Liên tục hành động để thực hiện lời hứa

Hôm nay (5-10), tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn - Hiệu quả - Bền vững”. Đây là công việc không mới nhưng liên tục được Bộ Công Thương kiên trì thực hiện suốt 2 năm qua. Điều này khiến dư luận xã hội nhớ đến một lời hứa của Bộ trưởng Bộ Công Thương trước Quốc hội cuối năm 2016...

Thực trạng nhức nhối và lời hứa

Những bất cập, yếu kém trong quy hoạch, xây dựng thủy điện ở nước ta từng gây ra những hậu quả nhức nhối, làm nóng nghị trường Quốc hội nhiều năm liền. Bảy tháng sau khi đảm nhiệm trọng trách, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã phải trả lời nhiều câu hỏi chất vấn gay gắt tại Quốc hội.

Ngày 15-11-2016, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, đề cập tới việc xả lũ bất ngờ tại Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh), An Khê (Gia Lai)...., đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) thẳng thắn phê phán: “Chưa bao giờ tính mạng con người lại mỏng manh trước thiên tai đến thế - chết người, trắng tay, hệ quả từ những sai phạm trong quy trình vận hành các công trình thủy điện. Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ hướng xử lý...”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhắc lại quan điểm của Đảng, Nhà nước: “Không phát triển thủy điện bằng mọi giá”. Qua kiểm tra, Bộ Công Thương thấy quy trình có, nhưng việc chấp hành quy trình máy móc và không bảo đảm. Đại biểu Trần Thị Dung tái chất vấn: “Xả lũ bất ngờ, không báo trước, đặc biệt như Thủy điện Hố Hô, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh hoàn toàn không biết... Vậy quy trình đúng hay sai, xử lý như thế nào để tới đây người dân không là “nạn nhân” của quy trình đó?”.

Bộ trưởng thừa nhận “cũng có những vấn đề về bảo đảm an toàn hạ du” và cam kết phương hướng khắc phục: Sẽ kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt các quy trình xả lũ, cũng như quy định pháp lý liên quan đến bảo đảm an toàn của địa phương khi thực hiện xả lũ của thủy điện…

Kiên quyết khắc phục, 8 việc lớn cần làm

Nói đi đôi với làm, chỉ một thời gian rất ngắn sau kỳ họp Quốc hội, ngày 10-2-2017, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương trong lĩnh vực thủy điện tại Quyết định số 396/QĐ-BCT. Theo nội dung kế hoạch này, Bộ Công Thương xác định 8 công việc lớn phải làm. Trong đó, nổi lên các công việc như: Rà soát, đánh giá tổng thể để sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, Quy chuẩn kỹ thuật, Tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng, chất lượng công trình, vận hành, khai thác, an toàn đập thủy điện. Đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý chất lượng các dự án/công trình thủy, tìm ra các tồn tại, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ chất lượng công trình thủy điện. Rà soát kỹ nội dung các Quy trình vận hành (QTVH) hồ chứa thủy điện; đánh giá tình hình thực hiện các quy định tại QTVH, bổ sung các quy định liên quan... Tổ chức thực hiện, tổng hợp tình hình thực hiện và đánh giá kỹ nội dung các phương án: Phòng, chống lụt bão bảo đảm an toàn đập; Phòng, chống lũ lụt vùng hạ du do xả lũ, vỡ đập và Bảo vệ đập tại các công trình thủy điện... Rà soát, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về điều kiện cấp và duy trì Giấy phép hoạt động điện lực của các nhà máy thủy điện. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền... Mốc thời gian được xác định rõ phải hoàn thành hầu hết công việc trong năm 2017, trừ các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ hoàn thành trong năm 2018.

Chủ động liên tục hành động

Ngày 17-3-2017, lần đầu tiên Hội nghị toàn quốc về vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện do Bộ Công Thương tổ chức diễn ra tại Đà Nẵng. Hàng loạt vấn đề từ cơ chế chính sách đến thực tiễn cần giải quyết đã được bàn thảo để đi tới những chủ trương, giải pháp quản lý hiệu quả hơn.

Ngày 3-4-2017, ít ngày sau hội nghị quan trọng này, Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra gồm Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Cục Điều tiết điện lực, các sở công thương tiến hành kiểm tra hàng loạt nhà máy thủy điện trên địa bàn 3 tỉnh: Nghệ An, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Qua kiểm tra, nhiều công trình đã phải khắc phục ngay những tồn tại như: Một số vị trí tại mái đập hạ lưu phía gần vai trái bị thấm nhẹ và xử lý khe các tấm file cửa van xả tràn bị rò nước; chưa phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền trước khi xả nước; chưa lắp đặt còi báo hiệu...

Ngày 4-8-2017, tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), Nhà máy Thủy điện Hố Hô phối hợp với huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) tổ chức diễn tập phòng tránh thiên tai tại nhà máy và vùng hạ du. Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc nhà máy cho biết, điểm nổi bật năm nay là nhà máy không diễn tập độc lập mà ghép với các địa phương để sát hơn với các tình huống thực tiễn. Đó cũng là sự thay đổi nhận thức sau khi Bộ Công Thương tăng cường chấn chỉnh quản lý.

Sau hơn 3 năm (2013-2016) thực hiện rà soát quy hoạch theo Nghị quyết 62 của Quốc hội, đã có 471 dự án thủy điện, trong đó có 8 dự án thủy điện bậc thang và 463 dự án thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch. Ngoài những dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch, Bộ Công Thương cũng không xem xét bổ sung quy hoạch 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Tính đến hết tháng 6-2017, công tác rà soát thủy điện nhỏ về cơ bản đã tương đối đầy đủ, chi tiết trên phạm vi cả nước, bảo đảm các yêu cầu theo Nghị quyết 62 của Quốc hội. Tổng thể quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn toàn quốc sau rà soát là 713 dự án. Hiện Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng rà soát, xử lý bất cập các dự án thủy điện trên địa bàn Tây Nguyên.

Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương phối hợp và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo. Cuối tháng 7-2017, Tổng cục Năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị toàn quốc với chủ đề: "Phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo".

Với việc tổ chức Hội thảo khoa học “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn - Hiệu quả - Bền vững”, Bộ Công Thương một lần nữa thể hiện tinh thần hành động để thực hiện lời hứa trước Quốc hội về bảo đảm phát triển năng lượng an toàn và bền vững, vì cuộc sống của người dân. Được biết, hội thảo sẽ thu hút hơn 400 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương để tiếp tục đưa ra những chủ trương, giải pháp, kiến nghị, giải quyết kịp thời hai vấn đề nóng về năng lượng ở nước ta. Đồng thời, qua đó cũng giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội để có nguồn năng lượng an toàn, bền vững, phát triển - cần sự chung tay của toàn xã hội chứ không phải công việc của riêng ngành Công thương.

Báo Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục cập nhật kết quả của hội thảo trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử.

NGUYÊN MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lien-tuc-hanh-dong-de-thuc-hien-loi-hua-519671