Liên Hợp Quốc điều tra cuộc xung đột Israel - Hamas ở Gaza

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đồng ý khởi động một cuộc điều tra quốc tế về các vi phạm trong cuộc xung đột kéo dài 11 ngày giữa Israel và các nhóm người Palestine ở Gaza, cũng như các vụ lạm dụng 'có hệ thống' ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và bên trong Israel.

Dải Gaza hoang tàn sau các vụ không kích của Israel. Ảnh: AJ

Bài liên quan

Mỹ đưa giải pháp cho xung đột Israel - Palestine: Cách thức mới cho ý tưởng cũ

Israel và Hamas cùng tuyên bố chiến thắng sau lệnh ngừng bắn

Israel và Hamas đồng ý ngừng bắn ở Gaza, Mỹ cam kết hỗ trợ

Đảng Dân chủ Hạ viện Mỹ muốn chặn việc bán vũ khí cho Israel

Với 24 nước đồng ý, 9 quốc gia phản đối, với 14 phiếu trắng, diễn đàn gồm 47 thành viên đã thông qua một nghị quyết sau một phiên họp đặc biệt kéo dài 1 ngày vào thứ Năm (27/5) do Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và phái đoàn Palestine tại Liên Hợp Quốc tổ chức.

Nghị quyết kêu gọi thành lập Ủy ban điều tra thường trực để giám sát và báo cáo về các vi phạm quyền ở Israel, Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Theo văn bản, ủy ban cũng phải điều tra "tất cả các nguyên nhân cơ bản của căng thẳng tái diễn, bất ổn và kéo dài xung đột", bao gồm phân biệt đối xử và đàn áp.

Cuộc điều tra nên tập trung vào việc thiết lập các sự kiện và thu thập bằng chứng cho các thủ tục pháp lý, nhằm xác định các thủ phạm để đảm bảo họ phải chịu trách nhiệm.

Israel cho biết họ sẽ không hợp tác với cuộc điều tra.

“Quyết định đáng xấu hổ hôm nay là một ví dụ khác về nỗi ám ảnh chống Israel trắng trợn của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết trong một tuyên bố. “Hành động phản bội này là một sự nhạo báng luật pháp quốc tế và khuyến khích những kẻ khủng bố trên toàn thế giới”, ông nói thêm.

Một phát ngôn viên của phong trào Hamas hiện đang quản lý Gaza hoan nghênh cuộc điều tra, gọi các hành động của họ là "sự phản kháng hợp pháp", và thúc giục "các bước ngay lập tức để trừng phạt" Israel.

Chính quyền Palestine hoan nghênh nghị quyết, nói rằng nghị quyết này là “sự công nhận của quốc tế đối với sự áp bức và phân biệt đối xử có hệ thống của Israel đối với người dân Palestine”.

"Thực tế về phân biệt chủng tộc và trừng phạt này không còn có thể bị bỏ qua", họ nói thêm.

“Mặc dù ủy ban không có quyền trừng phạt những người mà họ cho là có tội, nhưng hành động này đánh dấu một mức độ giám sát chưa từng có đối với Israel từ trước tới nay của Liên Hợp Quốc", phóng viên của Al Jazeera nhận định.

Mở đầu phiên họp, Trưởng ban nhân quyền của Liên hợp quốc Michelle Bachelet nói rằng các cuộc tấn công gần đây của Israel vào Dải Gaza bị bao vây khiến hơn 200 người Palestine thiệt mạng có thể cấu thành "tội ác chiến tranh".

Bà Bachelet cho biết: “Mặc dù được cho là nhắm vào các thành viên của các nhóm vũ trang và cơ sở hạ tầng quân sự của họ, nhưng các cuộc tấn công của Israel đã dẫn đến nhiều thiệt hại và thương tích dân sự, cũng như phá hủy quy mô lớn và gây thiệt hại cho các đối tượng dân sự".

“Nếu bị phát hiện không cân xứng, những cuộc tấn công như vậy có thể cấu thành tội ác chiến tranh", bà khẳng định. Bà cũng cho biết việc Hamas bắn tên lửa bừa bãi vào Israel là "vi phạm rõ ràng luật nhân đạo quốc tế".

“Tuy nhiên, hành động của một bên không làm cho bên kia thoát khỏi nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế", bà nói.

Bà cảnh báo bạo lực có thể bùng phát trở lại trừ khi nguyên nhân gốc rễ được giải quyết.

Theo Bộ Y tế Gaza, cuộc tấn công kéo dài 11 ngày trên Dải Gaza, bắt đầu từ ngày 10/5, đã giết chết ít nhất 254 người Palestine, trong đó có 66 trẻ em và làm bị thương hơn 1.900 người.

Ít nhất 12 người, bao gồm 3 công nhân nước ngoài và 2 trẻ em, đã thiệt mạng tại Israel bởi tên lửa của Hamas và các nhóm vũ trang khác từ Gaza bắn ra trong cùng thời gian.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-hop-quoc-dieu-tra-cuoc-xung-dot-israel--hamas-o-gaza-post135853.html