Liên kết hóa giải thách thức

(ĐTTCO) -Đối với vùng kinh tế phía Nam, Đông Nam bộ có vị trí, vai trò đặc biệt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cả nước, hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển. Đặc biệt vùng Đông Nam bộ có TPHCM là một trung tâm kinh tế phát triển, tập trung các ngành công nghiệp thương mại, dịch vụ, du lịch, là đầu mối giao lưu kinh tế lớn nhất nước; có Vũng Tàu là thành phố cảng biển, trung tâm dịch vụ và công nghiệp, du lịch biển lớn của quốc gia; có trục đường xuyên Á chạy qua. Khu vực này còn là điểm trung chuyển của tuyến hàng không quốc tế Bắc – Nam, Đông - Tây, trên tuyến đường xuyên Á nối liền với các nước Đông Nam Á; đồng thời nằm gần các nước khu vực có nền kinh tế phát triển năng động như Singapore, Thái Lan, Malaysia… Trong khi đó, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Tiền Giang, Tây Ninh là những địa phương sản xuất dệt may lớn nhất toàn quốc, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Những năm qua, các địa phương vùng Đông Nam bộ đã phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa như các ngành điện tử, phần mềm, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, viễn thông, du lịch; đi đầu trong hội nhập, hợp tác có hiệu quả với các nước trong khu vực và thế giới. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, vùng kinh tế này đã thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, chiếm 51,6% số dự án cấp mới, 62,5% lượt dự án tăng vốn và 42,2% tổng vốn đầu tư trong cả nước. Có được kết quả này do các tỉnh, thành phố thuộc vùng đã không ngừng nâng cao chất lượng điều hành, minh bạch môi trường kinh doanh, thực hiện cải cách trên nhiều lĩnh vực, thực thi nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn, thường xuyên đối thoại trực tuyến chính quyền - doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động doanh nghiệp.

Hiện nay Đông Nam bộ đóng góp khoảng 33% vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, 45% GDP, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 49% xuất khẩu, 52% thu ngân sách. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận sự phát triển của Đông Nam bộ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng: chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu bền vững; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển, kết cấu hạ tầng chưa phát triển kịp với nhu cầu; sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương còn nhiều hạn chế; vấn đề liên kết vùng còn yếu. Mặc dù đã được quy hoạch thành vùng kinh tế trọng điểm nhưng thiếu thể chế đặc thù cũng như thiếu thể chế điều phối để mở rộng liên kết kinh tế.

Với thách thức như vậy, các tỉnh Đông Nam bộ có cách nào khắc phục? Một trong những cách khắc phục là tìm cách liên kết giữa các địa phương, liên kết giữa các doanh nghiệp, tạo ra chuỗi giá trị sản xuất, đồng thời tạo ra cụm liên kết công nghiệp (các ngành công nghiệp). Trong chuỗi sản xuất hiện nay, Việt Nam chỉ mạnh ở gia công, lắp ráp. Các ngành công nghiệp hỗ trợ gần như vắng bóng. Các ngành có tính dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kho vận, vận tải và dịch vụ tư vấn còn hạn chế. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa vươn tầm hoạt động, bị tắc lại ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị. TPHCM với thế mạnh lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ trí thức vốn có, nếu cùng nhau liên kết với các tỉnh, sẽ tạo ra sự phân công lao động trong khu vực Đông Nam bộ. Các đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo dựng chuỗi giá trị và các cụm ngành công nghiệp nhằm phát huy thế mạnh của nhau, mới tạo được những hạm đội lớn cùng nhau ra biển. Ngoài ra cần tạo ra các cơ chế để phối hợp, giải quyết các xung đột mâu thuẫn xuyên biên giới giữa các tỉnh. Đó là những vấn đề cực kỳ cấp thiết.

Bên cạnh đó, cần rà soát, làm rõ hơn định hướng kinh tế của vùng này theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch để không cạnh tranh với các vùng khó khăn về các loại hình đầu tư dựa vào lao động giá rẻ, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, cũng cần xây dựng quỹ, các vườn ươm phát triển doanh nghiệp trong nước gắn với đầu tư sáng tạo công nghệ của các trung tâm nghiên cứu của doanh nghiệp; phát triển dịch vụ chất lượng cao và hiện đại đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi thương mại, nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ còn góp phần quan trọng để hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh liên kết và phát triển kinh tế - xã hội các vùng khác trong phạm vi cả nước.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161109/lien-ket-hoa-giai-thach-thuc.aspx