Liên tiếp các đợt không khí lạnh tăng cường, chuyên gia đưa ra cảnh báo đáng sợ

Theo thống kê từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ năm 2017 đến 2021 không có đợt rét đậm nào trong thời kỳ nửa cuối tháng 2. Đến năm 2022 xảy ra rét đậm 4 ngày trong thời kỳ nửa cuối tháng 2 là dài nhất.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay (27/2), không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến thời tiết ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Ở Bắc vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc cấp 6, giật cấp 7. Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông cấp 6, giật cấp 8.

Ngày 27-28/2, ở miền Bắc nhiệt độ ban ngày có thể tăng dần lên ngưỡng trên dưới 20 độ C, thời tiết vẫn lạnh. Dự báo từ khoảng đêm 29/2 sang ngày 01/3 Bắc Bộ sẽ chịu tác động của một đợt gió mùa Đông Bắc mới, nên nhiều khả năng 2 ngày cuối tuần và đầu tuần tới ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa sẽ tái xuất hiện tình trạng rét đậm diện rộng.

Không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm sâu, bệnh nhân tăng cao, có nơi tăng gấp đôi. Tại khoa khám bệnh Bệnh viện Lão khoa trung ương (Hà Nội), hàng dài người dân xếp hàng chờ khám. Theo bác sĩ Hà Thị Vân - phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Lão khoa trung ương, những ngày qua ghi nhận số bệnh nhân nhập viện tăng lên rõ rệt.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ hạ sâu (Ảnh minh họa)

"Trung bình khoa khám bệnh có khoảng 8-10 bệnh nhân nhập viện thì những ngày qua số bệnh nhân phải nhập viện tăng gấp đôi, khoảng 16-20 chủ quan nhập viện mỗi ngày. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu do huyết áp dao động nhiều, đợt suy tim cấp, viêm phổi, đau thần kinh tọa nặng", bác sĩ Vân thông tin.

Bên cạnh các bệnh lý liên quan đến hô hấp, tim mạch, đột quỵ, thời tiết rét đậm, rét hại cũng khiến nhiều người bị liệt dây thần kinh số 7. Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) gần đây mỗi ngày tiếp nhận 3 - 5 bệnh nhân nhập viện do liệt dây thần kinh số 7, trong đó có cả người cao tuổi và người trẻ.

Theo bác sĩ Đoàn Văn Phúc - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trưởng khoa thần kinh, có đến 70-80% người bệnh liệt dây thần kinh số 7 là do chủ quan, không giữ ấm đủ khi thời tiết rét đậm.

Qua khai thác dịch tễ, nhiều người trẻ vừa tắm xong đã ra ngay khu vực không kín gió. Hay có trường hợp tập thể dục buổi sáng nhưng ăn mặc phong phanh rồi bị nhiễm lạnh… dẫn đến liệt dây thần kinh số 7.

"Để phòng tránh, người dân cần mặc ấm, thời tiết hạ sâu như những ngày qua không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm. Khi tắm xong cần lau khô, giữ ấm ngay", bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ hạ sâu. Đặc biệt, khám sức khỏe định kỳ, theo dõi các bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch… Khi có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cục Quản lý môi trường y tế lưu ý, khi trời chuyển lạnh, người dân khi xuất hiện các triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay... cần giữ ấm cơ thể ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.

Thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim do vậy với người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa; nên kiểm tra, theo dõi huyết áp thường xuyên kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp…

Khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt, nhất là người già, gầy ốm, bị bệnh mãn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh. Run rẩy là một dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt vì vậy cần phải sưởi ấm ngay; khi bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Quỳnh Chi (Tổng Hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lien-tiep-cac-dot-khong-khi-lanh-tang-cuong-chuyen-gia-dua-racanh-bao-a651530.html