Liên hợp quốc lên án bạo lực tình dục trong chiến sự ở Sudan

Người đứng đầu về nhân quyền của Liên hợp quốc, Volker Turk, mới đây đã kêu gọi cả hai phe tham chiến ở Sudan chấm dứt bạo lực tình dục và bảo vệ mạng sống của thường dân.

Các cuộc đụng độ tiếp tục diễn ra ở thủ đô Khartoum của Sudan bất chấp thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày mới chỉ bước sang ngày thứ hai vào thứ Tư (24/5), với việc Liên hợp quốc lên án việc sử dụng bạo lực tình dục trong cuộc xung đột.

 Một góc phố bị tàn phá ở Sudan. Ảnh: AFP

Một góc phố bị tàn phá ở Sudan. Ảnh: AFP

Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất đang được Ả Rập Xê Út và Mỹ giám sát. Theo đó nó cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo, với hy vọng nó có thể mở đường cho việc tạm dừng các cuộc đụng độ.

Giao tranh ác liệt, từ ngày 15 tháng 4, đã diễn ra giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF). Một số thỏa thuận ngừng bắn đã được làm trung gian, nhưng không thỏa thuận nào có thể dập tắt hoàn toàn giao tranh.

Lệnh ngừng bắn hiện tại bắt đầu vào tối thứ Hai vừa rồi và kéo dài trong 7 ngày, với khả năng gia hạn sau đó. Các phe phái đối địch của Sudan đã gặp nhau để đàm phán thỏa thuận này ở Ả Rập Xê Út.

Volker Turk, người đứng đầu về nhân quyền của LHQ, đã mô tả tình hình ở nước này là "đau lòng" trong một cuộc họp báo ở Geneva hôm thứ Tư. Ông báo cáo những vi phạm lệnh ngừng bắn đang diễn ra, nói rằng văn phòng của mình đã nhận được báo cáo về các máy bay chiến đấu và các cuộc đụng độ ở Khartoum.

Người đứng đầu về nhân quyền của LHQ cũng báo cáo việc sử dụng bạo lực tình dục trong cuộc xung đột, cho biết văn phòng của ông đã ghi nhận ít nhất 25 trường hợp cho đến nay. Ông nói thêm rằng con số thực có thể cao hơn nhiều.

Ông Turk kêu gọi lãnh đạo quân đội Sudan là Tướng Abdel-Fattah Burhan và Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, người lãnh đạo nhóm RSF, "ra chỉ thị rõ ràng... rằng không có sự khoan nhượng đối với bạo lực tình dục".

Trong khi đó, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của LHQ cho biết, cuộc giao tranh đã khiến hơn 1 triệu người phải di dời trong nước cho đến nay. Ước tính có khoảng 319.000 người đã vượt biên sang các nước láng giềng, bao gồm Ai Cập, Chad và Nam Sudan.

Mai Anh (theo AFP, DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-hop-quoc-len-an-bao-luc-tinh-duc-trong-chien-su-o-sudan-post249114.html