Liên minh Mỹ - Nhật Bản: Phải mạnh dạn mới có thể tiến xa hơn

Cả Mỹ và Nhật Bản đều rất cần nhau để đảm bảo an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cho những mục đích khẳng định vị thế mà mối liên minh bền chặt. Hai nước cần sớm gạt bỏ những rào cản truyền thống để thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong những mảng hợp tác còn chưa xứng tầm với 'đẳng cấp' của liên minh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại New York tháng 9/2022. (Nguồn: Kyodo)

Sức mạnh chưa từng có tiền lệ

Sức mạnh của liên minh Mỹ-Nhật là chưa từng có tiền lệ. Dù chính phủ cầm quyền là ai, liên minh Mỹ-Nhật vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Tokyo, Washington và các nước khác.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng trước ở thành phố Hiroshima, trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mô tả chính xác liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trên thực tế, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nhật Bản, và Tokyo được xếp hạng là đối tác thương mại lớn thứ tư của Washington.

Mỹ và Nhật Bản gần đây đã hợp tác trong các vấn đề an ninh, ngoại giao và kinh tế quan trọng. Trong lĩnh vực an ninh, Mỹ và Nhật Bản đã huy động một liên minh rộng phản đối Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong lĩnh vực ngoại giao, thông qua đường lối ngoại giao mạnh mẽ, Tokyo đã tập hợp các nước châu Á khác ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và chống lại các thách thức từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Chính phủ Nhật Bản thậm chí đã phá vỡ tiền lệ có từ hàng thập kỷ qua khi tăng chi tiêu quốc phòng cao hơn mức giới hạn quốc gia lâu nay là 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trong lĩnh vực kinh tế, Washington đã giảm thuế đối với thép nhập khẩu của Nhật Bản, trong khi Tokyo đã giảm thuế đối với thịt bò và thịt lợn nhập khẩu của Mỹ.

Chính phủ Nhật Bản sẽ mua các hệ thống vũ khí tiên tiến hơn của Mỹ cũng như xúc tiến các dự án công nghiệp quốc phòng mới với các đối tác Mỹ trong khuôn khổ các sáng kiến an ninh mới của Tokyo.

Trong Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Mỹ-Nhật năm 2019 mang tính bước ngoặt, hai nước cam kết không đối xử phân biệt đối với các chương trình máy tính, trò chơi trên bảng điều khiển và các sản phẩm kỹ thuật số khác của nhau.

Phiên họp tháng 3/2023 của Đối thoại Hợp tác chính sách Mỹ-Nhật Bản về kinh tế Internet đã ra tuyên bố khẳng định các sáng kiến chung về kết nối 5G và trí tuệ nhân tạo.

Các nhà chiến lược Nhật Bản đã phát triển nền tảng khái niệm “an ninh tích hợp” mới của họ, nhằm tìm cách tối đa hóa an ninh thông qua các sáng kiến kinh tế và quân sự tích hợp. Cách tiếp cận này bổ sung cho học thuyết “răn đe tích hợp” của Lầu Năm Góc.

Nhiều lĩnh vực chưa xứng tầm

Tuy nhiên, tiến bộ trong hợp tác kinh tế Mỹ-Nhật đã tụt lại phía sau so với tiến bộ trong các lĩnh vực an ninh và ngoại giao.

Mặc dù hợp tác về an ninh mạng của Mỹ và Nhật Bản đang được cải thiện, nhưng hợp tác song phương về các sản phẩm kỹ thuật số thương mại đang bị chậm lại, bất chấp mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc đang đạt được tiến bộ trong việc hiện thực hóa mục tiêu của chính phủ nước này đề ra là vượt qua Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác trong các lĩnh vực công nghệ cao quan trọng.

Các chính quyền Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida đều muốn Mỹ dẫn đầu một cơ chế thương mại ưu việt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và các nhà lãnh đạo khác của Nhật Bản mong muốn Mỹ tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc một cấu trúc tương tự.

Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được lên kế hoạch, Tokyo đã dẫn đầu các nỗ lực để duy trì hiệp định này bằng cách tái cấu trúc sáng kiến này với tên gọi CPTPP. Trong khi đó, Mỹ đã phát triển Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).

Tuy nhiên, tư cách thành viên hạn chế của CPTPP và phạm vi hoạt động hạn chế của IPEF có nghĩa là không bên nào có thể cân bằng hiệu quả các biện pháp kinh tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu của Tokyo là khôi phục vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ trong khu vực trong khuôn khổ ưu tiên của Nhật Bản, Tokyo phải đảm bảo sự hỗ trợ lớn hơn giữa các bên liên quan quan trọng của Mỹ là Quốc hội Mỹ và các thực thể có ảnh hưởng nhiều nhất đến các cuộc thảo luận của họ.

Mỹ cũng có thể thực hiện các biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác kinh tế giữa hai nước và trong khu vực.

Tuy nhiên, để Mỹ đạt được tiến bộ trong việc mở rộng các hiệp định thương mại với Nhật Bản và các đối tác của nước này nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Nhật Bản cần giải quyết những lo ngại trong quốc hội nước này về chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong mọi sản phẩm, từ trò chơi điện tử đến quả việt quất đông lạnh.

Các chính phủ Mỹ và Nhật Bản nên khuyến khích và gây áp lực cho các cơ quan và doanh nghiệp hai nước để hiện đại hóa hợp tác công nghiệp quốc phòng.

Bằng cách giảm bớt những trở ngại lỗi thời đối với việc chia sẻ công nghệ và chuyển giao vũ khí, các cơ sở quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản đều có thể mua được vũ khí tiên tiến hơn với chi phí thấp hơn, giải quyết những lo ngại của quốc hội về việc chia sẻ gánh nặng.

Hai nước cũng có những cơ hợp tác chưa thành hiện thực với các doanh nghiệp quốc phòng ở Australia, Hàn Quốc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nói tóm lại, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong việc củng cố liên minh hai nước, nhưng hai nước cần thực hiện một số điều chỉnh để phát huy hết tiềm năng của quan hệ đối tác này.

(theo The Hill)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lien-minh-my-nhat-ban-phai-manh-dan-moi-co-the-tien-xa-hon-232776.html