Lo bữa ăn cho các đội tuyển tại World Cup

Rất nhiều ê-kíp thể thao lần lượt giành quyền góp mặt tại đấu trường cao nhất World Cup và bóng đá, đặc biệt bóng đá nữ, là tâm điểm thu hút sự chú ý của đông đảo người hâm mộ từ những điều tưởng chừng đơn giản nhất

Tập luyện, thi đấu là chuyện đã quá bình thường nhưng với đội tuyển nữ, những cô gái đá bóng này còn giành trọn mọi ánh nhìn của người hâm mộ từ biết bao hoạt động bên ngoài sân cỏ. Duyên dáng, làm đẹp đã đành, những câu chuyện tâm tình, sinh hoạt, giải trí của dàn tuyển thủ "kim cương" này cũng luôn là vấn đề khiến tất cả những ai yêu mến họ quan tâm.

Tuyển Việt Nam rạng rỡ, tươi tắn ngày lên đường dự World Cup 2023. Thực đơn các bữa chính của đội được gởi cho BTC trước 4-6 tháng (Ảnh: VFF)

Chuyện cũ SEA Games

"Có thực mới vực được đạo", câu chuyện của muôn thuở rất nhiều lần "vận" vào đội tuyển bóng đá nữ quốc gia dù không phải lần nào cũng mang ý nghĩa tích cực. HLV Mai Đức Chung, trợ lý HLV thủ môn Nguyễn Thị Kim Hồng hẳn không thể quên kỷ niệm của chuyến tham dự SEA Games lần đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam tại Indonesia năm 1997 mà hai thầy trò họ chính là những người trong cuộc.

Cơ cấu của một đội tuyển trong thành phần đoàn thể thao Việt Nam đã có biên chế theo quy định, thế nhưng trưởng đoàn bóng đá nữ Trần Thanh Ngữ (khi đó là Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1, TP HCM) vẫn đưa theo 2 nữ nhân viên trung tâm tháp tùng đội sang Indonesia chỉ để… nấu ăn cho đội bóng. Hai "chị nuôi" này bận bịu suốt ngày, hết nấu cháo, nấu chè đến các loại canh hay thức ăn bổ dưỡng, phục vụ cầu thủ bất cứ lúc nào có nhu cầu.

Ông Tư Ngữ còn "tuyển" hẳn một bác sĩ thể thao có tiếng thời bấy giờ đi theo chăm sóc sức khỏe cho cầu thủ trong khi ông với tư cách là một dược sĩ đã quyết định mang theo vài va-li hành lý đầy ắp các loại thuốc kháng sinh, thuốc bổ… Được chăm sóc tối đa, các tuyển thủ nữ Việt Nam mang về tấm HCĐ kỳ đại hội trên đất Indonesia ngay ở lần đầu tiên tham dự một giải đấu quốc tế chính thức.

22 năm sau, kỳ SEA Games 30 tổ chức ở Philippines để lại nhiều ấn tượng đối với các tuyển thủ nữ Việt Nam. Chính HLV Mai Đức Chung cũng phải thừa nhận, Ban Tổ chức đại hội đã không quan tâm đầy đủ đến bữa ăn của đội bóng khi khẩu phần chỉ có hai món chính cùng với vài loại rau củ làm món ăn kèm, thêm chút hoa quả tráng miệng.

Các tuyển thủ nữ không được ăn đủ chất đã đành, đội còn bị từ chối yêu cầu nấu thêm món cũng như không được phép đi chợ tự nấu ăn. Phải đến khi truyền thông nhập cuộc, Ban Tổ chức mới nhân nhượng, để đoàn tự mua thêm thức ăn, nhận thêm quà tiếp tế từ các CĐV Việt Nam đưa sang. Tình hình mới dần được cải thiện và tuyển Việt Nam tiếp tục hành trình bảo vệ ngôi hậu khu vực từ trong những tình cảnh ngặt nghèo nhất.

Chuyện mới World Cup

Lần đầu ra "biển lớn" ở đấu trường đẳng cấp nhất hành tinh, tuyển nữ Việt Nam giờ không còn cảnh phải tự bươn chải, lo lắng như ngày nào. Chỉ riêng tiêu chuẩn bồi dưỡng lên đến trên 1 triệu đồng/ngày cho mỗi cầu thủ cũng đã cho thấy mức độ quan tâm của nhà nước và các cấp quản lý dành cho "các cô gái kim cương" ở chuyến du đấu này.

Quan sát hành lý của các tuyển thủ sang New Zealand lần này, người tinh mắt chỉ thấy vài túi bánh tráng, có lẽ chỉ để dùng ăn vặt là chính. Không còn cảnh cầu thủ mang theo lích kích mì tôm, các loại thức ăn khô đóng gói như thuở nào. Ngay từ khi sang New Zealand khảo sát tiền trạm hồi năm ngoái, HLV Mai Đức Chung khẳng định FIFA và ban tổ chức hai nước chủ nhà đã chuẩn bị chu đáo về các điều kiện ăn nghỉ.

New Zealand có nhiều loại hoa quả phong phú và giàu chất dinh dưỡng, thích hợp để bổ sung vào khẩu phần ăn. Thực đơn các bữa chính được FIFA chỉ đạo Ban Tổ chức gửi trước từ… 4-6 tháng để các đội lựa chọn, vì thế, không cần phải mang theo đầu bếp hoặc thức ăn riêng.

Ngoài ra, hai quốc gia đồng chủ nhà cũng có quy định riêng về các loại thực phẩm không được phép mang theo, nên đội bóng nào cũng phải tuân thủ để tránh các hệ lụy đáng tiếc về xuất nhập cảnh.

Nhìn chung, trong suốt hành trình tập huấn trước giải tại châu Âu lẫn khi đã có mặt tại New Zealand để chuẩn bị cho World Cup, "các nữ chiến binh sao vàng" chưa từng phải lo lắng chuyện ăn uống, ngủ nghỉ theo các tiêu chuẩn rất cao. Họ có thể thua giao hữu trước Đức, New Zealand hay Tây Ban Nha nhưng đó là sự thua sút về tầm vóc, cách biệt về tư duy chiến thuật nhưng chưa lần nào các học trò của HLV Mai Đức Chung cho thấy họ hụt hơi vì thiếu sức.

"Chế độ ăn uống là một phần hỗ trợ cho thể lực của cầu thủ. Hiện nay, chúng tôi chưa có bác sĩ để định lượng ăn uống. Dù vậy, ít nhiều thì nhà bếp đã cung cấp tương đối chất lượng bữa ăn như thịt gà, thịt bò 2 bữa/tuần, buổi sáng thì có trứng vịt lộn,… làm thế nào để dinh dưỡng của cầu thủ tốt lên. Một mặt, cầu thủ cũng được tiếp thêm năng lượng như uống thuốc, sữa, nạp thêm vitamin B12 giúp duy trì sức bền" - HLV Mai Đức Chung cho biết.

Trưởng đoàn Trần Anh Tú của đội tuyển futsal Việt Nam tự đi chợ, mua đồ ăn cho cầu thủ ở Lithuania trong lần dự World Cup 2021. (Ảnh: ĐỘC LẬP)

Kinh nghiệm tuyển U20 và futsal

Hai lần nhận trọng trách trưởng đoàn đội tuyển futsal dự World Cup 2016 và 2021, Phó Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Trần Anh Tú có rất nhiều trải nghiệm vô giá. Nếu như lần đầu thi đấu tại Colombia 2016, tuyển futsal mang theo đầu bếp cùng rất nhiều loại thực phẩm, gia vị quen thuộc không dễ kiếm tại vùng Nam Mỹ thì 5 năm sau, đích thân ông trưởng đoàn này xắn tay vào bếp nấu nướng phục vụ đội bóng dù điều kiện phục vụ tại Lithuania kỳ World Cup 2021 rất tốt.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành không thể mang theo nhân sự, sự năng động, nhiệt tình của trưởng đoàn Trần Anh Tú đã "truyền lửa" cho các tuyển thủ, tạo thêm một kỳ World Cup lịch sử cho futsal Việt Nam. Người hâm mộ trong nước nhớ mãi hình ảnh ông giám đốc doanh nghiệp mê bóng đá, tự mình nấu nướng để bảo đảm khẩu vị cho cầu thủ, hay những nồi phở thơm nức mũi nơi đất khách, tiếp thêm niềm tin mãnh liệt cho mọi thành viên đội futsal.

Cũng hai lần cầm quân tham dự vòng chung kết World Cup bóng đá U20 các năm 2017 và 2023, HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm về việc ăn uống của hai đội bóng trẻ dưới quyền ông: "Tương tự các giải đấu do FIFA tổ chức, thật sự mọi đội bóng chẳng phải lo lắng gì về chuyện ăn uống, kể cả tình huống không hợp khẩu vị. Cầu thủ có thể mang theo thức ăn khô đóng gói nhưng phải bảo đảm an toàn thực phẩm, chú ý hạn sử dụng, nhất là những loại thực phẩm có tẩm ướp gia vị.

Ban Huấn luyện phải đặc biệt quan tâm điều này, cũng như tiếp theo đó là yêu cầu các món ăn giữa bữa từ nhà bếp nơi đóng quân, làm sao để khi phải di chuyển trên quãng đường dài đến nơi tập luyện hoặc thi đấu, cầu thủ có thức ăn bổ sung. Trước và trong các ngày thi, các trợ lý Ban Huấn luyện sẽ cung cấp thêm các tuýp gien năng lượng, thanh sô-cô-la… giúp toàn đội "chống đói" vì khác biệt múi giờ cũng như trái bữa.

Từ chăm con đến nấu cho cả đội U20

Nguyên HLV trưởng tuyển U20 từng tuyên bố vào bếp nấu ăn cả ngày cho đội bóng, để có được một món ăn ngon và đỡ tốn kém, nhất là khi đây cũng là sở thích của ông khi chăm sóc các con trong gia đình.

Đào Tùng - Tường Phước

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/the-thao/lo-bua-an-cho-cac-doi-tuyen-tai-world-cup-20230715204805346.htm