Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Dải Gaza

Bối cảnh xung đột khiến người dân ở Dải Gaza phải đối diện với nạn đói khi các nguồn lương thực cạn kiệt.

 Trẻ em nhận lương thực ở Rafah, phía Nam Dải Gaza (Ảnh: UNICEF)

Trẻ em nhận lương thực ở Rafah, phía Nam Dải Gaza (Ảnh: UNICEF)

Ngày 16/5, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cho biết, người dân ở Dải Gaza đang đối diện với nạn đói khi các nguồn lương thực cạn kiệt, đồng thời cho rằng chiến dịch của Israel ở thành phố Rafah gây ra nhiều khó khăn cho việc lập kế hoạch và phân phối hàng cứu trợ.

Cũng theo ông Martin Griffiths, Liên hợp quốc đang gặp khó khăn trong việc giúp đỡ người dân ở Dải Gaza, trong khi việc vận chuyển hàng viện trợ gần như bị dừng lại ở các khu vực miền Nam và các cuộc giao tranh mới làm tăng thêm thách thức cho hoạt động phân phối.

Trong khi đó, cũng vào ngày 16/5, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết sẽ điều thêm binh lính đến thành phố Rafah trong bối cảnh Israel tăng cường các hoạt động quân sự ở thành phố phía Nam Dải Gaza.

Trong thông báo của văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, ông Gallant nói rằng chiến dịch quân sự tại Rafah sẽ tiếp tục với việc bổ sung lực lượng vào khu vực của thành phố này.

Trước đó, vào đầu tháng 5, các lực lượng của Israel tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự ở phía Đông thành phố Rafah, mặc dù cộng đồng quốc tế cảnh báo chiến dịch này sẽ đẩy khoảng 1,4 triệu người dân đang tránh trú tại Rafah vào tình cảnh thảm khốc.

Theo số liệu của Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), khoảng 600.000 người đã phải buộc phải rời bỏ nơi trú ẩn tại Rafah khi Israel đẩy mạnh hoạt động quân sự tại đây.

Trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ dân thường ở Gaza đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng do xung đột, ngày 16/5, Lực lượng vũ trang Jordan phối hợp với Ai Cập và Đức đã tiến hành 3 đợt thả dù hàng viện trợ nhân đạo xuống nhiều địa điểm khác nhau ở phía Nam Dải Gaza.

Kể từ khi bùng phát xung đột vào tháng 10/2023, các lực lượng vũ trang Jordan đã tiến hành tổng cộng 94 đợt thả dù hàng viện trợ nhân đạo, 244 đợt thả dù với sự hợp tác của các nước khác.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Văn phòng phụ trách Điều phối các vấn đề nhân quyền của Liên hợp quốc (OCHA) thừa nhận việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza là điều “gần như không thể”.

Thông báo của OCHA cho biết các cửa khẩu quan trọng để hàng viện trợ vào Dải Gaza đã bị đóng cửa trong vài ngày và hiện không an toàn để tiếp cận vùng đất này, cũng như không khả thi về mặt hậu cần.

Trước đó, Israel đã đóng cửa cửa khẩu thương mại duy nhất giữa Kerem Shalom với Dải Gaza, để đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas vào một điểm quân sự của Israel gần đó, khiến 4 binh sĩ thiệt mạng. Ngay sau khi mở cửa trở lại vào ngày 8/5, lực lượng Hamas đã bắn 8 quả tên lửa từ thành phố Rafah về phía khu vực giao cắt Kerem Shalom. Cuộc tấn công này xảy ra sau khi quân đội Israel tuyên bố "kiểm soát hoạt động" ở cửa khẩu Rafah, trên thực tế đã đóng cửa điểm vào quan trọng này đối với các xe tải viện trợ từ Ai Cập vào Dải Gaza.

OCHA và các tổ chức nhân đạo khác cảnh báo về tác động tàn khốc của việc đóng cửa các cửa khẩu đối với hơn 2 triệu người Palestine ở Dải Gaza./.

PG (tổng hợp)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/lien-hop-quoc-canh-bao-nguy-co-nan-doi-o-dai-gaza-665273.html