Lo ngại gò bó và tốn kém với dự thảo phân vùng quản lý taxi 1 màu sơn xe

Một số nội dung trong Dự thảo Quy chế quản lý taxi Hà Nội như phân vùng hoạt động, thống nhất 1 màu sơn và đấu thầu quyền khai thác đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều doanh nghiệp taxi lo ngại về một số quy định đề ra trong Dự thảo quy chế quản lý taxi

Dự thảo Quy chế quản lý taxi đang được Sở GTVT Hà Nội lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan, trong đó có Hiệp hội Taxi Hà Nội và các doanh nghiệp taxi trên địa bàn thành phố. Dự thảo này sẽ còn được chỉnh sửa nhiều lần trước khi chính thức ban hành nhưng tới nay, một số quy định tại văn bản này đã nhận được khá nhiều ý kiến không đồng tình.

Chung màu sơn, mất thương hiệu?

Đại diện một hãng taxi trên địa bàn Hà Nội cho rằng, phải mất nhiều thời gian cũng như nỗ lực xây dựng thương hiệu, mỗi hãng taxi mới tạo cho khách hàng “dấu ấn” về màu sơn xe của họ. Đơn cử, nhắc đến taxi Mai Linh, khách hàng biết đến màu xanh đặc trưng, Taxi Group là màu trắng viền đỏ, Taxi ABC là màu trắng và hồng…

“Nếu theo Dự thảo quy chế mà Sở GTVT đang lấy ý kiến, tất cả các hãng taxi cùng chung 1 màu sơn thì khách hàng khó nhận diện thương hiệu mỗi hãng, như vậy, rất thiệt thòi cho các doanh nghiệp dày công gây dựng thương hiệu bao lâu nay”, đại diện một hãng taxi trên địa bàn Hà Nội bày tỏ.

Liên quan đến quy định phân vùng hoạt động, đa phần các doanh nghiệp cũng cho rằng không phù hợp bởi đã là taxi đăng ký hoạt động kinh doanh trên địa bàn Hà Nội thì được phép đón/trả khách trên toàn địa bàn thành phố. Quy định taxi ở vùng nội đô chỉ được chở khách vùng nội đô… là gò bó doanh nghiệp, vi phạm quy định về kinh doanh.

Đặc biệt, quy định khi doanh nghiệp có xe taxi hết niên hạn (8 năm) thì Sở GTVT tổ chức đấu thầu có thể sẽ “đẻ” ra kiểu doanh nghiệp chuyên đi “chạy” thầu, rồi bán lại cho các doanh nghiệp taxi với giá cao hơn. Đáng nói, hoạt động này sẽ  gây tốn kém rất nhiều cho doanh nghiệp. “Năm nào doanh nghiệp cũng có xe thay mới (xe thay thế xe đã hết niên hạn hoạt động theo quy định-PV), nếu theo Dự thảo quy chế này thì năm nào doanh nghiệp taxi cũng phải tham gia đấu thầu “nốt” xe của chính mình, nảy sinh rất nhiều tiêu cực và cực kỳ tốn kém”, đại diện một hãng taxi nhìn nhận.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, việc quy định lấy địa giới hành chính để phân vùng phục vụ đối với xe taxi là không khả thi. “Việc phân vùng phục vụ càng làm tăng số kilomet xe chạy rỗng khi các xe ở vùng 1 chở khách sang vùng 2 lại phải quay về vùng 1 để hoạt động”, ông Đỗ Quốc Bình phân tích.

Đối với quy định về đấu giá quyền khai thác kinh doanh, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp bị tước quyền tự chủ đầu tư thay thế phương tiện, tự chủ kinh doanh. Việc này làm gia tăng chi phí và tạo tâm lý bất an cho doanh nghiệp.

Đấu thầu sẽ loại bỏ cơ chế xin - cho

Tuy vậy, liên quan đến quy định taxi Hà Nội chung 1 màu sơn, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhìn nhận, hiện nay, taxi của Việt Nam quá lộn xộn, đủ các loại màu, không chuẩn mực như các nước khác. Quy định một màu sơn sẽ hướng tới mục tiêu một loại hình vận tải hiện đại, văn minh. Taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện cho nên quy định màu sơn phải thuộc thẩm quyền cơ quan Nhà nước. “Từ nay đến thời điểm thay đồng nhất một màu sơn là 8 năm (2025). Trong thời gian này, các hãng taxi có thể đăng ký màu sơn và mua xe màu đó để đúng với quy định và lộ trình của thành phố”, ông Bùi Danh Liên nêu ý kiến.

Trả lời về những lo ngại của doanh nghiệp taxi cũng như Hiệp hội Taxi Hà Nội, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc phân vùng hoạt động, trên thực tế các doanh nghiệp khi trình lên phương án kinh doanh đã đăng ký sẽ hoạt động, phục hành khách ở khu vực nào. Hiện nay, một số doanh nghiệp đăng ký ở ngoại thành, thậm chí là ngoại tỉnh nhưng lại đem xe vào nội thành kinh doanh, gây xáo trộn thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, gia tăng áp lực giao thông cho vùng nội đô. Quy định phân vùng hoạt động sẽ loại bỏ tình trạng này.

“Còn về đấu giá quyền kinh doanh, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, trước đây có hiện tượng “xin - cho” trong cấp phép kinh doanh taxi, việc đấu giá sẽ khiến không còn tình trạng này nữa. Bên cạnh đó, khi trúng đấu giá thì doanh nghiệp vẫn có thể chuyển nhượng cho nhau, như vậy là cơ chế rất linh hoạt chứ không cứng nhắc”, ông Hà Huy Quang cho hay.

Về ý kiến lo ngại việc thành lập trung tâm quản lý chung sẽ gây tốn kém, lãng phí và bộ máy cồng kềnh cho doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đặt câu hỏi, tại sao Uber và Grab quản lý hàng nghìn xe của nhiều doanh nghiệp nhưng bộ máy quản lý rất tinh gọn và hiệu quả?

“Chúng ta cũng cần phải quản lý theo cách đó để dần dần nâng cao chất lượng dịch vụ taxi. Nếu làm được, cái lợi đầu tiên là cho hành khách, sau nữa đến chính doanh nghiệp rồi mới đến công tác quản lý Nhà nước. Tại sao việc áp dụng công nghệ hiện đại như vậy mà các hãng taxi lại từ chối, không làm?”, ông Hà Huy Quang đặt vấn đề, đồng thời chia sẻ thêm: “Tất cả những lo lắng trên của doanh nghiệp và Hiệp hội Taxi có thể xuất phát từ việc chưa hiểu rõ bản chất các quy định được xây dựng trong Dự thảo quy chế. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để làm rõ những khúc mắc”.

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/lo-ngai-go-bo-va-ton-kem-voi-du-thao-phan-vung-quan-ly-taxi-1-mau-son-xe/737554.antd