Linh kiện Mỹ giúp tên lửa Padasuri-6 Triều Tiên mạnh hơn Kh-35U Nga?

Triều Tiên mới đây đã tiến hành phóng thử tên lửa chống hạm Padasuri-6, được đánh giá dựa trên thiết kế Kh-35 của Liên Xô/Nga nhưng mạnh hơn nhiều.

Quân đội Triều Tiên mới đây đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa chống hạm Padasuri-6 ngoài khơi bờ biển phía Đông đất nước, sự kiện được tổ chức với sự có mặt của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Tên lửa hành trình chống hạm nói trên được cho là đã bay khoảng 1.400 giây về phía Biển Nhật Bản trước khi đánh trúng mục tiêu định sẵn. Vụ thử nghiệm nói trên cho thấy vũ khí đã ở trạng thái hoàn thiện.

Bình Nhưỡng chưa công bố thông tin chi tiết về tên lửa mới. Tuy nhiên xét về thiết kế và hình thức, đây là sự phát triển tiếp theo từ loại Kumsong-3 - vốn được biết đến là bản sao dựa trên Kh-35 Uran của Liên Xô.

Chi tiết đáng lưu ý nữa là hệ thống tên lửa hành trình chống hạm Padasuri-6 đã nhận được bệ phóng mới trên khung gầm xe bọc thép bánh xích, được thiết kế mang theo tổng cộng 8 ống phóng.

Căn cứ vào thời gian bay và tốc độ, tầm bắn của tên lửa Triều Tiên có thể lên tới hơn 200 km, nhiều khả năng phiên bản này là bản sao dựa trên mẫu Kh-35U tiên tiến hàng đầu hiện nay của Nga.

Nhưng theo giới quan sát, nhiều khả năng trong quá trình hiện đại hóa, tên lửa Padasuri-6 đã sở hữu tầm bay xa hơn, hệ thống dẫn đường tốt hơn hoặc đầu đạn mạnh mẽ hơn so với sản phẩm của Nga.

Tên lửa Kh-35U của Nga có tầm bay 250 km (500 km ở phiên bản Kh-35UE hiện đại nhất) và mang đầu đạn xuyên giáp nặng 150 kg. Nhờ động cơ phản lực cải tiến, Kh-35U/UE có thể đạt tốc độ 900 - 1.000 km/h trên hành trình tới mục tiêu.

Để nhắm mục tiêu, tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường radar chủ động cũng như chế độ quán tính có hiệu chỉnh thông qua vệ tinh. Nhờ máy đo độ cao vô tuyến tích hợp, nó có thể bay ở độ cao cực thấp để vượt qua hệ thống phòng không đối phương.

Mới đây Trung tâm Phân tích Nghiên cứu Vũ khí - Xung đột sau khi nghiên cứu các mảnh vỡ tên lửa được Nga sử dụng trong cuộc tấn công vào Kharkiv hôm 2/1/2024 đã nhận định đây là loại KN-23 do Triều Tiên chế tạo, đáng ngạc nhiên là thành phần linh kiện của nó.

75% vi mạch trong số 290 linh kiện trên quả đạn có xuất xứ từ các công ty Mỹ, 16% đến từ EU, trong đó 11,9% của Đức. Trong khi đó châu Á chỉ chiếm 9%, Trung Quốc - 2% và Nhật Bản - 3,1%. Đồng thời không có thành phần nào của các công ty Hàn Quốc được ghi nhận.

Như vậy, phân tích về tên lửa của Triều Tiên đã cho thấy sự bất lực tuyệt đối của các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn cản Bình Nhưỡng chế tạo vũ khí, khi chúng vẫn có thể được nhập khẩu dưới khai báo là mặt hàng phục vụ dân sự.

Tất nhiên chúng ta đang nói về điện tử dân dụng, không thuộc các cơ chế kiểm soát xuất khẩu hiện có, nhưng chúng hoàn toàn có khả năng được sử dụng trong việc chế tạo vũ khí công nghệ cao.

Những linh kiện điện tử có xuất xứ phần lớn từ Mỹ theo nhận xét cũng đang được Triều Tiên sử dụng cho nhiều loại tên lửa hành trình mà họ sản xuất, trong đó có cả loại Pandasuri-6 nói trên.

Nếu vậy, không loại trừ khả năng chính những thiết bị điện tử của Mỹ và châu Âu đã giúp tên lửa hành trình chống hạm của Triều Tiên đạt được tính năng cao cấp hơn Kh-35U của Nga như một số nhận định trước đó.

Nhưng dĩ nhiên nhận định này sẽ cần thêm một số bằng chứng cụ thể, nhằm xác thực hoặc bác bỏ những gì được giới truyền thông đưa ra trong khoảng thời gian gần đây.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/linh-kien-my-giup-ten-lua-padasuri-6-trieu-tien-manh-hon-kh-35u-nga-post568305.antd