Liên kết sản xuất để tăng giá trị trái cây xuất khẩu

Dự báo năm 2024, xuất khẩu trái cây tiếp tục tăng trưởng mạnh khi nhiều thị trường khó tính đang mở cửa cho trái cây Việt Nam. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD, đòi hỏi doanh nghiệp và người dân cần đẩy mạnh liên kết sản xuất để nâng chất lượng trái cây xuất khẩu.

Nguồn cung ổn định, đơn hàng xuất khẩu tăng

Thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong quý I/2024, sản lượng của một số cây ăn quả chủ lực tăng khá, như: sầu riêng đạt 108.000 tấn, tăng 27,1%; cam đạt hơn 323.000 tấn, tăng 4,1%; chuối đạt 697.000 tấn, tăng 3,8%; xoài đạt 191.000 tấn, tăng 3,6%; bưởi đạt hơn 167.000 tấn, tăng 3,1%.

Sơ chế, đóng gói sầu riêng xuất khẩu tại tỉnh Đăk Lăk. Ảnh minh họa

Đơn cử tại Hà Nội, với diện tích trồng cây ăn quả 22.000ha, nhiều vùng trồng cây ăn quả đã đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng an toàn. Nhờ vậy, không chỉ năng suất tăng, giá trị kinh tế cũng tăng cao, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng các loại cây ăn quả của Hà Nội đạt 50.000 tấn; dự kiến cả năm có thể đạt tới hơn 200.000 tấn.

Sản lượng quả tăng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước của người dân, mà còn tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Những yếu tố này đã cho thấy tình hình tiêu thụ, xuất khẩu trái cây trong quý I/2024 khá thuận lợi

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam Nguyễn Khắc Tiến chia sẻ, từ đầu năm đến nay, số lượng đơn hàng xuất khẩu trái cây của công ty sang các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, EU tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trái cây của Việt Nam có chất lượng tốt, mang hương vị riêng, là đặc sản mà nhiều quốc gia xuất khẩu khó cạnh tranh. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc với trên 1,4 tỷ dân sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng cho trái cây của Việt Nam bởi lợi thế về địa lý, nhiều nét tương đồng trong văn hóa ẩm thực.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, do thị trường xuất khẩu mở rộng, trong quý I/2024, ngành hàng rau quả đã mang về gần 1,23 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm 3 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh. Nếu tận dụng tốt cơ hội, năm 2024, xuất khẩu rau quả có thể đạt 6,5 - 7 tỷ USD.

Liên kết sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm

Theo nhận định của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), bên cạnh những thuận lợi, việc sản xuất, tiêu thụ trái cây vẫn gặp không ít khó khăn do diện tích trồng cây ăn quả ở một số địa phương còn phân tán, không tập trung, dẫn đến hạn chế cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Để tháo gỡ khó khăn, Cục Trồng trọt khuyến nghị, các doanh nghiệp và người dân cần liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sơ chế, đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu. Ảnh minh họa

Hiện tại, Hà Nội đang từng bước mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ; gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, Hà Nội sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn, phấn đấu đến năm 2030 có từ 50 - 70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận chất lượng để hướng tới xuất khẩu.

Còn với tỉnh Sơn La, năm 2024, địa phương có 84.160ha cây ăn quả và từ tháng 4, các loại cây ăn quả sẽ thu hoạch tập trung với sản lượng lớn, như: mận khoảng 80.000 tấn; xoài khoảng 77.800 tấn; nhãn khoảng 81.000 tấn... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết, Sơn La đã có phương án hỗ trợ cho tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu, tiến tới tất cả các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, tỉnh xác định vùng trồng cho từng nhà máy chế biến, vùng trồng cho từng khu vực xuất khẩu và tiêu thụ ở thị trường trong nước, tránh tình trạng được mùa, mất giá khi vào vụ thu hoạch.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu rau quả 6,5 - 7 tỷ USD trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sản xuất rải vụ thu hoạch; thiết lập mã số vùng trồng. Cùng với đó, gắn phát triển vùng trồng cây ăn quả với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm theo lợi thế của từng địa phương; quan tâm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại quả.

Ngọc Ánh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lien-ket-san-xuat-de-tang-gia-tri-trai-cay-xuat-khau.html