Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật: Khi hiện vật lên tiếng

Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật ấn hành tháng 5-2024.

Công trình nghiên cứu Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật của tác giả Neil MacGregor, nguyên Giám đốc Bảo tàng Anh, thông qua nhiều hiện vật vô giá tiêu biểu, tái hiện lại quá trình phát triển của loài người qua một quyển sách.

Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật (Nhà xuất bản Tri Thức và Omega Plus ấn hành) gồm 20 phần, 790 trang với 12 trang phụ bản in màu hiện vật được lưu trữ tại Bảo tàng Anh (British Museum ở London, mở cửa từ năm 1959, nơi có bộ sưu tập lớn nhất trên thế giới gồm khoảng 8 triệu hiện vật). Đây là những hiện vật chọn lọc mang tính bao quát thế giới, đề cập nhiều khía cạnh văn hóa, đời sống xã hội trong suốt dòng chảy lịch sử phát triển nhân loại. Thông qua chúng, độc giả có thể hình dung, ngưỡng mộ một nền văn hóa, thấu hiểu một “câu chuyện lịch sử mà chỉ có đồ vật mới có thể kể ra” và lại tiếp tục mong mỏi khám phá về thế giới biến chuyển không ngừng.

* Hiện vật lên tiếng

Quyển sách bách khoa có tựa gốc A history of the world in 100 objects, chứa những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, độc đáo xoay quanh các hiện vật tiêu biểu, được kể lại một cách súc tích, đầy ắp thông tin và lòng đam mê hiếm thấy. Ưu điểm từ công trình nghiên cứu đáng nể của tác giả MacGregor chính là diễn giải chi tiết về đặc điểm hiện vật kèm hình ảnh sắc nét.

Tác giả Neil MacGregor sinh năm 1946, là sử gia về nghệ thuật từng làm Giám đốc Bảo tàng Quốc gia London (Nation Gallery London) giai đoạn năm 1987-2002, kế đó là Giám đốc Bảo tàng Anh (British Museum) giai đoạn năm 2002-2015.

Độc giả sẽ trầm trồ trước những báu vật phong phú, đa dạng và hài lòng khi mình được nhìn ngắm lịch sử tiến hóa và phát triển của loài người thông qua một cuốn sách nghệ thuật giải mã “những chỉ dấu từ quá khứ”, hé lộ thông điệp vượt thời gian mà hiện vật muốn truyền đạt. Có thể gọi chúng là kho báu của nhân loại, bao gồm những hiện vật “vương quyền phú quý”, những công trình nghệ thuật tinh xảo, lẫn những món đồ bình thường trong đời sống.100 hiện vật “trưng bày” qua từng trang sách không chỉ giúp độc giả thỏa mãn trí tò mò khi tìm hiểu về quá khứ sơ khai đến hiện đại của trái đất, mà còn trợ giúp cho công việc học tập, nghiên cứu, giáo dục lâu dài. Nhiều hiện vật có đặc điểm dị biệt hay ẩn khuất rất thú vị, đòi hỏi người quan sát, nghiên cứu và phản ánh với mắt nhìn tinh ý và am tường. Đơn cử như chiếc âu tế lễ đời nhà Chu (ra đời khoảng 1000 năm TCN).

Theo dịch giả cuốn sách - ông Nguyễn Tuấn Bình - chiếc âu này là một vật dụng đựng thức ăn, cũng đồng thời là “một món đồ tế lễ, một công cụ của uy quyền bởi nằm dưới đáy có dòng chữ khắc cho biết nó được chế tác cho một viên tướng nhà Chu”.

* “Muôn kiếp sinh tồn”

Sách trình bày khoa học, dễ tiếp cận với độc giả phổ thông khi tác giả chia 5 cụm hiện vật trên khắp lục địa trên trái đất. Các hiện vật lần lượt trình làng theo thời gian tịnh tiến. Câu chuyện lịch sử về loài người được hiện ra thông qua những hiện vật mà Neil MacGregor và các cộng sự lựa chọn.

Khi những món đồ cổ “lên tiếng” từ cả triệu năm tháng xa xôi vọng về, trí tưởng tượng của độc giả được khơi gợi về “muôn kiếp sinh tồn” của chúng. Có thứ chứa lời khấn nguyện phương Tây, có vật thể hiện tín ngưỡng
phương Đông…

“Nghĩ về quá khứ hay về thế giới xa xăm thông qua đồ vật lúc nào cũng là công cuộc tái tạo đầy nên thơ. Đôi khi đó có thể là cách thức tuyệt vời nhất để nắm bắt hằng bao điều về thế giới này, không chỉ là trong quá khứ mà trong chính thời đại của chúng ta. Chúng ta đã bao giờ từng có thể thực sự hiểu người khác chưa?” - trích sách Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật.

Đó có thể là công cụ bổ chẻ bằng đá 2 triệu năm tuổi; chiếc mũ trụ trong ngôi mộ thuyền Sutton Hoo; bức tượng nữ thần của người Huastec; chiếc rìu ngọc bích đến từ Canterbury; cốc vại Hedwig thời trung cổ; mảnh vải dệt từ những xác ướp ngàn năm tại Paracas; những bức điêu khắc về thân phận nhỏ bé của con người trong bao thời loạn lạc, lầm than; hay hiện vật của những nền văn minh không có chữ viết và bị lãng quên. Những biểu tượng đã tạo ra bởi cội nguồn các nền văn hóa đã từng hoặc đang hiện diện trên trái đất.

Trân trọng mọi nền văn minh cổ đại, mọi hiện vật cổ xưa, đưa ra được ý nghĩa chính xác của hiện vật bằng sự nhẹ nhàng lẫn uyên bác, tác giả làm được một công việc đầy giá trị, nhân văn, đáng tin cậy và kính trọng. MacGregor cho thấy có mối tương đồng giữa lịch sử nhân loại với đời sống hiện đại của chúng ta ngày nay. Tờ The Telegraph nhận xét “cuốn sách nhắc nhở sâu sắc và thấm thía trong lòng chúng ta về di sản chung của nhân loại”. Còn Star Tribune thì cho rằng tác phẩm còn “khai mở những chủ để lớn lao hơn như đức tin tôn giáo, sự phát triển đô thị, vai trò của phụ nữ và tiến bộ công nghệ”.

Chuyến du hành khám phá tri thức

Một số hiện vật trong sách

Dịch giả Nguyễn Tuấn Bình chia sẻ quá trình dịch tác phẩm này giúp ông “như được chu du trên chuyến hành trình từ chiếc chén Trung Hoa thời Hán, ghé qua di tích đền thờ Phật Borobudur tại Indonesia, rong ruổi tới tận Đông Phi để cầm trên tay những mảnh nồi niêu vỡ tại Tanzania... Hy vọng bạn cũng có cảm giác đó giống tôi, để được sống cùng cuộc đời của hiện vật, theo chân nó băng qua không gian, thời gian để đến với các nền văn minh khác nhau, dẫu đã lãng quên hay vẫn còn âm hưởng vang vọng trong bản sắc của các dân tộc trên khắp địa cầu”.

Cẩm Điệp

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/lich-su-the-gioi-qua-100-hien-vat-khi-hien-vat-len-tieng-a86637f/