Lo cho người lao động

Nhiều năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến kỳ Hội đồng Tiền lương quốc gia họp bàn về việc tăng lương tối thiểu vùng cho năm sau thì báo chí lại sôi động giữa hai luồng quan điểm, lập luận của bên đại diện người sử dụng lao động và người lao động trước khi một con số được chốt trong thế chấp nhận chẳng đặng đừng của cả hai bên.

Cần quy định mức lương tối thiểu để bảo vệ người lao động yếu thế, nhưng cũng nên có sự phân biệt theo đặc điểm phân hóa lợi nhuận ngành để mềm dẻo hơn với khả năng chi trả của doanh nghiệp. Ảnh: TL

Những quan điểm, lập luận ấy không có gì mới, và trong khi lương tối thiểu sẽ được tăng ở mức nào đó thì nguyên nhân gốc rễ gây ra tình cảnh “không đủ sống” hiện nay của người lao động, từ phía người sử dụng lao động - là năng suất lao động - không có sự cải thiện đáng kể nào. Tăng lương không tương ứng với tăng năng suất, rốt cuộc chỉ là một sự bóc ngắn cắn dài, tạo vòng xoáy tích lũy rủi ro chi trả cho cả hai bên và nền kinh tế khi nguồn thặng dư để mở rộng sản xuất kinh doanh suy giảm.

Tất nhiên, năng suất là vấn đề tổng hợp và dài hạn, bên cạnh năng suất trực tiếp của chính người lao động, quan trọng còn là dây chuyền công nghệ, trình độ quản trị vi mô lẫn vĩ mô. Tất nhiên, đời sống người lao động là cái trước mắt phải lo. Nhưng qua diễn biến nhiều năm của câu chuyện tiền lương tối thiểu, thấy rằng hệ thống của chúng ta không chỉ đang tư duy ngắn hạn mà còn đơn tuyến. Hiện nay, không chỉ rất nhiều người lao động không đủ sống, mà rất nhiều doanh nghiệp cũng không thể sống. Gần nhất, cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 của TPHCM đang nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “vì sao?” trước thực trạng 20.318 doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động, gần 14.050 doanh nghiệp chờ giải thể và hơn 1.620 doanh nghiệp tìm không thấy. Trong đó hẳn có lý do chi phí nói chung, chi phí lao động nói riêng vượt quá khả năng của doanh nghiệp.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163202/lo-cho-nguoi-lao-dong.html