Liên kết để tham gia chuỗi sản xuất

Các DN cần có sự liên kết chặt chẽ bởi khi đã kết nối được với nhau, sẽ tạo đầu ra ổn định và đảm bảo được chất lượng tốt.

Trong xu hướng hội nhập kinh tế, nếu các DN cứ đứng một mình, đơn lẻ trong “cuộc chiến thương trường”, sẽ rất khó trụ vững. Chính vì vậy, một yêu cầu rất quan trọng hiện nay là các DN cần có sự liên kết chặt chẽ bởi khi đã kết nối được với nhau, sẽ tạo đầu ra ổn định và đảm bảo được chất lượng tốt.

Điều quan trọng tạo nên thành công trong sự liên kết này được ông Phạm Thanh Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Trứng sạch Ba Huân cho biết: cả DN và nông dân, nhà sản xuất đều phải chủ động tìm đến nhau trao đổi, thỏa thuận để đi đến những ký kết và cùng hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm. Là một DN có hàng chục năm làm ăn, giao dịch với bà con nông dân tiêu thụ trứng gia cầm, ông Hùng cho biết điều DN luôn coi trọng đó là chữ tín với nhà sản xuất bằng việc giữ đúng cam kết và không để họ chịu thiệt.

“Nếu giá trứng gia cầm trên thị trường rớt xuống thấp, DN sẽ có sự hỗ trợ về giá để làm sao giá thu mua từ bà con là giá tốt nhất, bà con sẽ không bị lỗ bất kỳ một khoản nào trong chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, hàng đến tay người tiêu dùng cũng đảm bảo giá tốt. Đó là lý do mà thương hiệu Ba Huân được nhiều người biết đến. Cũng chính vì vậy, chúng tôi chưa bao giờ gặp chuyện bà con bán hàng cho thương lái mà bỏ qua cam kết với DN”, ông Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để các sản phẩm của các DNNVV chiếm được chỗ đứng trong hệ thống phân phối và các siêu thị lớn như: Big C, Saigon Co.op, bởi, nếu không cũng đồng nghĩa với việc, sản xuất nội địa mãi chỉ nhỏ lẻ manh mún. Theo bà Lê Thị Mai Linh, Phó giám đốc Tập đoàn Centar Group, với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các sản phẩm của DN khi tham gia vào hệ thống phân phối lớn như Big C, hay Saigon Co.op thì yếu tố quan trọng nhất là phải đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng, quy chuẩn, nguồn gốc.

Hệ thống siêu thị Big C hiện nay thiết lập những bộ phận thu mua ở từng địa phương để giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm ngay tại vùng đó. Bà Linh cũng đồng tình với ý kiến của vị phó tổng giám đốc Công ty Ba Huân khi cho rằng, trong thời buổi hiện nay, cả DN và nhà sản xuất đều phải chủ động tìm đến nhau và cùng thảo luận để có thể tạo được một chuỗi liên kết khép kín, bền chặt. “Big C đã và đang chủ động đến từng địa bàn kết nối với từng nhà sản xuất, chỉ khi kết nối chúng ta mới tạo sức mạnh tổng hợp, còn nếu không kết nối, rời rạc, manh mún, lẻ tẻ là khó sống”, bà Linh nói.

Một giám đốc DNNVV chia sẻ tại Seoul (Hàn Quốc), tất cả các sản phẩm nông sản mà bà con nông dân làm ra chỉ việc đưa lên sàn giao dịch nông sản và chính nơi đây quyết định về giá, bà con nông dân có thể bán được với giá có lợi nhất. Bà Trần Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng muốn bán đấu giá phải có sàn, muốn mang sản phẩm đến chợ thì phải có đầu mối thu mua.

Nhưng hiện nay hạ tầng thương mại của ta đang rất thiếu và yếu. Trong khi đó, phương án kinh doanh, định hướng chiến lược của DN Việt cũng rất mờ mịt, nói cách khác là vẫn tư duy theo lối tùy tiện, thích đâu thì xây đó, “nhiều khi Sở Công thương chúng tôi nhận được văn bản xin mở siêu thị chỗ này, xây chợ ở chỗ kia rất manh mún, không có chiến lược dài lâu nên rất khó để phát triển mạnh mẽ.

Trong khi các DN nước ngoài khi xây dựng một chuỗi bán hàng phân phối ở Việt Nam là họ đã xác định ngay từ đầu làm trong bao lâu và sẽ làm những gì… tất cả đều có từng phương án, bước đi cụ thể. Kế hoạch hành động của DN nước ngoài hết sức quy mô, bài bản. Bởi vậy, theo bà Lan, muốn giải được bài toán tiêu thụ nông sản, phát triển chuỗi cung ứng, chưa kể đưa hàng ra phân phối nước ngoài, rất cần cả nhà nước và DN có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng thương mại.

Trần Hương

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/lien-ket-de-tham-gia-chuoi-san-xuat-68619.html