Liệu Mỹ và Trung Quốc có đánh nhau?

SGTT.VN - Trong quyển sách ăn khách Thế giới một trăm năm tới, tác giả George Friedman - tổng giám đốc công ty nghiên cứu chiến lược Stratfor - kết luận: "hầu như mọi dự báo lớn về thế kỷ 20 đều sai". Vì vậy, lập luận nhằm trả lời câu hỏi trên chỉ có ý nghĩa tương đối.

Quan sát hải quân Mỹ và hải quân Hàn Quốc thao diễn trong biển Nhật Bản, thấy hàng không mẫu hạm USS George Washington đóng vai chính. Mỹ còn báo trước lần sau sẽ tập trận trong biển Hoàng Hải. Biển này nằm giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, máy bay F-18 từ mẫu hạm có thể bay tới Bắc Kinh rồi trở về. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối nhưng Mỹ phớt lờ. USS George Washington là chiếc tàu lớn nhất của Hải quân Mỹ, hoạt động trong vùng biển từ Nhật Bản tới Singapore. Tàu này diện tích 18.000 m2 và đường băng dài hơn 300 mét (khoảng 3 sân bóng đá nối lại). Tàu có sức chở 6.250 quân; có thể dọn 18.000 bữa ăn mỗi ngày với bốn máy lọc nước sản xuất 1,5 triệu lít nước; bốn thang máy dùng vào việc đưa 80 chiếc máy bay từ hầm lên sân bay hoặc ngược lại. Người tiêu dùng Trung Quốc tại một siêu thị Wal-Mart ở Quảng Châu. Nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ vẫn đang gắn chặt với nhau, nên khó có thể đưa đến một cuộc đối đầu quân sự. Ảnh: AP Trung Quốc cũng đang lắp ráp hàng không mẫu hạm, chiếc đầu tiên mua lại của Ukraine đang được cải tiến để người Trung Hoa học phương pháp chế tạo. Phải mất một vài thế hệ nữa họ mới có được một lực lượng hải quân tương đương với Mỹ. Trong khi chờ đợi, họ chế tạo các vũ khí nhằm hạn chế khả năng hành động của Mỹ. Trung Quốc đã sản xuất một loại hỏa tiễn Đông Phong mới (Dong Feng 21D), đến cuối năm nay sẽ được bắn thử lần cuối cùng. Tên lửa này bay với tốc độ gấp 10 lần âm thanh và có khả năng bắn trúng chính xác hàng không mẫu hạm di chuyển ở cách xa 1.500 cây số. Tầm bắn này có thể ngăn chặn tàu chiến ngoại quốc từ khoảng cách rất xa, trước khi chúng tới gần được bờ biển Trung Quốc. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nói trước một đại hội Không quân rằng Hải quân Trung Quốc còn lâu mới có thể so sánh với Mỹ, nhưng ngay bây giờ họ có thể đe dọa sự vận chuyển và giảm bớt ưu thế chiến lược của Mỹ. Từ đầu năm 2010, Trung Quốc đã thí nghiệm thành công loại hỏa tiễn phòng thủ có thể bắn hạ những hỏa tiễn đang bay tấn công họ. Ngân sách quân sự của Trung Quốc lên tới gần 80 tỉ đô la Mỹ, nhưng cũng chưa lớn bằng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cộng lại. Riêng một vụ bán vũ khí cho Đài Loan mà tổng thống Obama mới ký cũng trị giá trên 6 tỉ đô la rồi. Sức mạnh vũ khí của không quân Trung Quốc chỉ bằng 1/10 của Mỹ, và xấp xỉ bằng Nhật Bản. Chính phủ Mỹ mới cho “về hưu” một chiếc hàng không mẫu hạm, số tàu sân bay nay chỉ còn 10 chiếc, nhưng vẫn gấp 10 lần Trung Quốc. Số tàu ngầm của Trung Quốc ít hơn của Mỹ, tuy rằng lớn gần gấp đôi tổng số của Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan. Với tương quan lực lượng như vậy, chắc những người lãnh đạo Trung Quốc chưa vội quyết định gây hấn với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Lý do lớn nhất để hai nước không đánh nhau là các quyền lợi kinh tế của họ gắn bó chặt chẽ. Mỗi ngày công ty Wal Mart nhập cảng một tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc để bày bán khắp nước Mỹ. Tiền do dân tiêu thụ ở Mỹ trả đã không được đưa tới tay người lao động Trung Quốc mà một số lớn được đem trở về Mỹ. Vì Bắc Kinh đang cầm trong tay những giấy nợ trị giá 800 tỉ đô la của chính phủ Mỹ, chưa kể các món đầu tư vào các ngân hàng và công ty của Mỹ. Bắc Kinh không thể nào rút hết các “món nợ” đó về, vì chính họ sẽ bị mất hàng trăm tỉ đô la nếu các chứng khoán đó mất giá trên thị trường khi đem bán nhiều quá. Nhưng lý do quan trọng nhất khiến Trung Quốc không muốn gây chiến tranh là nền kinh tế của họ còn rất mong manh. Đằng sau những con số về GDP tăng trưởng là những chính sách không thể kéo dài được vì thiếu quân bình và quá tùy thuộc thị trường xuất cảng. Chủ trương bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước khiến cho tài nguyên đất nước bị phí phạm. Trong khi đó hai nền tảng của sự thịnh vượng hiện nay đang bắt đầu yếu dần. Đó là số nhân lực rẻ và dân chúng phải tiết kiệm với một tỷ lệ quá cao. Dân số Trung Hoa đang thay đổi, số người trong tuổi lao động giảm dần, số người già tăng lên. Chi tiêu cho những người về hưu sẽ gia tăng, làm giảm bớt số tiết kiệm chung của xã hội. Khi bị mất hai “lợi thế tương đối” nói trên, kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại. Với tình trạng kinh tế còn đang phát triển và dựa vào xuất cảng, Trung Quốc không thể nào gây chiến tranh mà không bị các nước khác trừng phạt. Chỉ cần Nhật Bản, Mỹ và châu Âu cấm vận trong một thời gian ngắn là đủ khiến kinh tế Trung Quốc ngưng chạy. Chế độ sẽ sụp đổ nếu kinh tế không tiếp tục tăng lên như hiện nay.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/goc-nhin/128231/lieu-my-va-trung-quoc-co-danh-nhau.html