Lính công binh mũ nồi xanh

Ngày lên đường tới Phái bộ Lực lượng An ninh lâm thời Liên hợp quốc (LHQ) tại Abyei (Phái bộ UNISFA) của Đội Công binh số 1 dự kiến vào quý I-2022, vì vậy, công việc cuối năm của Đại tá, Đội trưởng Mạc Đức Trọng khá bận.

Chúng tôi tranh thủ gặp khi anh vừa trở về sau chuyến khảo sát địa bàn khu vực Abyei và đang bận rộn đón đoàn kiểm tra tiền triển khai của Liên hợp quốc (PDV) đối với Đội Công binh. Đoàn PDV đánh giá, các trang thiết bị của Đội Công binh số 1 đều trong tình trạng tốt nhất, nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp về kỹ năng quân sự, chuyên môn gìn giữ hòa bình (GGHB) cũng như chuyên môn nghiệp vụ và Đội Công binh Việt Nam đã sẵn sàng để triển khai tới Abyei.

Thực địa càng khắc nghiệt, huấn luyện càng phải khó

Là sĩ quan GGHB LHQ đầu tiên của Việt Nam được triển khai tham gia hoạt động GGHB LHQ ở Phái bộ Nam Sudan, Đội trưởng Mạc Đức Trọng không mấy khó khăn để hình dung trước những thách thức ở địa bàn mới. Abyei dồi dào tài nguyên dầu mỏ là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan nên luôn tiềm ẩn những tình huống bất ngờ về an ninh. Vì thế, bảo vệ đơn vị là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Trong huấn luyện tiền triển khai, các tình huống huấn luyện bảo vệ an toàn đơn vị luôn được đặt ở mức cao nhất, khó nhất, đó là buộc phải nổ súng để khống chế các phần tử quá khích tấn công sau khi thương lượng không thành công. Dựa trên kinh nghiệm thực tế của các sĩ quan Việt Nam từng công tác tại Trung Phi và Nam Sudan, phân đội bảo vệ đã huấn luyện tình huống giơ cao lá cờ đỏ sao vàng và hô to: “Chúng tôi là Quân đội nhân dân Việt Nam. Việt Nam là bạn. Việt Nam-Hồ Chí Minh!”. Đất nước Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh được các nước châu Phi ngưỡng mộ với kỳ tích thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Các tình huống vận dụng võ thuật, chiến thuật cấp tổ, tiểu đội, trung đội cũng được đưa vào huấn luyện. Phân đội bảo vệ của Đội Công binh số 1 bao gồm các thành viên có khả năng tác chiến rất cao, trình độ võ thuật của từng cá nhân đều rất tốt. Trong số các phân đội thực hiện chức năng, nhiệm vụ khác nhau, đa phần đều sẽ phải cơ động khỏi doanh trại như phân đội cầu đường, bảo vệ, quân y, kỹ thuật vận tải. Phân đội bảo vệ của Đội Công binh số 1 phải chia ra để bảo vệ doanh trại và bảo vệ phân đội cầu đường trong suốt quá trình cơ động làm nhiệm vụ ở xa.

Các thành viên Đội Công binh số 1.

Các thành viên Đội Công binh số 1.

Quan hệ tốt với người dân để làm tốt nhiệm vụ

Trong Đội Công binh số 1, một số thành viên nữ đảm nhận công việc tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu của người dân bản địa hoặc thương thuyết, hòa giải. Thượng tá Nguyễn Thị Liên với khả năng tiếng Anh tốt nên chị gần như có mặt trong tất cả các tình huống huấn luyện phát sinh đụng độ cần tới kỹ năng thương thuyết, hòa giải. Nhiệm vụ chính của chị là phụ trách công tác quân dân kết hợp và dân vận.

Chị Liên chia sẻ: “Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều hoạt động phúc lợi, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Điều chị băn khoăn là khi mới sang, phải làm sao tạo được sự tin cậy và thiện cảm của người dân. Có như vậy mới nắm bắt được các nhu cầu của họ và kết nối với các cơ quan chức năng của phái bộ để bộ đội ta giúp dân.

Chị Liên đã chuẩn bị một số loại hạt giống để mang sang Abyei hướng dẫn người dân cách trồng trọt, bóng chuyền hơi và cả bao cao su để làm công việc vận động kế hoạch hóa gia đình. Bật mí về “dự án ứng dụng nhanh” giúp dân, chị cho biết đó có thể là nước sạch, làm bàn ghế từ các vật liệu duy trì của đơn vị. Chị Liên bày tỏ: “Những người lính mũ nồi xanh phải cùng chia sẻ, thậm chí phải cùng trải nghiệm cuộc sống khó khăn của họ. Làm sao để được họ tin, quý cũng là cách bảo vệ mình an toàn và hoàn thành nhiệm vụ”.

“Vạn sự khởi đầu nan”

Đại tá Mạc Đức Trọng cũng chia sẻ thêm về hành trình tới Abyei. Hành trình gần như là duy nhất từ thủ đô Khartoum tới Kadugli của Sudan rồi mới tới được Abyei. Vượt qua gần 1.000km, các sĩ quan trong đoàn khảo sát cũng tới được nơi cần tới trên một chiếc trực thăng đáp tại bãi đỗ duy nhất. Thông thường, mỗi ngày chỉ có một chuyến bay chở tối đa 20 người. Theo dự kiến, sau khi sang địa bàn, thời gian đầu, Đội Công binh số 1 phải dựng lều ở tạm cho đến khi hoàn thành việc xây dựng các nhà ở lắp ghép kiểu container. LHQ trước đây yêu cầu Đội Công binh Việt Nam phải tự bảo đảm hậu cần trong 42 ngày đầu tới địa bàn, nhưng sau giảm chỉ còn 12 ngày và LHQ sẽ cung cấp thực phẩm để đội tự nấu.

Phân đội cầu đường có 36 người nhưng bảo đảm khoảng 300km đường đất là cả một khối lượng công việc không hề đơn giản. Đường sá ở Abyei chủ yếu là đường đất. Nhiệm vụ chủ yếu của Đội Công binh số 1 sẽ là làm đường dã chiến, sửa chữa đường dân sinh, lưỡng dụng, bãi đỗ trực thăng, làm nhà lắp ghép... Cứ sau mỗi mùa mưa, những con đường đất bị phá hủy hoàn toàn, đất bị chảy nhão nên phải làm lại gần như từ đầu, nhưng không phải lúc nào cũng làm ngay được, phải đợi trời khô ráo hẳn mới có đất khô rắn để đắp vì hầu như không có nguyên vật liệu gì khác. “Các lực lượng trên đường tuần tra gặp đoạn khó đi, sa lầy phải cứu kéo, nếu họ yêu cầu, chúng tôi sẽ lên đường ngay”, Đội trưởng Đội Công binh số 1 cho biết.

"Vạn sự khởi đầu nan", những khó khăn, vất vả trong lần đầu tiên tham gia sứ mệnh GGHB của những người lính công binh mũ nồi xanh là không thể tránh khỏi. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, mặc dù mới lần đầu tham gia sứ mệnh nhiều thử thách nhưng những người lính công binh tràn đầy tự tin sẽ phát huy truyền thống “mở đường thắng lợi” cũng như những thành quả tốt đẹp trong tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam, để đảm đương tốt sứ mệnh vinh quang nhưng đầy thử thách đang chờ phía trước.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-quan-doi-nhan-dan-xuan-nham-dan/bao-quan-doi-nhan-dan-xuan-nham-dan/linh-cong-binh-mu-noi-xanh-684194