Liên quan đến vụ tai nạn nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn: Bộ Giao thông Vận tải nói gì về an toàn?

Vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 mẹ con tử vong mới đây đang dấy lên tranh cãi về nguyên nhân tai nạn do tài xế xe 7 chỗ vượt ẩu hay do chất lượng đường cao tốc chỉ 2 làn xe, thiếu dải phân cách cứng. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nói gì?

Tuyến Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98 km, được đưa vào khai thác cuối năm 2022, với quy mô 2 làn xe, không có dải phân cách cứng, trừ một số đoạn cho phép vượt được mở rộng 4 làn xe. Trên mạng xã hội, sau vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 người tử vong sáng 18/2, nhiều tài xế cho rằng bên cạnh nguyên nhân xe con 7 chỗ vượt ẩu, còn có nguyên nhân do thiết kế đoạn cao tốc tại vị trí tai nạn chưa hợp lý, tạo nút thắt cổ chai khi nhập làn.

Cụ thể, cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ thiết kế mỗi bên 1 làn đường, 1 làn dừng khẩn cấp mà không có dải phân cách cứng ở giữa. Trung bình khoảng 5 - 8 km lại có 1 đoạn làm thành 2 làn xe chạy để cho phép các xe vượt lên kéo dài khoảng 1,5 - 2 km. Điều này tạo ra nhiều nút thắt cổ chai trên tuyến cao tốc này.

Hiện trường vụ TNGT khiến 3 ngưòi tử vong trên trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Lái xe Phạm Thanh Phương cho biết, anh đã từng lưu thông trên cao tốc Túy Loan-La Sơn và La Sơn-Cam Lộ. Qua đó anh nhận thấy, đường hẹp, chỉ có 1 làn chạy và 1 làn khẩn cấp (làn khẩn cấp cũng hẹp vừa đủ 1 xe, nếu đỗ xe ở làn khẩn cấp bật đèn cảnh báo cũng rất nguy hiểm). Toàn tuyến đường phần lớn là vạch liền, có những đoạn vạch đứt và có những đoạn có 2 làn đường riêng biệt để mục đích cho các xe vượt nhau, các xe nối đuôi nhau chạy nếu có tai nạn hoặc sự cố 1 trong 2 làn thì chắc chắn sẽ kẹt xe.

Anh Phương cũng cho hay, vượt xe khác trên đường này là rất khó, nguy hiểm và phải đợi đến đoạn đường đôi, nếu vượt đoạn vạch đứt phải căn xe đối diện khoảng cách cho chuẩn; tính toán tốc độ xe mình chính xác; quyết đoán để vượt, chạy ban ngày tầm nhìn tốt còn nguy hiểm, nếu chạy ban đêm khi vượt xe chỉ cần lái xe tính toán sai các yếu tố ở trên sẽ dẫn tính tình huống đối dầu trực diện xe ngược chiều, thậm chí xe văng ra khỏi đường lao xuống ruộng hoặc vực sâu hai bên.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án Cam Lộ - La Sơn nằm trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020. Theo phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, dự án này mới đầu tư 2 làn, chưa có dải phân cách cứng. Tuy nhiên, rải rác trên tuyến vẫn có một số đoạn 4 làn, có dải phân cách cứng và làn dừng khẩn cấp để cho người dân vượt. Ngoài ra, phương án tổ chức giao thông có rất nhiều đoạn trên đường bố trí nét đứt để các phương tiện vượt xe. Tất cả những điểm, vị trí vượt xe đều có đầy đủ biển báo, biển thông tin, vạch sơn trên đường theo quy định. Giai đoạn 2021 - 2025, theo quy hoạch, tất cả các tuyến cao tốc sẽ khai thác 4 làn xe từ La Sơn kéo dài vào phía nam. Đoạn La Sơn - Hòa Liên trước đó phân kỳ đầu tư 2 làn xe cũng đang được nâng cấp lên 4 làn xe. Từ năm 2023, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nâng cấp dự án lên 4 làn xe. Hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi đã hoàn tất, dự kiến 2 tuần tới sẽ trình, báo cáo Bộ GTVT. Sau khi được chấp thuận, sẽ triển khai các thủ tục bố trí vốn cũng như rút ngắn các thủ tục đảm bảo đưa dự án sớm vào triển khai.

Xung quanh những ý kiến cho rằng đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) thiết kế 2 làn xe, không có dải phân cách cứng là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông, ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu các điểm đường có thiết kế như đoạn đường mới xảy ra vụ tai nạn kể trên để nghiên cứu phương án tổ chức, hạ tầng giao thông xem có vấn đề gì không. Nếu có sẽ tiến hành khắc phục.

Liên quan đến vụ tai nạn, hiện nay dư luận trên các mạng xã hội cũng phân tích và đánh giá nhiều, thế nhưng để kết luận rõ ràng thì cần phải chờ kết luận từ Cơ quan CSĐT xem nguyên nhân cụ thể là gì. Còn tất cả thông tin trong tổ chức giao thông trên tuyến đường này đã được công bố, khuyến cáo rất rõ ràng từ trước.

Người phát ngôn Bộ GTVT cũng thông tin thêm, khi đầu tư xây dựng đường cao tốc, tất cả các phương án tổ chức giao thông đều được áp dụng, thực hiện theo quy định. Không chỉ mới đây, việc rà soát, nghiên cứu nâng cấp các tuyến đường cao tốc 2 làn xe đã được Thủ tướng chỉ đạo từ thời điểm năm ngoái (2023). Bộ GTVT cũng đã rà soát và lên kế hoạch để đầu tư hoàn thiện các tuyến cao tốc đó. Tuy nhiên, việc này vẫn phải phụ thuộc vào khả năng cân đối nguồn vốn.

Trước đó, theo Bộ GTVT, để hiện thực hóa mục tiêu 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, ước tính nhu cầu vốn đầu tư khoảng 813.000 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng. Thời gian qua, nguồn lực Nhà nước dành cho đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc ngày càng gia tăng. Năm 2023, Bộ GTVT được giao số vốn trên 95.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án, trong đó có các tuyến cao tốc.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/lien-quan-den-vu-tai-nan-nghiem-trong-tren-cao-toc-cam-lo-la-son-bo-giao-thong-van-tai-noi-gi-ve-an-toan--i723037/