Liên kết sản xuất nông nghiệp tạo bước tiến vững chắc cho vùng đất Đức Trọng

Nhờ đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với dấu ấn rõ nét của các HTX, nên huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân. Từ đó giúp cho vùng đất cao nguyên này có những bước tiến vững chắc trong việc nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú ở thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An hiện được xem là một điển hình về liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Đức Trọng. Cách đây 3 tháng, HTX này đã được tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là một trong 5 HTX của tỉnh tham gia vào Đề án Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới trong giai đoạn 2021 - 2025.

Vươn lên làm giàu nhờ liên kết cùng HTX

Theo đó, tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ HTX An Phú hoàn thiện mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh đó, HTX sẽ nỗ lực để xây dựng thương hiệu, củng cố và phát triển các mối quan hệ giữa HTX với thành viên, nhà cung ứng, nhà tiêu thụ theo chuỗi liên kết giá trị bền vững.

Nhờ tham gia liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phúđã giúp cho nhiều nông hộ trồng rau củ quả ở Đức Trọng vươn lên làm giàu.

Hiện nay HTX này đã liên kết cùng 60 nông dân với diện tích 60 ha trồng rau, củ, quả, sản xuất theo hướng công nghệ cao và tiêu chuẩn VietGap, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ khi liên kết, năng suất và chất lượng các mặt hàng nông sản do HTX sản xuất ra ngày càng được cải thiện, đa dạng các chủng loại, hình thành liên kết với các công ty, siêu thị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Là một thành viên của HTX An Phú, ông Nguyễn Văn Chính (61 tuổi, trú xã Hiệp An) đã có điều kiện vươn lên làm giàu nhờ mô hình liên kết trồng ớt chuông công nghệ cao. Mô hình sản xuất ớt chuông công nghệ cao hiện đang giúp gia đình ông Chính đạt lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/tháng.

Theo ông Chính, trước đây gia đình trồng bắp cải, hành, cà rốt ngoài trời nhưng nguồn thu bấp bênh. Đến năm 2021, gia đình ông đầu tư xây dựng nhà kính công nghệ cao trên diện tích 1.300m2 vườn và liên kết với HTX An Phú để trồng ớt chuông baby.

Ông Chính cho biết sản phẩm ớt đạt chất lượng và đã được HTX An Phú ký hợp đồng bao tiêu nên cứ cuối tháng là tiền về tài khoản ngân hàng. Đây là điều mà nông dân nào cũng mơ ước.

Hồi năm rồi, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp cuộc sống xanh T&T và trở thành nhà cung cấp chiến lược của công ty. HTX đã có hợp đồng cung cấp 12.000 tấn rau củ quả/năm để xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật Bản, Singapore, Malaysia. Chính vì thế, HTX đang cố gắng mở rộng mối liên kết với nông dân để đáp ứng đơn hàng của khách hàng.

Rau củ quả không lo đầu ra

Ông Lê Văn Ba, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX An Phú, cho biết việc liên kết góp phần tăng số lượng thành viên, nâng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản lượng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra thị trường mà cụ thể là mặt hàng rau, củ, quả từ 1.000 tấn/năm tăng lên đến 5.000 tấn/năm.

Huyện ĐứcTrọng hiện có gần 11.407 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng gần 453 ha so với năm 2022.

Theo ông Ba, khi nông dân liên kết với HTX sẽ được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật chăm sóc, cũng như bao tiêu sản phẩm. Thị trường của HTX chủ yếu là thị trường trong nước 95%, còn lại là xuất khẩu thông qua một đơn vị ủy thác.

Ngoài HTX nêu trên, có thể kể thêm đến HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Quyết Tiến ở xã Tân Thành (huyện Đức Trọng). Đây là HTX có uy tín trong sản xuất và chế biến rau, củ, quả, tổ chức liên kết tốt với nông hộ cung ứng nông sản cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

HTX này đang tham gia vào Dự án Chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau, củ, quả trong các năm 2023-2025 với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng.

Dự án bao gồm hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm rau, củ, quả cho HTX; hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau an toàn cho nông dân; hỗ trợ cây giống đạt chuẩn cho hộ tham gia liên kết.

Để thực hiện dự án này, HTX Quyết Tiến đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả các loại với 37 hộ trồng rau, củ, quả trên địa bàn huyện Đức Trọng và huyện Di Linh với quy mô 46,5 ha rau các loại bao gồm: Khoai tây, khoai lang, cà chua, dưa leo, cà rốt, ớt chuông... Qua đó sẽ cung cấp ra thị trường 1.250 tấn/năm, đảm bảo đầu ra ổn định cho các hộ dân liên kết.

Trong việc phát triển chuỗi liên kết nông sản, tính chung đến tháng 11/2023, ở Đức Trọng có khoảng 9.967 hộ sản xuất nông nghiệp trong huyện Đức Trọng tham gia các hình thức liên kết và tiêu thụ sản phẩm, chiếm tỷ lệ 37,2%, tăng 1.137 hộ so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng sản phẩm nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ chiếm tỷ lệ 21%. Trong huyện còn có gần 11.407 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng gần 453 ha so với năm 2022.

Trong quá trình liên kết đã xuất hiện nhiều hộ nông dân, HTX có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng, thu hút hàng ngàn lao động. Điển hình như hộ nông dân Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc HTX Nam Sơn ở thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) với mô hình liên kết gần 1.000 nông hộ tại địa phương đầu tư sản xuất trên diện tích 3.000 ha, giải quyết việc làm cho 400 lao động với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Hay như hộ nông dân Võ Tiến Huy thuộc HTX Tiến Huy ở xã Hiệp An thực hiện liên kết với 100 nông dân sản xuất trên 30 ha nhà kính. Sản phẩm của HTX được sơ chế, đóng gói, cung cấp cho các siêu thị trong nước.

Tạo nền tảng nâng cao nông thôn mới

Nhờ đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nên huyện Đức Trọng đã khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích ước đạt hơn 250 triệu đồng/ha/năm.

Thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã góp phần tạo nền tảng cho huyện Đức Trọng nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã góp phần tạo nền tảng cho huyện Đức Trọng nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Do đó mà ngành nông nghiệp ngày càng chiếm vị trí và vai trò quan trọng trong huyện Đức Trọng với tỷ trọng hằng năm khoảng từ 31 - 32%; số hộ sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 60% tổng số hộ dân trên địa bàn toàn huyện. Nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển mạnh theo hướng hàng hóa với quy mô tương đối lớn, đặc biệt là sản xuất rau, hoa, dâu tằm.

Trong việc thúc đẩy chuỗi liên kết Đức Trọng sẽ thấy dấu ấn của kinh tế hợp tác. Toàn huyện có 40 HTX và hàng chục tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều cố gắng trong liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, nông hộ trong và ngoài huyện nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập của các thành viên. Các HTX, tổ hợp tác đã tạo được sự liên kết chặt chẽ cùng phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho thành viên.

Ngoài ra, huyện Đức Trọng còn chú trọng lựa chọn các mặt hàng chủ lực của địa phương để hỗ trợ xây dựng phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản như rau, hoa, cà phê, dầu tằm, cây ăn quả…Thời gian tới huyện sẽ củng cố và thành lập mới từ 10 HTX nông nghiệp trở lên là đại diện sở hữu sản phẩm OCOP của địa phương, cũng như huy động trên 60% các HTX nông nghiệp tham gia có hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản…

Không chỉ vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đức Trọng đã cho thấy vai trò nòng cốt của các HTX, tổ hợp tác là một yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình nâng cao các tiêu chí nông thôn mới trên toàn huyện.

Nhất là các HTX, tổ hợp tác đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, góp phần làm thay đổi cơ bản đời sống của người dân và nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Đức Trọng.

Nhờ đó, sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới từ cách đây 4 năm thì đến nay huyện Đức Trọng vẫn giữ vững các tiêu chí nông thôn mới và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Ngoài việc toàn huyện đã có 14/14 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì hiện nay huyện đã có 7/14 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Hơn thế nữa, từ việc thúc đẩy chuỗi liên kết nông sản làm trợ lực cho giảm nghèo bền vững, đã giúp cho huyện Đức Trọng kéo giảm nhanh số hộ nghèo. Tính đến nay số hộ nghèo toàn huyện chỉ còn chiếm tỷ lệ 1,08%.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/lien-ket-san-xuat-nong-nghiep-tao-buoc-tien-vung-chac-cho-vung-dat-duc-trong-1096812.html