Liên kết chuỗi kết nối cung cầu

Tại buổi họp báo sáng 29/3, Tổng cục Thống kê đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý 1 năm 2024. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm 2020 - 2023.

Nhiều điều kiện để doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Ảnh: Quang Vinh.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), những tháng đầu năm 2024, mặc dù kết quả tăng trưởng ở một số lĩnh vực đã có dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn hiện hữu nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp khó lường của kinh tế toàn cầu vẫn là những trở ngại, thách thức lớn trong điều hành, cũng như xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho những quý tiếp theo. Căn cứ kết quả hoạt động kinh tế trong nước và diễn biến kinh tế thế giới trong quý 1/2024, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1, GDP tăng 6%. Cụ thể quý 1 tăng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó quý 2 tăng khoảng 5,85%; quý 3 tăng khoảng 6,22%; quý 4 tăng khoảng 6,28%. Kịch bản 2, GDP tăng 6,5%: Quý 1 tăng khoảng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó quý 2 tăng khoảng 6,32%; quý 3 tăng khoảng 6,79%; quý 4 tăng khoảng 7,08%.

Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu trong những quý còn lại, bà Hạnh cho rằng, cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ, bám sát các mục tiêu và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ và tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp theo từng lĩnh vực. Cụ thể, về góc độ sản xuất: Đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu; tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Đối với nông, lâm nghiệp và thủy sản, khắc phục ảnh hưởng của xâm ngập mặn, hạn hán, kiểm soát tốt dịch bệnh, giá thành, giá bán sản phẩm; đối với công nghiệp và xây dựng thì quyết liệt thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động, sản xuất kinh doanh; khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; chủ động đảm bảo cung ứng điện phục vụ nhu cầu điện tiêu dùng và sản xuất; ổn định giá cả nguyên vật liệu đầu vào, bảo đảm cân đối cung cầu; phát triển mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics…

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng, du lịch, mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước…cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của Việt Nam…

Chuyên gia kinh tế Vũ Bích Lâm cũng cho rằng, kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức không hề nhỏ do nền kinh tế có độ mở lớn, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, thách thức mang yếu tố chủ quan từ nội tại của nền kinh tế; khu vực doanh nghiệp khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn và lao động có kỹ năng. Trong quý 1/2024, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ tăng 4,93%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá so sánh chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước (quý 1/2023 tăng 10,1%). Điều này chứng tỏ tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính còn cao, phải thắt chặt chi tiêu. Tổng cầu tiêu dùng trong nước và thế giới phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khả năng tài chính hạn hẹp, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm 2024 ở mức cao, gấp 1,23 lần số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Ông Lâm nhận định, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 thì những quý còn lại GDP phải tăng từ 6,2% trở lên và điều này không phải là dễ. Ông Lâm đưa ra một số giải pháp như: Thúc đẩy đầu tư công; duy trì, kích thích tổng cầu trong nước về tiêu dùng, đẩy mạnh và làm mới du lịch; đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh; ổn định giá; cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng, Chính phủ xem xét tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ hỗ trợ doanh nghiệp như: giãn, hoãn thời hạn nộp một số khoản thuế, phí cho doanh nghiệp; tiếp tục tháo gỡ rào cản về môi trường pháp lý, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, tạo niềm tin cho khu vực doanh nghiệp…

Đặc biệt, “Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phù hợp, giữ ổn định vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước cũng cần kiên định thực hiện chính sách tín dụng và lãi suất phù hợp, hài hòa với nhu cầu. Từ đó, đảm bảo lợi ích của các thực thể có liên quan trong nền kinh tế, giữ giá trị VND, giảm áp lực lạm phát tiền tệ đối với nền kinh tế; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước” - ông Lâm nói.

Trong quý 1/2024, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ tăng 4,93%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá so sánh chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước (quý 1/2023 tăng 10,1%). Điều này chứng tỏ tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính còn cao, phải thắt chặt chi tiêu. Tổng cầu tiêu dùng trong nước và thế giới phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khả năng tài chính hạn hẹp, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm 2024 ở mức cao, gấp 1,23 lần số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

THÁI NHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lien-ket-chuoi-ket-noi-cung-cau-10276678.html