng với niêm luật, nghệ thuật độc đáo, bản thân họ là những nghệ sĩ đang “say” theo những thăng hoa đã tích tụ từ nét văn hóa ngàn đời của dân tộc. “Theo dòng chảy tự nhiên, hầu đồng vẫn còn nguyên giá trị về tính nhân văn, thẩm mỹ trong xã hội hiện đại nếu được phát huy đúng cách, và phải phá bỏ tất cả những gì khiến di sản này bị đánh giá là biến tướng”, GS.TS Trần Quang Hải đề nghị.

Trao Bằng kỷ niệm chương cho các thanh đồng tiêu biểu.

Trước câu hỏi: Liệu cộng đồng và người thực hiện di sản có giữ đúng được bản chất của di sản hay không? Hay sẽ có người lạm dụng trục lợi trên di sản, làm biến tướng sai lệch bản chất của di sản? PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho hay, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là thực hành mang tính tâm linh, thể hiện đức tin vào thánh mẫu. Việc thực hành là hầu đồng, đi lễ.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc bộ, Bắc Trung bộ và TP HCM mà Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Hoạt động này thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như: Trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội. Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng này là đáp ứng nhu cầu và khát vọng trong đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.

Trước đó, tối 22-12, tại Rạp Công Nhân - 42 Tràng Tiền, Lễ chào mừng Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam và Cty Nhà hát Việt. Sau thời gian nỗ lực vận động cộng đồng quốc tế, với sự ủng hộ tuyệt đối của Chính phủ, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là lần đầu tiên, UNESCO vinh danh Người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh của Thánh Mẫu.

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cũng bày tỏ niềm hạnh phúc trước sự kiện trọng đại của văn hóa Việt. Ông chia sẻ trước đó: “Không giống như Ca trù, Tín ngưỡng Thờ Mẫu ngay từ khi làm hồ sơ đệ trình UNESCO, chưa cần tới cơ quan chức năng phát động thì nó đã bùng phát, nhân rộng tới toàn thể nhân dân. Điều đó cho thấy sức sống của nó và nhu cầu tâm linh của con người là có thật”.

Kế hoạch bảo tồn di sản thờ Mẫu từ năm 2017-2022

Bộ VH-TT-DL đã phê duyệt lịch trình cho các hoạt động bảo tồn di sản thờ Mẫu từ năm 2017 - 2022. Theo đó, từ năm 2017 - 2019 tập trung thực hiện các hoạt động nhận thức xã hội về lên đồng, phục hồi một số hoạt động lễ hội, sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng trang web về tín ngưỡng thờ Mẫu; từ năm 2020 - 2022 tập trung thực hiện các hoạt động truyền dạy hát văn, quảng bá di sản, hoàn thành và cập nhật kiểm kê quốc gia về việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ nói riêng, thờ Mẫu ở VN nói chung. Tổ chức giao lưu hát văn, lên đồng tại các đền phủ và với các hội shaman giáo ở trong lẫn ngoài nước.

Cũng theo chương trình hành động này, Bộ VH-TT-DL đề xuất việc đại diện cộng đồng, các phủ thờ Mẫu phối hợp với Bộ, các tổ chức phi chính phủ tổ chức các hội thảo về luật Di sản văn hóa và Công ước UNESCO về di sản. Điều này sẽ nâng cao nhận thức về di sản phi vật thể. Nó cũng giúp kết nối, tạo bình đẳng, hài hòa giữa thủ nhang, bản hội, tạo nên một cộng đồng thờ Mẫu thống nhất. Nhờ đó, giảm thiểu sự cạnh tranh không lành mạnh, tránh lợi dụng các cơ sở thờ tự để buôn thần bán thánh, thương mại hóa.

Nguyễn Khuê

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/lo-ngai-hau-dong-se-bi-say-nang-111234/