Liên tiếp sai phạm trong xuất bản sách

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ sách sai phạm phải ngừng phát hành, thu hồi làm dấy lên lo ngại về một thị trường xuất bản với những 'căn bệnh' cố hữu; trong đó liên kết xuất bản vẫn là vấn đề nổi cộm.

90% số vi phạm thuộc sách liên kết xuất bản

Trong hai ngày 26 và 27-6, Cục Xuất bản, In và Phát hành có công văn gửi Nhà Xuất bản (NXB) Hội Nhà văn yêu cầu đình chỉ phát hành và thu hồi hai cuốn sách. Thứ nhất, là cuốn Ði tìm sự thật của tác giả Trần Nhuận Minh, bị đình chỉ phát hành để thẩm định lại nội dung, vì trong đó có một số ý kiến của tác giả về lịch sử không phù hợp, nội dung sách khi xuất bản không như đăng ký (Trước đó ít ngày, tập thơ Thành phố dịu dàng cũng của tác giả này và NXB Hội Nhà văn phát hành đã bị thu hồi, tiêu hủy). Thứ hai, là quyết định yêu cầu không phát hành và thu hồi cuốn sách Một cơn gió bụi (Kiến văn lục) của tác giả Trần Trọng Kim, do NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Books phát hành, do NXB đăng ký xuất bản cuốn sách Một cơn gió bụi với thể loại là thơ văn, nhưng khi sách được xuất bản lại là thể loại khác và tóm tắt nội dung không như đăng ký. Ngoài ra, nội dung cuốn sách đã bị sai lệch, vi phạm Luật Xuất bản khi có nhiều chi tiết, đánh giá không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng. Ðại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, NXB Hội Nhà văn là đơn vị để xảy ra nhiều sai phạm trong ba năm gần đây. Riêng trong hai năm 2015-2016, đã có 70 xuất bản phẩm có sai phạm…

Theo thống kê của ngành xuất bản, số xuất bản phẩm vi phạm bị xử phạt đang tăng dần. Cụ thể, năm 2012 có 51 xuất bản phẩm vi phạm, năm 2015 con số này là 128. Và trong năm 2016, 179 trường hợp bị xử lý, trong đó 114 cuốn sách vi phạm nội dung; sáu cuốn mạo danh NXB, in, nhập lậu và lưu hành bất hợp pháp; 59 cuốn có những vi phạm khác. Có chín quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 235 triệu đồng; điển hình là quyết định xử phạt Công ty TNHH thương mại và in bao bì Hải Chiến số tiền 140 triệu đồng, vì đã in cuốn My Phonics Grade 1 - Activity book (giáo trình tiếng Anh cho trẻ em) không có giấy phép. Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, hiện nay có khoảng 80 - 90% số đầu sách mỗi năm là sách liên kết. Và 90% số sai phạm thuộc về sách liên kết xuất bản. Dù được thực hiện trên danh nghĩa liên kết xuất bản nhưng các khâu từ chọn bản thảo, biên tập đến in ấn, phát hành đều do các đơn vị tư nhân thực hiện; NXB chỉ cấp giấy phép. Vì vậy, liên tiếp những cuốn sách sai sót cả về câu chữ, chính tả đến nội dung đã lọt ra thị trường. Có thể thấy, việc các NXB chạy theo lợi nhuận, buông lỏng quản lý, phó thác cho đơn vị liên kết là thực trạng khá phổ biến. Mặt khác, một số biên tập viên (BTV) yếu kém về nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, thiếu thông tin và nhạy bén trước những vấn đề có tính nhạy cảm. Bên cạnh đó, công tác kiểm duyệt chủ yếu vẫn là hậu kiểm; bởi hầu hết sách sai phạm được xuất bản và lưu hành trên thị trường một thời gian dài mới bị phát hiện, chủ yếu nhờ dư luận bạn đọc và báo chí.

Cần "thuốc" đặc trị

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2016, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 2.201 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2015; nộp ngân sách hơn 68 tỷ đồng, tăng 1,2% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế gần 149 tỷ đồng, tăng 48,5% so với năm 2015. Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT), ngành xuất bản vẫn còn nhiều khó khăn. Phần lớn các NXB hoạt động kinh doanh cầm chừng, thậm chí thua lỗ, dẫn đến tình trạng bị đối tác liên kết chi phối, không kiểm soát được các quy trình liên kết xuất bản; một số cơ quan chủ quản chưa quan tâm, đầu tư đúng mức nên đến nay vẫn còn 21 NXB (trong tổng số 61 NXB trên cả nước) không bảo đảm được các điều kiện để duy trì hoạt động. Tình trạng in lậu chưa giảm, chiết khấu giá sách bị đẩy lên cao, tạo cơ hội cho sách giả, sách lậu phát triển. Số tác phẩm có giá trị chiếm tỷ lệ chưa cao…

TS Ðỗ Quang Dũng, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, nêu thực trạng đáng báo động: Ở hầu hết NXB, nhiều BTV, thậm chí cả lãnh đạo đơn vị cũng có quan niệm rằng, chỉ khi sách bị cơ quan chức năng "tuýt còi" do vi phạm nghiêm trọng về nội dung chính trị, tư tưởng… mới đáng lo (!). Ðánh giá về đội ngũ BTV, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng cho rằng, họ còn rất trẻ, có lợi thế về trình độ khoa học công nghệ, ngoại ngữ, nhưng khả năng xử lý vấn đề phức tạp trong bản thảo còn non kém. Vì vậy, một trong những công việc trọng tâm của Hội sắp tới là chăm lo bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ này, để BTV đủ khả năng, trình độ thẩm định và đánh giá tác phẩm; cẩn trọng, tỉ mỉ, cầu thị trong công việc biên tập; có khả năng nắm bắt thị trường, nhanh nhạy với xu hướng, thị hiếu của độc giả. Ðặc biệt, cần nhạy cảm trong phát hiện, kiên quyết loại bỏ những nội dung, lệch lạc về chính trị, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục…

Một trong những nguyên nhân khiến sai phạm trong liên kết xuất bản tồn tại dai dẳng là bởi lâu nay, việc xử lý sai phạm còn theo kiểu "giơ cao, đánh khẽ". Mức xử phạt chưa đủ răn đe, số tiền phạt nhỏ hơn nhiều so với lợi nhuận thu được, cho nên một số đơn vị cố tình làm sai và tái phạm nhiều lần. Khẳng định sự gia tăng sách sai phạm trong tháng 6 vừa qua, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa cho biết, Cục đã có công văn yêu cầu các NXB rà soát chặt chẽ nội dung sách trước khi phát hành; đồng thời tăng cường nâng cao trình độ, trách nhiệm của các BTV. Những NXB vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền theo Luật Xuất bản, thậm chí đóng cửa (trước đây, từng có NXB bị phạt một tỷ đồng và đóng cửa vĩnh viễn); các BTV có nhiều sai phạm sẽ bị tước thẻ hành nghề. Trong nội dung tham mưu cho Chính phủ về kiện toàn các NXB, Cục đề xuất chủ trương kiên quyết cho ngừng hoạt động với các đơn vị thành lập NXB chỉ nhằm liên kết bán giấy phép. Luật Xuất bản quy định, khi xử lý sai phạm của NXB sẽ đồng thời xử phạt cả đối tác liên kết ở mức như nhau; với những đơn vị sai phạm không khắc phục sẽ kiên quyết dừng không cho liên kết. Ðồng thời, yêu cầu mỗi NXB phải có số lượng BTV cơ hữu nhất định, phải qua lớp đào tạo và được cấp chứng chỉ của Bộ TT và TT. Bên cạnh đó, đại diện ngành xuất bản cũng cho rằng, để hạn chế sai sót, rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan trong triển khai đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách để giúp các NXB có đủ tiềm lực, không lệ thuộc vào đối tác liên kết.

Chỉ thị về công tác thông tin và truyền thông năm 2017 của Bộ trưởng TT và TT ban hành ngày 3-1-2017, nêu rõ: Cục Xuất bản, In và Phát hành cần nghiên cứu, xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các NXB, các cơ sở in, phát hành; tăng cường giải pháp giải quyết tình trạng in lậu, hàng giả. Từ thực tiễn công tác thanh tra, xử lý vi phạm, Cục cần chú ý phát hiện lỗ hổng trong văn bản, chính sách, tránh chồng chéo, bất hợp lý để điều chỉnh phù hợp thực tế. Ðẩy mạnh công tác phối hợp các cơ quan liên quan rà soát điều kiện hoạt động, quy trình xuất bản, chấn chỉnh quy trình hoạt động của các NXB, nhất là hoạt động liên kết xuất bản; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống in lậu… Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng hai nghị định mới để trình Chính phủ ban hành trong năm 2017 về nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực, trong đó có báo chí, xuất bản.

PHƯƠNG LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33625902-lien-tiep-sai-pham-trong-xuat-ban-sach.html