Lỗ 32 tỷ USD từ 2019, Boeing có thể 'gồng lỗ' đến bao giờ?

Việc Boeing 'gồng lỗ' được lâu đến như vậy một phần là nhờ vị thế gần như độc quyền...

Trong một nhà máy sản xuất máy bay của Boeing - Ảnh: Bloomberg.

Hiếm có công ty nào lỗ 32 tỷ USD chỉ trong vòng 5 năm như hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing, và càng hiếm có công ty nào có thể lỗ như vậy mà không rơi vào cảnh phá sản hoặc tệ hơn - theo hãng tin CNN.

Việc Boeing “gồng lỗ” được lâu đến như vậy một phần là nhờ vị thế gần như độc quyền: trên thế giới chỉ có Boeing và hãng Airbus của châu Âu là hai nhà sản xuất máy bay chở khách cỡ lớn được các hãng hàng không ưa chuộng. Điều này có nghĩa là Boeing có thể tiếp tục ký hợp đồng bán máy bay, sản xuất và giao máy bay tới khách hàng trong nhiều năm tới, cho dù đối mặt với không ít vấn đề lớn về an toàn.

“Với vị thế của Boeing trong ngành và vị thế của ngành công nghiệp sản xuất máy bay, hãng còn có nhiều thời gian để giải quyết vấn đề. Đây là một ngành công nghiệp có rào cản gia nhập rất cao và nhu cầu rất lớn đối với sản phẩm của ngành”, Giám đốc điều hành Richard Aboulafia của công ty tư vấn hàng không AeroDynamic Advisory phát biểu.

Dù gặp nhiều thách thức, Boeing vẫn đang có sổ đơn hàng hơn 6.500 máy bay thương mại, trị giá 529 tỷ USD. Vấn đề là tốc độ sản xuất của hãng bị giảm đi nhiều do hãng dành thời gian để xử lý vấn đề chất lượng, dẫn tới không thể sản xuất đủ số máy bay trong một năm để có lãi.

“Vấn đề của Boeing có kéo dài mãi không? Câu trả lời là không. Boeing có dư địa để giải quyết, họ sẽ không ở mãi trong rắc rối”, nhà phân tích Ron Epstein của ngân hàng Bank of America nhận xét.

Ban lãnh đạo của Boeing cho biết công ty đang tập trung vào các vấn đề chất lượng và an toàn của máy bay - như vụ chiếc 737 Max của hãng Alaska Airlines bị mất chốt cửa sau vài phút bay hồi tháng 1 năm nay - thay vì dự báo xem bao giờ hãng có lãi trở lại. Họ cũng nói tình hình tài chính của công ty không đến mức quá tệ như những gì thể hiện qua các con số.

Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận tính nghiêm trọng của những vấn đề mà Boeing đang đối mặt. Các câu hỏi về chất lượng và an toàn của máy bay Boeing đã làm lung lay niềm tin của một số hành khách đối với máy bay của hãng, dẫn tới nhiều cuộc điều tra liên bang và gây ra những vấn đề lớn cho các hãng hàng không. Trước khi sự cố mới nhất của hãng Alaska Air gây ra một đợt sụt giảm đơn đặt hàng máy bay Boeing nữa, Boeing đã tụt xa so với đối thủ Airbus về số lượng đơn đặt hàng máy bay mới và số lượng máy bay được giao hàng.

Từ quý 2/2019 - sau vụ rơi máy bay 737 Max thứ hai khiến chiếc máy bay bán chạy nhất của Boeing phải ngừng bay trong 20 tháng - cho đến quý 1 năm nay, Boeing đã lỗ hoạt động 31,9 tỷ USD. Khoản lỗ ròng trong cùng khoảng thời gian lên tới 27 tỷ USD.

Trong số 500 công ty thành viên của chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500, chưa có công ty nào lỗ nhiều như vậy trong 5 năm qua - theo dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu tài chính FactSet. Từ trước đến nay, mới chỉ có 2 công ty khác là hãng taxi công nghệ Uber và hãng tàu du lịch Carnival Corp. lỗ gần nhiều như vậy.

Do lỗ nhiều, số nợ của Boeing đang tăng mạnh, từ mức 13 tỷ USD vào cuối năm 2018 lên mức 48 tỷ USD hiện nay. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Ratings đã cảnh báo việc tiếp tục thua lỗ có thể khiến nợ của Boeing bị đánh tụt điểm tín nhiệm xuống hạng “rác” (junk) lần đầu tiên trong lịch sử của hãng.

Dù vậy, Boeing có những lợi thế mà các công ty khác không có.

Ngay cả tất cả khác hàng của Boeing chuyển sang mua máy bay Airbus, họ sẽ phải đối mặt với việc Airbus đang có sổ đơn hàng hơn 8.000 máy bay thương mại và dự kiến chỉ có thể giao hàng khoảng 800 máy bay trong năm nay. Điều đó có nghĩa là những đơn hàng mới sẽ phải đợi tới 10 năm để nhận được máy bay từ Airbus. Nhiều hãng hàng không sẽ không muốn phải đợi lâu đến như vậy nếu họ hủy đơn hàng với Boeing và chuyển sang đặt hàng với Airbus.

Trong trường hợp một công ty mới nhảy vào lĩnh vực sản xuất máy bay, sẽ phải mất nhiều năm và nhiều tỷ USD để tạo ra một chiếc máy bay có khả năng cạnh tranh và được chứng nhận để chở khách trên toàn thế giới.

Ngay cả khi các hãng hàng không có thể được giao hàng máy bay Airbus một cách nhanh chóng, họ sẽ phải trả chi phí lớn để để vận hành đồng thời máy bay Boeing hiện có của họ và đội máy bay Airbus mua mới.

Đó là vì phi công chỉ có thể lái loại máy mà họ được cấp chứng nhận để lái và không thể chuyển đổi giữa các loại máy bay khác nhau.

Ngoài ra, các hãng hàng không cũng phải dự trữ sẵn nguồn phụ tùng thay thế đắt tiền để bảo trì máy bay. Vì vậy, khi một hãng hàng không đã chọn một dòng máy bay nào đó, chẳng hạn như 737 Max, họ sẽ phải tiêu tốn nhiều hơn nếu bổ sung thêm phiên bản máy bay tương tự đến từ một nhà sản xuất khác.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lo-32-ty-usd-tu-2019-boeing-co-the-gong-lo-den-bao-gio.htm