Liên kết nhưng không liên minh

Trước đây, người ta thường nói rằng Pakistan là đồng minh của Mỹ chứ không phải là bằng hữu, trong khi Ấn Độ là bằng hữu nhưng không phải là đồng minh. Mặc dù tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Ấn Độ vẫn miễn cưỡng trong mối quan hệ này. Giờ đây, có vẻ như điều đó đang dần được điều chỉnh.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay Phó Tổng thống Mỹ gốc Ấn Kamala Harris trong chuyến thăm Washington tháng 6.2023. Ảnh: Getty Images

Năm 2023 đánh dấu một vị thế đặc biệt của Ấn Độ khi nước này đồng thời giữ vai trò Chủ tịch Nhóm các nước G20 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Cùng với đó, uy tín chính trị của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày càng được củng cố. Chuyến thăm thắng lợi của ông tới Washington vào cuối tháng 6, với việc Tổng thống Mỹ trải thảm đỏ bằng bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại Nhà Trắng và sự kiện ông Modi có phát biểu thứ hai hiếm hoi trước phiên họp chung của Quốc hội Mỹ, dường như đánh dấu một chương mới trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ sau một phần tư thế kỷ thăng trầm.

Những đột phá trong hợp tác

Trước chuyến thăm của ông Modi, hai quốc gia cũng đạt được một số bước đột phá lớn, bao gồm Sáng kiến về Công nghệ quan trọng và mới nổi (iCET), được Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ Tứ ở Tokyo, Nhật Bản hồi tháng 5.2022. Vốn được coi là một cột mốc đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ song phương, iCET tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hợp tác sản xuất và phát triển, tăng cường liên kết giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp về các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện toán lượng tử, 5G và an ninh mạng. Nhà sản xuất chất bán dẫn Hoa Kỳ Micron Technology gần đây đã thông báo rằng họ có kế hoạch đầu tư 825 triệu USD vào một cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chip mới ở Ấn Độ.

Mỹ và Ấn Độ cũng đã công bố một số thỏa thuận quốc phòng, bao gồm thỏa thuận để Ấn Độ mua 30 máy bay không người lái MQ-9B Predator từ Mỹ và một kế hoạch hợp tác với General Electric để sản xuất động cơ máy bay chiến đấu F414 cho Không quân Ấn Độ. Những thỏa thuận này, trước đây chưa bao giờ được Mỹ ký kết với một quốc gia không phải là đồng minh chính thức. Điều đó đã làm nổi bật khía cạnh: mối quan hệ đối tác quốc phòng song phương được củng cố hơn bao giờ hết.

Nhân tố Trung Quốc

Ngày nay, Mỹ dường như sẵn sàng hơn rất nhiều để đáp ứng nỗi ám ảnh hậu thuộc địa của Ấn Độ về quyền tự chủ chiến lược. Trong khi Thủ tướng Modi, người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu, hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm thế tục của ông, Manmohan Singh, nhưng lại có sự ủng hộ đáng kể của lưỡng đảng đối với việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ Mỹ - Ấn.

Sự thay đổi này một phần được thúc đẩy bởi sự quyết đoán về địa chính trị của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, đó là chiến lược khác biệt hoàn toàn so với chủ trương “trỗi dậy hòa bình” của người tiền nhiệm. Trước tham vọng đó, Mỹ rõ ràng coi Trung Quốc là đối thủ chính của mình và tích cực theo đuổi các liên minh khu vực để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Theo truyền thống, Ấn Độ thường miễn cưỡng chọn bên, nhưng những căng thẳng ở biên giới thuộc dãy Himalaya vào tháng 6.2020, đã khiến tính trung lập không thể đứng vững. Điều đó phần nào được thể hiện qua việc, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây ở Hiroshima, đã có một hội nghị thượng đỉnh đáng chú ý của Bộ Tứ giữa Biden, Modi, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Trong cuộc họp, bốn nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết của họ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và bao trùm.

Những mẫu số chung về giá trị và lợi ích

Nhưng sẽ là một sai lầm nếu chỉ nhìn quan hệ Ấn Độ - Mỹ qua lăng kính Trung Quốc. Mỹ và Ấn Độ có nhiều điểm chung hơn người ta thường thừa nhận: những giá trị, ngôn ngữ chung và sự cống hiến để thúc đẩy đổi mới và tinh thần kinh doanh. Như Henry Kissinger từng nhận xét - hai nước “không có xung đột lợi ích theo nghĩa truyền thống và cơ bản”.

Yếu tố quan trọng nhất góp phần vào mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Ấn Độ là số lượng người Mỹ gốc Ấn ngày càng tăng, vượt quá 4 triệu người. Và nhóm dân cư này giàu có một cách không tương xứng, với thu nhập trung bình cao nhất so với bất kỳ nhóm sắc tộc nào ở Hoa Kỳ, kể cả so với người da trắng. Họ cũng đang trở thành một khối cử tri ngày càng có ảnh hưởng và vai trò nổi bật trong hoạt động gây quỹ chính trị, hoặc trong cơ quan công quyền. Hoa Kỳ đã có hai thống đốc và bảy thành viên của Quốc hội gốc Ấn Độ. Mẹ của Phó Tổng thống Kamala Harris là người Ấn Độ, còn Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley - hiện đang tranh cử tổng thống - cũng xuất thân từ gia đình gốc Ấn.

Mặc dù quan điểm chính trị của hai nước khác nhau, dòng chảy liên tục của hơn 150.000 sinh viên Ấn Độ đến Mỹ hàng năm góp phần vào sự năng động của mối quan hệ. Ngoài việc đầu tư gần 8 tỷ USD vào hệ thống giáo dục Hoa Kỳ và các dịch vụ liên quan, những người di cư này bảo đảm luôn truyền tải những ý tưởng và quan điểm mới. Về lâu dài, người Mỹ gốc Ấn có thể giúp định hình chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ giống như cách mà người Mỹ gốc Do Thái đóng vai trò định hình chính sách của Mỹ đối với Israel.

Trước đây, người ta thường nói rằng Pakistan là đồng minh của Mỹ nhưng không phải là bằng hữu, trong khi Ấn Độ là bằng hữu nhưng không phải là đồng minh. Với việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, Pakistan giờ đây đã trở thành một đồng minh ít quan trọng. Trong khi quan hệ Mỹ - Ấn chưa phải là một liên minh (do Ấn Độ khăng khăng đòi quyền tự chủ chiến lược), thì những người cho rằng lợi ích của hai nước phù hợp hơn so với các giá trị của họ, cũng thừa nhận rằng, những lợi ích đó cần có sự liên kết chặt chẽ hơn. Chuyến thăm của ông Modi là một dấu hiệu nữa cho thấy sự liên kết đó đã trở nên chặt chẽ như thế nào.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/lien-ket-nhung-khong-lien-minh-i335994/