Liên kết phát triển lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam

Thị trường xuất khẩu của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trong các năm qua đã đạt tốc độ phát triển ấn tượng, từ 15 – 25%/ năm.

Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu 2017. Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu 2017. Ảnh minh họa: TTXVN

Liên kết, thúc đẩy hợp tác phát triển thị trường, gắn kết trong kinh doanh hướng tới mục tiêu nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên bản đồ gia công, xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin trên thế giới.

Đây là nội dung chính của Hội nghị xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin (VNITO 2017), do Liên minh các doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam tổ chức, diễn ra trong hai ngày 19 – 20/10 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Với sự tham dự của các tổ chức, tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Indonesia, Singapore… hội nghị hướng tới giới thiệu hình ảnh Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn về dịch vụ công nghệ thông tin, sánh vai cùng các quốc gia hàng đầu thế giới.
Thị trường xuất khẩu của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trong các năm qua đã đạt tốc độ phát triển ấn tượng, từ 15 – 25%/ năm. Trong bảng xếp hạng của hãng tư vấn AT Kearney công bố tháng 9/2017, Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu 2017.
Trước đó, Việt Nam đứng số 1 thế giới về địa điểm dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) trên bảng xếp hạng của Cushman & Wakefield năm 2016; Việt Nam được xếp là một trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công công nghệ thông tin tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016” của hãng tư vấn Gartner.
Theo ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), mặc dù là nước đi sau so với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc nhưng Việt Nam đang có các lợi thế, tiềm năng và uy tín đối với thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu.
Trong đó, phần mềm là một trong những ngành hoàn toàn có khả năng đứng vững trong cuộc cạnh tranh rất khốc liệt với các nước. Hội nghị VNITO sẽ giúp các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin hiệu quả để phát triển thị trường và hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh nhằm nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ phần mềm thế giới.
Tuy nhiên, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, ngành phần mềm Việt Nam đã được nhiều tổ chức xếp hạng trên thế giới đánh giá cao, nhưng phần lớn các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có quy mô nhỏ nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp thị ra thị trường quốc tế. Vì vậy, cần tăng cường xúc tiến, đầu tư để quảng bá hơn nữa về ngành công nghệ thông tin Việt Nam ra thế giới.
Ở góc độ nghiên cứu, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc công ty KPMG Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp công nghệ thông tin đánh giá cao thị trường Việt Nam, nhất là về chi phí thấp (điện, nước, nhiên liệu) so với các quốc gia khác trong khu vực. Ngoài ra, một trong những điểm thành công của các nhà đầu tư là lực lượng lao động, khi doanh nghiệp đánh giá lao động Việt Nam có kỹ năng tốt về công nghệ thông tin, khả năng ứng dụng và học công nghệ rất nhanh.
Bên cạnh giới thiệu, quảng bá năng lực của ngành phần mềm Việt Nam, hội nghị sẽ có các thảo luận chuyên đề về nhân lực ngành công nghệ thông tin Việt Nam – làm thế nào để thu hút nhân tài; triển vọng ngành dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) Việt Nam; mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ; ứng dụng công nghệ mới để tăng lợi thế cạnh tranh và thành công…/.

Vũ Tiến Lực/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/lien-ket-phat-trien-linh-vuc-xuat-khau-dich-vu-cong-nghe-thong-tin-viet-nam/63331.html