Liên Minh ưu tiên giảm nghèo bền vững

Với việc lồng ghép và thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng định hướng phát triển đúng đắn, đời sống của người dân xã Liên Minh (Võ Nhai) ngày càng được nâng lên.

Chè là một trong những cây trồng thế mạnh, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Liên Minh (Võ Nhai). Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Nông sản an toàn Liên Minh thu hái chè.

Đồng chí Vương Việt Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh, cho biết: Chúng tôi xác định giảm nghèo không dựa trên thành tích, mà phải đi vào thực chất, đem lại hiệu quả bền vững. Chính vì vậy, trong suốt giai đoạn 2016-2020, mặc dù kết quả giảm nghèo trên địa bàn xã đạt thấp, nhưng số hộ tái nghèo cũng chiếm tỷ lệ rất ít. Đến giai đoạn 2020-2023, do có “nền móng” từ trước, cộng với sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã đã có những bước tiến vượt bậc.

Trong công tác giảm nghèo, xã chủ trương trước hết phải phát huy tối đa lợi thế của địa phương, để tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân. Tận dụng thế mạnh đồi rừng, xã tập trung khuyến khích người dân phát triển kinh tế từ rừng và trồng chè.

Trung bình mỗi năm, toàn xã có thêm hơn 200ha rừng được trồng mới, trồng lại. Liên Minh hiện có 386ha chè, với sản lượng chè búp tươi đạt gần 3.000 tấn/năm. Từ trồng rừng và trồng chè, đời sống nhiều hộ dân đã được cải thiện.

Đơn cử như ở xóm Nhâu, trung bình mỗi năm có từ 5-10 hộ thoát nghèo và cận nghèo. Ông Nguyễn Văn Xanh, Trưởng xóm Nhâu, chia sẻ: Trước đây, bà con trong xóm chủ yếu trồng ngô, cấy lúa nhưng do đất canh tác eo hẹp lại hạn chế về trình độ canh tác nên thu nhập chẳng được là bao. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, đặc biệt là chủ trương giao rừng cho dân quản lý, bà con trong xóm có điều kiện đầu tư trồng keo, mỡ và trồng chè để nâng cao thu nhập. Đến nay, cả xóm đã có trên 60ha chè, gần 300ha rừng sản xuất.

Không chỉ đầu tư phát triển kinh tế, người dân xã Liên Minh còn đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, hình thành các mô hình kinh tế tập thể. Chị Hoàng Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn Liên Minh, cho hay: Hợp tác xã thành lập năm 2018. Đến nay, chúng tôi có 50 hộ thành viên và 30 hộ dân liên kết, với vùng nguyên liệu rộng trên 30ha. Tham gia Hợp tác xã, các thành viên không chỉ được tập huấn khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất chè an toàn mà còn được thu mua sản phẩm chè búp tươi để chế biến theo quy trình đảm bảo an toàn. Nhờ đó, sản phẩm chè của Hợp tác xã có giá trị cao hơn, hiện đạt trung bình từ 180-200 nghìn đồng/kg.

Ngoài hỗ trợ người dân về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, xã còn phối hợp với các ngân hàng để tạo điều kiện cho đồng bào vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã là gần 50,4 tỷ đồng, với 693 hộ vay; dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT xấp xỉ 25,2 tỷ đồng, với 201 hộ vay.

Nhờ những giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế, năm 2023, giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt của xã Liên Minh đạt 72 triệu đồng/năm (tăng 10 triệu đồng/ha so với năm 2020). Giai đoạn 2020-2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân từ 5% trở lên.

Theo kết quả rà soát năm 2023, xã còn 106 hộ nghèo, chiếm 9,16% (giảm gần 46% so với năm 2016) và 35 hộ cận nghèo, chiếm 3,03%; thu nhập bình quân của người dân đạt 42 triệu đồng/người/năm.

Trong thời gian tới, Liên Minh xác định tiếp tục phát triển kinh tế đồi rừng, cây chè và cây thế mạnh của từng xóm, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã gắn với liên kết tiêu bao sản phẩm của 3 làng nghề chè truyền thống; đẩy mạnh sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cùng với đó, xã thực hiện đúng và kịp thời các chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu giảm từ 1,5% hộ nghèo trở lên.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/dan-toc-va-mien-nui/202402/lien-minh-uu-tien-giam-ngheo-ben-vung-6490728/