Liên kết xuất bản sách văn học trong cơ chế thị trường

Liên kết xuất bản trong thời gian qua đã góp phần đẩy nhanh quá trình xã hội hóa trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách, đem đến cho xã hội những món ăn tinh thần đa dạng.

Phát huy nguồn lực tư nhân để phục vụ nhu cầu đọc

Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã chỉ rõ: “Sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích lũy và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội, xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhận lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập. Hoạt động xuất bản phải chăm lo bảo vệ, khẳng định và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, lạc hậu”.

Có thể khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao vai trò và tầm quan trọng của xuất bản trên ba lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện, sâu sắc mà trọng tâm là phát triển kinh tế, lấy xây dựng Đảng là then chốt, coi văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp và thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại, một xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức.

Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động xuất bản đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập, thống nhất và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản cũng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước nhằm phát triển bền vững nguồn nhân lực - nhân tố quyết định mọi thành công.

Tuy nhiên, những năm gần đây, trong bối cảnh đất nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và từng bước tham gia vào quá trình hội nhập với kinh tế thế giới, phần nào đã có những ảnh hưởng, tác động đến hoạt động xuất bản. Trong đó, vấn đề cốt yếu được đặt ra là việc xác định xuất bản là ngành văn hóa - tư tưởng không kinh doanh hay đơn thuần cũng là một mặt hàng hoàn toàn chịu sự chi phối theo quy luật sản xuất hàng hóa và tiền tệ. Kết hợp hài hòa để hoạt động xuất bản vừa tuân thủ các quy luật văn hóa, tư tưởng, khoa học, vừa đảm bảo thực hiện các quy luật kinh tế đã và đang đặt ra yêu cầu đổi mới cho các cơ quan chức năng, các nhà quản lý và những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản.

Có thể nhận thấy rằng, trong cơ chế thị trường, hoạt động xuất bản đang ngày một năng động hơn, thoát được ra khỏi tư duy bao cấp cũ kỹ và đang dần thích ứng với quy luật cạnh tranh khốc liệt nhưng không kém phần hấp dẫn của kinh tế thị trường. Cũng phải kể đến một cú hích đã làm tăng sự nhạy bén và tư duy cạnh tranh lành mạnh của các nhà xuất bản (NXB), đó là hình thức liên kết xuất bản với việc cho phép tư nhân được tham gia vào hoạt động xuất bản.

Được thừa nhận tại Luật Xuất bản năm 1993, mở rộng về đối tượng tại Luật Xuất bản sửa đổi bổ sung năm 2004, 2008 và 2012, qua đó tư nhân cũng được tham gia vào lĩnh vực xuất bản dưới hình thức liên doanh, liên kết với các NXB. Đây có thể được xem là quá trình xã hội hóa hoạt động xuất bản, một chủ trương hoàn toàn đúng đắn nhằm huy động nguồn lực trí tuệ, tài chính từ các đối tác liên kết để cùng các NXB đầu tư, xuất bản những xuất bản phẩm có giá trị về nhiều mặt, phục vụ nhu cầu đọc ngày một cao của xã hội.

Không thể phủ nhận rằng, hình thức liên kết xuất bản đã mang đến rất nhiều thuận lợi cho các NXB, các công ty phát hành sách khi tham gia vào thị trường sách. Sự góp mặt của các đối tác liên kết, hay nói chính xác là của tư nhân vào hoạt động xuất bản đã mang lại nhiều xuất bản phẩm có giá trị, thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình đưa sách đến với người tiêu dùng. Trong nhiều năm trở lại đây, liên kết xuất bản đã trở thành hiện tượng phổ biến trong hoạt động xuất bản.

Những vấn đề đặt ra trong việc liên kết xuất bản sách văn học

Phương thức liên kết xuất bản đã thực sự mang lại một luồng sinh khí mới cho hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản sách văn học nói riêng. Rất nhiều công ty sách tư nhân với nguồn nhân lực chất lượng cao, phong cách làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, hiện đại cùng với lòng tâm huyết đã có nhiều những đóng góp giúp thúc đẩy sự phát triển của hoạt động xuất bản, thực hiện xã hội hóa hoạt động phát hành xuất bản phẩm, góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc ngày càng mạnh mẽ của người dân.

Tuy nhiên, do sự buông lỏng quản lý của một vài NXB cũng như thái độ, cung cách làm việc thiếu nghiêm túc, chạy theo lợi nhuận của một số công ty sách tư nhân đã gây ra sự nhiễu loạn và dẫn đến nhiều vi phạm tương đối nghiêm trọng trong hoạt động xuất bản. Một loạt những xuất bản phẩm vi phạm trong thời gian vừa qua hầu hết đều là những xuất bản phẩm liên kết. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những sai phạm tựu trung lại cũng là do quá trình sản xuất các xuất bản phẩm này chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình biên tập và xuất bản như duyệt bản thảo, bìa, phụ bản, lưu chiểu, duyệt phát hành...

Thị trường sách văn học cũng không tránh khỏi những mặt trái của cơ chế thị trường và hoạt động liên kết xuất bản. Cơ chế thị trường và hoạt động liên kết xuất bản đã mang lại sự mất cân đối trong việc lưu thông sách văn học. Các nhà sản xuất thường tập trung sản phẩm của mình vào những khu đô thị lớn, đông dân cư, có khả năng tiêu thụ và sức mua lớn. Độc giả yêu thích, đam mê sách văn học ở nông thôn và vùng sâu vùng xa rất ít có cơ hội được tiếp cận với những sáng tác mới của văn chương đương đại.

Bên cạnh đó còn phải kể đến vấn nạn vi phạm bản quyền, in nối bản, in lậu.... đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và quyền lợi của những nhà sản xuất nghiêm túc, của những chủ thể sáng tạo và của chính người đọc.

Xét ở khía cạnh sáng tạo văn học, với việc phải chạy theo thị hiếu xuất phát từ nhu cầu giải trí nhất thời, đơn thuần của độc giả, cùng với việc đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu của những nhà sản xuất, đang xuất hiện ngày một nhiều những tác phẩm văn chương mang nặng tính câu khách, giải trí rẻ tiền. Trong khi đó, những tác phẩm có giá trị thực sự, những thể loại văn học phục vụ hữu ích cho công tác nghiên cứu, cho việc bổ sung kiến thức và nâng cao dân trí dường như ngày một thưa thớt hơn.

Cùng với đó, những chiêu thức PR, quảng cáo, lăng xê rầm rộ thiếu trung thực, mang nặng tính câu khách đã đưa đến tình trạng nhiễu loạn trong hoạt động tiếp nhận văn học. Rất nhiều những cuốn sách bán chạy hiện nay là thành quả của việc PR đánh vào sự hiếu kỳ, tò mò của độc giả, của hiệu ứng tâm lý đám đông dẫn đến một thực tế là sách bán chạy chưa hẳn đã là sách hay, sách hay không hẳn đã bán chạy.

Một hạn chế nữa của hoạt động liên kết xuất bản là do hiện nay không có quy định thống nhất về khung thu quản lý phí xuất bản phẩm nên đã xảy ra tình trạng một số NXB thu phí quá thấp hoặc quá cao, không tương xứng với mức thù lao trí tuệ nói chung dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản.

Bên cạnh đó chưa có quy định việc thu hồi Quyết định xuất bản, nếu đối tác không thực hiện in xuất bản phẩm trong thời hạn và việc thông báo cho đối tác liên kết việc NXB không ban hành Quyết định phát hành nếu thấy xuất bản phẩm in xong nộp cho nhà xuất bản nhưng không đủ điều kiện để nộp lưu chiểu, dẫn đến tình trạng NXB bị phụ thuộc vào đối tác liên kết hoặc xuất bản phẩm vi phạm, xuất bản phẩm chưa đủ điều kiện phát hành được bày bán trên thị trường.

Một vấn đề quan trọng nữa là việc liên kết trong xuất bản sách điện tử. Cùng sự phát triển của công nghệ, sách điện tử đã bắt đầu manh nha trên thị trường từ khoảng 10 năm về trước và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, phát triển trong khoảng vài năm trở lại đây. Hiện nay đã có 19 NXB đăng ký hoạt động xuất bản điện tử, 13 doanh nghiệp hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử. Nhưng thực tế cho thấy thị trường xuất bản phẩm điện tử chưa tạo được bứt phá, chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ.

Việc phát triển sách điện tử còn gặp khó khăn do rào cản về nền tảng công nghệ, vấn đề nhân lực, tình trạng vi phạm bản quyền phức tạp và một số hạn chế về chính sách... Hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản, chưa có nhiều hình thức mới, doanh thu còn thấp do phụ thuộc vào lượt download...

Đối với riêng NXB Văn học, trong nhiều năm trở lại đây, sách liên kết chiếm một khối lượng lớn trên tổng số đầu sách xuất bản hàng năm của NXB, dao động 60-70%. Đã có rất nhiều tác phẩm văn học có giá trị về nội dung và nghệ thuật được xuất bản thông qua hình thức liên kết.

Với một số lượng đầu sách liên kết hàng năm nhiều như vậy, việc chú trọng vào công tác thẩm định, biên tập, quản lý, phân cấp trách nhiệm và đặc biệt là sự phối kết hợp chặt chẽ với các đối tác liên kết luôn được NXB Văn học đặt lên hàng đầu.

Một nguyên tắc lớn nhất được NXB Văn học đặt ra đối với các xuất bản phẩm liên kết đó là việc vẫn phải đảm bảo giữ được bản sắc, uy tín và thương hiệu của nhà xuất bản. Điều này được thể hiện rất rõ qua những điều khoản chặt chẽ trong Hợp đồng liên kết xuất bản, trong Quy định về liên doanh liên kết, theo đó các đối tác phải cam kết in đúng theo bản thảo đã biên tập và duyệt in của nhà xuất bản, có trách nhiệm cung cấp bìa và các phụ bản (nếu có) để kiểm duyệt, nộp lưu chiểu trước khi phát hành theo đúng quy định của Luật Xuất bản.

Hiện NXB Văn học cũng đã xây dựng được Quy trình biên tập với mục đích phân cấp trách nhiệm cụ thể, chi tiết tới từng biên tập viên, Trưởng Ban biên tập, Phó Tổng Biên tập, Giám đốc - Tổng Biên tập, qua đó tạo được sự giám sát tương đối chặt chẽ với những xuất bản phẩm liên kết cũng như công tác quản lý hoạt động liên kết. Với việc thực hiện nghiêm túc những quy định chặt chẽ về liên kết xuất bản, sách liên kết của NXB Văn học trong thời gian qua đã hạn chế đến mức tối đa những vi phạm, nhanh chóng và kịp thời xử lý những sai sót (nếu có) trong tầm kiểm soát.

Có thể khẳng định, hoạt động liên kết xuất bản trong thời gian qua đã góp phần đẩy nhanh quá trình xã hội hóa trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách, đem đến cho xã hội những món ăn tinh thần đa dạng, phong phú và có giá trị.

Nhằm phát huy hiệu quả tối đa và hạn chế những tiêu cực trong hoạt động liên kết xuất bản, những nhà xuất bản, những chủ thể của liên kết xuất bản cần nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình với tư cách là “người lính gác” trên mặt trận đầy cam go này. Đó cũng chính là trách nhiệm của những người làm xuất bản trước pháp luật, và trên hết là trách nhiệm lớn lao với bạn đọc và xã hội.

Ngô Thu Phương, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học/ICT Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/lien-ket-xuat-ban-sach-van-hoc-trong-co-che-thi-truong-post1455745.html