'Lỗ hổng' chết người trong giám sát hộp đen

Để giám sát hoạt động vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã có quy định yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) nhằm kiểm soát tốc độ, tải trọng... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, tài xế thực hiện một cách đối phó đã và đang là nguyên nhân khiến các vụ tai nạn giao thông thảm khốc ngày càng gia tăng, khiến công tác quản lý của cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Một vụ tai nạn giao thông vô cùng nghiêm trọng xảy ra vào ngày 7/5/2017 tại huyện Chư Sê, Gia Lai khiến 13 người tử vong và hơn 30 người bị thương.

Tai nạn nghiêm trọng đều vắng bóng hộp đen

Nhìn lại vụ tai nạn giao thông (TNGT) vô cùng nghiêm trọng vào ngày 7/5/2017 tại Km1632+100 đường Hồ Chí Minh (địa bàn huyện Chư Sê, Gia Lai) giữa xe tải BKS 77C-139.37 đi ngược chiều và xe khách BKS 18B-018.32 khiến 13 người tử vong và hơn 30 người bị thương.

Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống giám sát hành trình ghi nhận xe tải này chạy tới 103-105km/h vào lúc 4g 31phút. Đây cũng là thời điểm cuối cùng hộp đen trên xe báo tín hiệu về máy chủ.

Dù nguyên nhân vụ tai nạn đã được xác định lỗi hoàn toàn thuộc về chiếc xe tải nhưng nhìn nhận lại vụ việc có thể thấy những nguyên nhân khác khiến vụ TNGT thảm khốc hơn. Theo nhiều nhân chứng cũng như khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra có thể thấy ít nhất 6 thi thể của nạn nhân xe khách văng ra khỏi xe, nằm dọc lề, lòng đường tử vong sau vụ TNGT. Điều đó, có thể thấy khá nhiều hành khách trên xe khách đã không thắt dây an toàn.

Bên cạnh đó, có một chi tiết vô cùng quan trọng, việc xác định thời điểm xảy ra va chạm, xe khách chạy tốc độ bao nhiêu vẫn chưa có kết quả. Bởi lẽ, theo ghi nhận thì thiết bị giám sát hành trình đã bị… ngắt từ lúc nào. Việc xác định tốc độ thời điểm xảy ra tai nạn phải chờ đến khi cơ quan chức năng phân tích được hộp đen của xe khách.

Thực tế, trong những năm vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn do không kiểm soát được tốc độ. Đáng lưu ý, trong các vụ tai nạn đó, những chiếc hộp đen đã không phát huy tác dụng. Bởi các thiết bị này thường bị tài xế tắt đi, khiến các cơ quan chức năng không thể nắm bắt.

Quay ngược thời gian về vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào ngày 11/8/2015, trên quốc lộ 20 đoạn qua huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, xảy ra vụ TNGT liên hoàn giữa 3 xe khách giường nằm làm một người chết và 7 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là 3 chiếc xe khách của các hãng xe thương hiệu là T.B và P.T cùng lưu thông theo hướng từ Đà Lạt về TP HCM, khi đi đến đoạn đường trên, chiếc xe khách của hãng xe T.B bất ngờ giảm tốc độ để tránh chiếc xe tải bị lật nằm trên đường.

Khi nhìn lại các vụ tai nạn trên, ngoài lỗi của lái xe còn có trách nhiệm của chủ xe, cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm soát tốc độ thông qua dữ liệu từ hộp đen. Nếu doanh nghiệp đã bố trí người theo dõi tốc độ với từng chuyến xe lưu thông.

Khi tài xế chạy quá tốc độ, người kiểm soát sẽ lập tức gọi điện thoại để nhắc nhở hoặc đèn báo trên hộp đen của xe cũng sẽ bật lên cảnh báo thì vụ tai nạn này đã không xảy ra. Nhưng mọi chuyện hoàn toàn khác.

Chết vì “ôm đồm”?

Để kiểm soát chặt hoạt động của xe khách, Bộ Giao thông Vận tải đã ra Quyết định thực hiện Nghị định 171, từ ngày 1/7/2013. Theo đó, tất cả phương tiện kinh doanh vận tải tuyến cố định liên tỉnh bắt buộc phải lắp đặt hộp đen.

Trong đó, theo lộ trình, trước ngày 1/7/2015, các loại taxi, xe đầu kéo rơ-moóc, sơmi rơ-moóc phải hoàn thành lắp đặt hộp đen. Đối với ô tô vận tải có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên, thời điểm gắn hộp đen hoàn thành trước ngày 1/1/2016 và ô tô có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn trước ngày 1/7/2016.

Theo quy định, những trường hợp không truyền dữ liệu đầy đủ sẽ bị xử lý với các hình thức: Thu hồi phù hiệu, thu hồi giấy phép kinh doanh nếu có trên 20% số phương tiện bị thu hồi phù hiệu. Hiện nay, tỉ lệ phương tiện truyền dữ liệu về trung tâm mới đạt khoảng 70%. Trong 4 tháng đầu năm 2015, đã có trên 700 xe vi phạm nội dung này bị thu hồi phù hiệu và trên 100 xe bị từ chối cấp phù hiệu.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, việc lắp đặt hộp đen là rất cần thiết cho công tác quản lý cũng như ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải và tài xế trong việc tuân thủ pháp luật, góp phần ngăn chặn từ đầu TNGT. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm kể từ khi bắt buộc 50.000 xe khách phải gắn hộp đen, cơ quan quản lý vẫn chưa có đánh giá về hiệu quả cũng như vướng mắc trong quản lý dữ liệu từ thiết bị này.

Quay trở lại vụ tai nạn nghiêm trọng ở Gia Lai, thời điểm xe khách mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình là từ 3h12’ ngày 5/5/2017, tức là trước khi xảy ra tai nạn, chiếc xe khách này đã mất tín hiệu giám sát hành trình gần 3 ngày. Vậy, lý do tại sao chiếc hộp đen của xe khách không hoạt động?

Theo Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 18-83b là đơn vị giám sát hành trình của chiếc xe khách BKS 18B-018.32 trong vụ tai nạn thảm khốc ở Gia Lai thì thiết bị giám sát vẫn hoạt động bình thường trước khi bị ngắt vào ngày 5/5. Tín hiệu hoạt động cuối cùng diễn ra tại xã Nam Thái, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Từ đó đến khi xảy ra tai nạn, Trung tâm này không hề nhận được bất cứ tín hiệu nào.

Lý giải cho việc tại sao không tìm cách liên lạc để tiếp tục kết nối, giám sát hành trình của chiếc xe khách này. Đại diện Trung tâm trả lời rằng: “Trung tâm có kiểm soát rất nhiều xe, có hàng nghìn chiếc xe nên không thể giám sát cụ thể từng cái. Nếu tài xế họ cố tình tắt định vị thì không thể nào giám sát được hành trình”.

Về phía Công ty CP Du lịch Trường Sa, đơn vị trực tiếp quản lý chiếc xe khách BKS 18B-018.32 thừa nhận rằng: “Do DN chỉ có một người trực nên không thể phát hiện trường hợp này”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho rằng, việc lắp đặt hộp đen còn mang tính đối phó, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Thực tế, nhiều DN thường xuyên ngắt thiết bị giám sát hành trình. Vì vậy, căn cứ vào thiết bị giám sát hành trình để kiểm soát thời gian làm việc của tài xế cũng như tốc độ chạy xe là không phản ánh được thực chất.

Theo ông Thanh, các cơ quan chức năng nên mạnh dạn giao việc quản lý giám sát hành trình cho DN vận tải chứ không ôm đồm quản lý như hiện nay, đồng thời cột chặt trách nhiệm của DN nếu để xảy ra vi phạm. “Chỉ có phân cấp cho DN quản lý, cơ quan chức năng nhà nước chỉ can thiệp bằng chế tài cụ thể thì mới có hiệu quả” - ông Thanh góp ý.

Sơn Bình

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-thong/lo-hong-chet-nguoi-trong-giam-sat-hop-den-334921.html