Liên kết sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững

Bí xanh Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông phát triển thành sản phẩm OCOP, đã từng liên kết bao tiêu sản phẩm vào mùa thu hoạch. Thế nhưng mùa thu hoạch bí Tìa Dình năm nay, nông dân Điện Biên Đông đang chật vật tìm đầu ra tiêu thụ bí. Dù đã thông tin, quảng bá trên mạng xã hội nhưng việc tiêu thụ bí xanh Tìa Dình vẫn khó khăn, tồn đọng cả tấn bí tại các gia đình.

Liên kết trồng rau trong nhà lưới ở xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ.

Bí xanh Tìa Dình là một minh chứng của việc liên kết lỏng lẻo trong sản xuất nông nghiệp, dù nông sản đã nâng tầm OCOP. Việc hợp tác, liên kết giữa người sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản để hình thành vùng sản xuất, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Tuy nhiên, việc liên kết lỏng lẻo, chưa có sự ràng buộc giữa nông dân và hợp tác xã, doanh nghiệp khiến sản xuất quay trở lại manh mún, nhỏ lẻ, tự sản tự tiêu.

Trong khi đó, nông dân các xã Chà Nưa, Phìn Hồ, Si Pa Phìn của huyện Nậm Pồ liên kết với Hợp tác xã Hà Ân (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé) trồng bí xanh xuất bán về Hà Nội. Với diện tích 1,2ha mỗi năm trồng 2 vụ, HTX thu hoạch khoảng 150 tấn. Thu hoạch đến đâu được tiêu thụ đến đấy, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho thành viên hợp tác xã. Không chỉ bí xanh ở Nậm Pồ, 3 sản phẩm trà (Cực tây hoa hồng trà, Cực tây tô mộc trà, Cực tây bí xanh trà) của HTX Hà Ân đã được huyện Mường Nhé công nhận là sản phẩm OCOP 2 sao, sản phẩm Cực tây Hà Nhì trà được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Cam Nậm Tin, Nậm Pồ.

Một khởi đầu liên kết thành công nữa có thể nhắc tới HTX Gai xanh Mường Nhé với đa phần thành viên lứa tuổi 8X, 9X. Dù thành lập muộn vào tháng 3/2022 song với mong muốn đồng hành, hỗ trợ sản xuất, các thành viên trẻ của HTX cùng góp vốn, xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Tìm hiểu điều kiện thổ nhưỡng ở Mường Nhé phù hợp trồng cây gai xanh làm nguyên liệu sản xuất vải, các thanh niên đã khởi đầu bằng việc trồng cây gai xanh. Đến nay, diện tích cây gai xanh của HTX đã mở rộng lên 20ha, tập trung tại các xã: Nậm Kè, Leng Su Sìn, Mường Nhé, Chung Chải, Nậm Vì, Pá Mỳ, Sín Thầu. Trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cây gai xanh đều được cán bộ kỹ thuật của một doanh nghiệp hỗ trợ và điều quan trọng là doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra 10 năm với giá cả ổn định. Mô hình liên kết này không chỉ tạo việc làm, hình thành vùng sản xuất tập trung mà còn thay đổi tư duy sản xuất manh mún của người dân, tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa sản xuất và tiêu thụ.

Chăn nuôi dê của HTX Hồng Phước (TP. Điện Biên Phủ).

Từ sự thành công của các mô hình liên kết hợp tác, các địa phương trong tỉnh khuyến khích thành lập các HTX và tổ hợp tác để mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm mang tính hàng hóa. Hiện nay toàn tỉnh có 306 HTX và 411 tổ hợp tác với gần 9.800 thành viên, tổng vốn điều lệ gần 90 tỷ đồng. Trong đó, các HTX nông, lâm, thủy sản đóng vai trò tích cực nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Các hợp tác xã vừa là đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản; góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của đồng bào vùng cao.

Sản xuất theo chuỗi liên kết giúp nông dân chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng của thị trường. Trên địa bàn tỉnh hiện có một số mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh như gạo, miến dong, dứa, rau củ quả… Điển hình là HTX Hồng Phước ở Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ khởi đầu từ chế biến tinh bột dong riềng đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất miến dong và nay trồng cả cây mắc ca, chăn nuôi dê. Sản phẩm miến dong của HTX sản xuất được khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao và được tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao ngay trong lần đầu tiên tham dự Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Trồng và thu hoạch cây gai xanh của HTX Gai xanh Mường Nhé.

Rõ ràng, việc liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với người nông dân mang lại nhiều hiệu quả thiết thực; thay đổi tư duy sản xuất và hơn hết là nâng cao chất lượng, đảm bảo đầu ra, tiêu thụ nông sản. Mục tiêu của nông nghiệp Điện Biên là phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Việc liên kết sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp chính là giải pháp để nông nghiệp phát triển bền vững.

Dù đã từng bước hình thành sản xuất theo chuỗi song hợp tác, liên kết giữa các địa phương vẫn mang tính đơn lẻ, khi tìm được đầu mối tiêu thụ giá cao hơn, nông dân sẵn sàng bỏ hợp tác bán cho tư thương. Do vậy, khuyến khích phát triển liên kết song cần chú trọng tuyên truyền, vận động HTX và nông dân tự nguyện liên kết trên cơ sở lợi ích chung, đồng hành vì sự phát triển. Nông dân tránh kiểu sản xuất “được chăng hay chớ” làm đứt gãy liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững.

Gia Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/su-kien-va-binh-luan/211003/lien-ket-san-xuat-nong-nghiep-thieu-ben-vung