Liệu Israel có thể nhổ tận gốc Hamas?

Nhiều thành viên cấp cao của chính phủ Israel, bao gồm cả Thủ tướng Benjamin Netanyahu đều nhất quyết sẽ 'loại bỏ' Hamas. Nhưng các nhà phân tích quân sự đã trả lời rất ngắn gọn cho câu hỏi liệu có khả năng nhỏ tận gốc lực lượng Hamas, đó là: 'Không'.

Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 7/12. Ảnh: THX/TTXVN

Chiến dịch quân sự của Israel có thể làm giảm năng lực của Hamas nhưng việc đánh bại hệ tư tưởng của lực lượng này là bất khả thi nếu không có giải pháp chính trị.

Trên một số kênh truyền hình Israel, những khẩu hiệu như "cùng nhau chúng ta sẽ chiến thắng" xuất hiện thường xuyên. Israel đã ném bom Dải Gaza, nơi sinh sống của hơn hai triệu người Palestine, kể từ cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10. Israel cũng phát động một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza, ngăn cung cấp thực phẩm, nước và điện vào dải đất này.

Nhưng liệu thực sự có thể loại bỏ hoàn toàn Hamas và chiến thắng trong tình huống như thế này? Kênh DW (Đức) cho biết các chuyên gia đã nhiều lần trả lời là không.

Chuyên gia về Trung Đông tại Viện An ninh và Quốc tế Đức – ông Guido Steinberg cho biết Hamas có khoảng 20.000-30.000 thành viên. Hamas không công nhận nhà nước Israel. Lực lượng này tin rằng tôn giáo phải là nền tảng của bất kỳ chính phủ Palestine nào. Theo ông, Hamas là một phong trào xã hội được ủng hộ rộng rãi ở Dải Gaza và đó là “vấn đề về lâu dài”.

Hamas trên thực tế đã nắm quyền kiểm soát Gaza kể từ năm 2007, một bộ phận chính quyền của lực lượng này có mạng lưới phúc lợi xã hội được gọi là "dawah". Mạng lưới dân sự này có khoảng 80.000-90.000 thành viên. Dawah có nghĩa là "kêu gọi" hoặc "lời mời" và được định nghĩa trong lịch sử là một cách kêu gọi hoặc mời thêm nhiều tín đồ đến với đức tin của mình thông qua tiếp cận xã hội.

Binh sĩ Israel tham gia chiến dịch tấn công trên bộ ở Dải Gaza ngày 7/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Giáo sư Rashid Khalidi tại Đại học Columbia (Mỹ) vào cuối tháng 10 phân tích với tờ báo Tây Ban Nha El Pais rằng Isreal muốn xóa bỏ vai trò một thể chế, một cấu trúc chính trị, tôn giáo và văn hóa cũng như một cấu trúc quân sự của Hamas. Và ông Khalidi cho rằng Israel không thể thực hiện hai điều đầu tiên. Ông lập luận rằng dù Israel có tiêu diệt được lãnh đạo hoặc các tay súng của Hamas thì Hamas vẫn sẽ là một lực lượng chính trị. Tuy nhiên, ông Khalidi tin rằng Israel có thể làm suy yếu năng lực quân sự của Hamas.

Quân đội Israel đứng thứ 18 trên 145 quốc gia trong danh sách năm 2023 của Global Firepower về sức mạnh vũ trang. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm báo cáo rằng năm 2022 Israel đã chi 4,5% thu nhập quốc gia cho quốc phòng - nhiều hơn Mỹ và Đức vốn lần lượt chi 3,5% và 1,4%.
Do đó, Israel chắc chắn có đủ nguồn lực để làm suy yếu Hamas và truy lùng các thủ lĩnh của lực lượng này.

Mặc dù chưa thể xác minh độc lập nhưng chính phủ Israel gần đây cho biết họ đã tiêu diệt khoảng 5.000 đến 7.000 thành viên Hamas. Các chuyên gia tại tổ chức phi lợi nhuận International Crisis Group trụ sở tại Bỉ trong tháng 12 phân tích: “Một số quan chức phương Tây tin rằng cuộc tấn công của Israel cho đến nay, kết hợp với an ninh biên giới được nâng cao, đã đảm bảo rằng Hamas sẽ không tiến hành một cuộc tấn công khác giống như vụ ngày 7/10”.

Cựu đặc phái viên của Mỹ tại Trung Đông - ông Dennis Ross viết trong một bài bình luận trên tờ New York Times vào tháng 10: “Tương tự như điều Hamas đã làm sau các cuộc xung đột với Israel vào năm 2009, 2012, 2014 và 2021, lực lượng này gần như chắc chắn sẽ tái vũ trang và khôi phục”. Do đó, ông phản đối lệnh ngừng bắn cho đến khi Hamas bị tước bỏ quyền lực.

Chuyển em nhỏ bị thương sau vụ oanh tạc của Israel tới bệnh viện ở thành phố Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza ngày 5/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Justin Crump, người đứng đầu Sibylline - công ty tư vấn phân tích rủi ro, cho biết: "Quân đội Israel có thể loại bỏ giới lãnh đạo Hamas, phá hủy các cơ sở phóng tên lửa. Nhưng họ sẽ không loại bỏ được tư tưởng của Hamas”. Ông Crump nói với DW rằng việc tiêu diệt Hamas bằng biện pháp quân sự là vô nghĩa bởi trong khi một số người Gaza quay lưng lại với Hamas, những người khác lại thông cảm với lực lượng này. Họ sẽ phẫn nộ với Israel và điều đó có thể thúc đẩy chu kỳ bạo lực như mọi khi, trừ khi có một sự thay đổi rất lớn.

Theo Cơ quan y tế Gaza, hơn 18.000 người đã thiệt mạng và hơn 49.500 người bị thương tại dải đất này kể từ hôm 7/10. Ngày 8/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hối thúc cộng đồng quốc tế nỗ lực hết sức nhằm chấm dứt nỗi khổ mà người dân Dải Gaza đang phải chịu đựng. Xung đột đã khiến hơn 60% nhà cửa tại Gaza bị phá hủy hoặc hư hại, khoảng 85% dân số phải di tản

Các chuyên gia của International Crisis Group đánh giá: “Thủ tướng Netanyahu tuyên bố rằng tiêu diệt Hamas sẽ tạo điều kiện để Gaza từ bỏ cực đoan đến với quan điểm ôn hòa hơn, nhưng điều ngược lại có thể xảy ra. Chiến dịch đang diễn ra và hậu quả của nó sẽ tạo ra hình thức chiến đấu mới, có lẽ gan lì hơn”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/lieu-israel-co-the-nho-tan-goc-hamas-20231212172156214.htm