Linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch 5 năm (2021-2025), kế thừa những kết quả đã đạt được, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, thành tựu tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh quán triệt thực hiện hiệu quả phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch năm 2023 đã đề ra trên tất cả các lĩnh vực.

Mặc dù khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, giá xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng cao; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu có diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Nhưng, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực quyết tâm của các lực lượng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; có 22/28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2023 ước đạt 34.506 tỷ đồng, tăng 0,75% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.250 tỷ đồng, bằng 100% dự toán Trung ương giao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao, phát huy lợi thế của tỉnh về phát triển cây ăn quả. Công nghiệp phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, dịch vụ, chú trọng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh, phát triển dịch vụ du lịch.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hoàn thiện, mang tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Sơn La, đoạn qua tỉnh Sơn La; xây dựng đề án xã hội hóa sân bay Nà Sản. Chất lượng và quy mô, diện mạo các đô thị từng bước thay đổi; bộ mặt nông thôn ngày một khang trang. Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình sắp xếp, ổn định dân cư tại huyện Mường La. Ảnh: PV

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năm 2023 đã thực hiện cấp mới 15 dự án vốn đăng ký 2.166 tỷ đồng; cấp điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án số vốn tăng thêm 481,8 tỷ đồng. Tổ chức khánh thành Nhà máy sản xuất phân bón Sông Lam Tây Bắc; Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La và Nhà máy chế biến cà phê Sơn La. Công tác xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng, thực hiện tốt công tác hỗ trợ tiêu thụ, thu mua sản phẩm nông sản, hàng hóa nông sản được tiêu thụ hết với giá cả phù hợp, đảm bảo đời sống nhân dân. Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2023 ước đạt 186,8 triệu USD, tăng 6,9%, trong đó giá trị nông sản tham gia xuất khẩu ước đạt 177,6 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Xi măng và clinker, cà phê, chè, tinh bột sắn và các sản phẩm từ sắn khác, chuối, xoài, chanh leo…

Hoạt động thương mại, du lịch trên địa bàn tỉnh được mở cửa và có nhiều khởi sắc. Khách du lịch đến Sơn La đạt 4,5 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.700 tỷ đồng. Khu du lịch quốc gia Mộc Châu lần thứ 2 được vinh danh là “Điểm đến khu vực hàng đầu châu Á và thế giới”. Tham gia Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 (CAEXPO 2023) tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; tham gia Hội chợ Thương mại quốc tế Trung - Việt (Bằng Tường) lần thứ 29; tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút hàng trăm nghìn lượt nhân dân, du khách tham quan, trải nghiệm; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp triển khai quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử... góp phần tiêu thụ hết các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ. Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông có sự chuyển biến tích cực. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,68%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; 100% trạm y tế xã đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT, có 191/204 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa - xã hội tiếp tục được tăng cường và có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Công tác huy động các nguồn vốn xã hội hóa, hỗ trợ cho người nghèo khó khăn về nhà ở được triển khai tích cực; toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 1.438 nhà với tổng kinh phí hỗ trợ 96 tỷ 746 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm giảm từ 17,83% năm 2022, xuống 14,41%.

Tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện chuyển đổi số. Cổng dịch vụ công tỉnh Sơn La đã liên thông, đồng bộ cả 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã; duy trì tích hợp 538 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia; duy trì và phát triển hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Sơn La (IOC), cơ bản đáp ứng yêu cầu tổng hợp báo cáo tình hình, công tác giám sát, điều hành kinh tế, xã hội của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành. Triển khai hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn.

Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới được giữ vững. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ huyện Sốp Cộp, Quỳnh Nhai và thành phố Sơn La đảm bảo tuyệt đối an toàn; tổ chức diễn tập phương án ứng phó thảm họa cháy lớn khu dân cư năm 2023. Quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán nước ngoài được duy trì, phát triển; mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Sơn La với 9 tỉnh nước CHDCND Lào được củng cố, tăng cường.

Kết quả đạt được năm qua đã khẳng định sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, năng động của các thành phần kinh tế và đoàn kết quyết tâm của nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện nhiệm vụ năm qua cũng còn một số hạn chế, khó khăn: Việc thực hiện một số nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra; công tác huy động, thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế, tiến độ triển khai một số dự án thu hút đầu tư còn chậm; đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn gặp khó khăn; công tác quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng, xử lý ô nhiễm môi trường có mặt còn hạn chế; công tác cải cách hành chính ở một số địa phương, đơn vị chưa thật sự hiệu quả...

Năm 2024, với những cơ hội và thách thức đan xen, để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 theo Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra, tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo ra sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn trong tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, tạo nền tảng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, toàn tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hai là, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Ba là, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, sản phẩm.

Bốn là, phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Năm là, phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ.

Sáu là, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bảy là, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tám là, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.

Bước sang năm 2024, với khí thế mới, toàn tỉnh tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, linh hoạt, sáng tạo quyết tâm vượt qua khó khăn triển khai hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/thoi-su-chinh-tri/linh-hoat-doi-moi-sang-tao-hoan-thanh-thang-loi-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-Jl4nEGKIg.html