Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật

100 hiện vật được giới thiệu trong cuốn sách này, tự thân chúng sẽ kể cho ta nghe những câu chuyện còn ít được biết đến về hành trình tiến hóa của xã hội loài người.

Từ khoảng những năm 1960 đến nay, giới sử học đã nỗ lực trình bày thiên tự sự về quá khứ dưới vô vàn góc nhìn khác nhau. Từ lịch sử dài hạn tới lịch sử ngắn, hẹp; từ đại sử đến vi lịch sử; từ quan sát vũ trụ và thế giới biến đổi ra sao tới phân tích lối sinh hoạt của một ngôi làng trong một thế kỷ đã diễn ra thế nào. Song, lịch sử nhân loại tiếp cận từ loạt hiện vật trưng bày trong bảo tàng dường như lại gợi ý một bức tranh có những mảng màu và bố cục hoàn toàn khác.

Bảo tàng Anh với truyền thống hơn 250 năm đã trở thành một trong những nguồn cung cấp dữ liệu quan trọng nhất để hậu thế phác dựng lại bức tranh quá khứ phong phú, sống động và lôi cuốn. Năm 2010, Neil Macgregor, khi đó là Giám đốc Bảo tàng Anh, đã tập hợp các bài trình bày từ một chương trình phát thanh dài kỳ để xuất bản thành cuốn sách Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật. Đây được xem là một trong những thử nghiệm nhằm đổi mới phương thức tương tác với đại chúng mà Bảo tàng Anh đã thực hiện trong nhiều thập niên.

Macgregor đã lựa chọn 100 hiện vật tiêu biểu từ nhiều bộ sưu tập khác nhau do Bảo tàng Anh sở hữu để đại diện cho những thời đại hay giai đoạn lịch sử mà nhân loại đã trải qua. Cứ năm hiện vật sẽ tạo thành một nhóm, chia sẻ những mối liên hệ hay thông điệp gần gũi với nhau. Chặng đường băng qua 20 nhóm hiện vật đó cũng chính là chặng đường nhân loại từng đi qua, với dấu vết còn ghi lại là các hiện vật.

 Bản tiếng Việt của cuốn sách sắp được phát hành. Nguồn: NTB

Bản tiếng Việt của cuốn sách sắp được phát hành. Nguồn: NTB

Cuốn sách khởi đầu từ công cụ chặt bằng đá ở di chỉ Olduvai, Đông Phi, có niên đại cách ngày nay khoảng hai triệu năm và kết thúc với bộ đèn kèm tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất ở Thâm Quyến, Trung Quốc năm 2010, một sản phẩm tân tiến của thời đại công nghệ.

Trong tiến trình hai triệu năm đó, độc giả sẽ lần lượt đi qua những nền văn minh đầu tiên, các “siêu đế chế”, sự trỗi dậy của các đức tin, những thú tiêu khiển của giới tinh hoa, con đường tơ lụa, hành hương và thánh chiến, toàn cầu hóa sớm, thực dân và khai sáng, sản xuất hàng loạt và một thế giới mới đang định hình.

Các hiện vật đều phản ánh linh hồn của thời đại, đặc trưng của cộng đồng, của môi trường nơi chúng sinh ra - từ Trung Đông tới Đông Á, từ Đông Nam Á tới châu Âu, phân bố khắp khu vực Ấn Độ Dương thậm chí vươn tới cả vùng châu thổ ở Tây Phi hay vùng núi Andes ở Nam Mỹ.

Trên nền của khung cảnh toàn cầu rộng lớn đó, tổ tiên của chúng ta đã bành trướng ra khắp các châu lục, xây dựng và vận hành các thiết chế, tổ chức hoạt động kinh tế, tiến hành chiến tranh, trao đổi tư tưởng và sáng kiến, sáng tạo văn chương và nghệ thuật, cải tiến công nghệ.

Liên quan tới nỗ lực thoát khỏi những khuôn mẫu về mốc thời gian hay không gian xác định, Macgregor đã có phát hiện độc đáo, đó là vào cùng một thời gian, đâu đó khoảng năm 300, các hiện vật Phật giáo, Hindu giáo và Ki-tô giáo đều bắt đầu tập trung vào hình ảnh cơ thể con người, đồng thời hướng tới những quy ước biểu trưng còn tồn tại tới tận ngày nay. Những động lực nào thúc đẩy sự trùng hợp theo kiểu này?

Hay ở một chiều kích khác, Macgregor nhận thấy, tại cùng một địa điểm, câu chuyện lịch sử có thể tái diễn đôi ba lần với mỗi lần cách nhau cả ngàn năm. Chẳng hạn tượng Nhân sư Taharqo, đầu bức tượng Augustus và chiếc trống khe từ Khartoum trước sau đều ghi nhận lịch sử xung đột giữa các nhà cai trị ở Ai Cập với người Sudan. Và dù đó là Ai Cập của các Pharaoh, của Augustus hay Nữ hoàng Victoria thì đều gợi ý rằng khu vực tiếp giáp giữa Địa Trung Hải và châu Phi luôn tồn tại một đường đứt gãy địa chính trị kéo dài với hệ quả là lịch sử xung đột không ngơi nghỉ, bất kể người cai trị là ai. Đây là những thông điệp vượt thời gian giúp lý giải nhiều vấn đề của hiện tại.

Những hiện vật nhiều tầng bậc ý nghĩa

Kể lại lịch sử thông qua hiện vật chính là mục đích của bảo tàng. Cuốn sách này kể câu chuyện về những tiến trình phức tạp, về các xã hội, các biến đổi to lớn trong quá khứ, thay vì tập trung vào một vài biến cố điển hình. Các hiện vật luôn chứa đựng những diễn ngôn về thế giới nơi chúng được tạo ra, về quá trình con người định nghĩa và tái định nghĩa chức năng hay vị trí của chúng trong các thời kỳ sau này, về những thay đổi của địa điểm hay số phận vượt quá hình dung ban đầu của người tạo tác. Câu chuyện ẩn tàng sau bức tượng Tara và chiếc đĩa Cách mạng Tháng Mười Nga có lẽ là những dẫn chứng xác đáng hơn cả cho điều này.

Được chế tác tại Sri Lanka vào khoảng năm 700-800 khi Phật giáo chiếm ưu thế gần như tuyệt đối, bức tượng Tara gắn liền với hiện thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhà cai trị của vương quốc đã bỏ chi phí để đúc bức tượng khi đó hẳn nhiên mong muốn một sự chính danh hóa vương quyền của mình, đồng thời liên kết vương quyền với thần quyền thông qua sức mạnh từ bi của của vị Bồ Tát có năng lực cứu khổ cứu nạn tất thảy chúng sinh.

 Tượng Tara được chế tác tại Sri Lanka vào khoảng năm 700-800 khi Phật giáo chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Nguyên bản Tara là một nữ thần Hindu giáo nhưng được các Phật tử thuần thành chấp nhận trở thành dạng thức thể hiện của một vị Bồ Tát. Nguồn: Bảo tàng Anh

Tượng Tara được chế tác tại Sri Lanka vào khoảng năm 700-800 khi Phật giáo chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Nguyên bản Tara là một nữ thần Hindu giáo nhưng được các Phật tử thuần thành chấp nhận trở thành dạng thức thể hiện của một vị Bồ Tát. Nguồn: Bảo tàng Anh

Một trong những điều lý thú ở hiện vật này là, nguyên bản Tara là một nữ thần Hindu giáo và sau này được các Phật tử thuần thành chấp nhận trở thành dạng thức thể hiện của một vị Bồ Tát – một minh chứng cực kỳ thú vị cho cuộc tiếp biến văn hóa liên tục giữa Phật giáo với Hindu giáo tại đảo quốc Sri Lanka qua nhiều thế kỉ. Bức tượng đồng đầy vẻ gợi cảm đặc trưng của tượng thần Hindu lại được đặt trong tu viện Phật giáo, và tuy được làm ra dành cho một vương triều nói tiếng Sinhala nhưng nó vẫn phần nào ẩn hiện phong cách Hindu của những sắc dân nói tiếng Tamil. Vô số lớp lang ý nghĩa ẩn sau một hiện vật cụ thể như vậy: mối quan hệ giữa thế tục và tâm linh, giữa đảo Sri Lanka với miền Nam Ấn Độ, giữa Phật giáo với Hindu giáo, giữa người Sinhala với người Tamil. Tất cả vẫn còn tiếp diễn trong cả những cuộc xung đột cũng như đối thoại sau đó 1.200 năm.

Chiếc đĩa của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga là đồ vật đại diện cho thế kỷ XX, thế kỷ bị thống trị bởi ý thức hệ và chiến tranh. Không giống như nhiều hiện vật khác, chiếc đĩa này đã được những người tạo tác biến đổi cả chức năng lẫn vai trò chỉ trong hai thập kỷ.

 Chiếc đĩa ghi dấu cuộc Cách mạng Tháng Mười vốn là chiếc đĩa trắng trơn, phục vụ việc ăn uống cho giới quý tộc Nga thời Sa hoàng Nicholas II; nhưng vào năm 1921, nó được tô điểm bởi hình ảnh người lao động hừng hực khí thế kiến tạo đời sống tự do. Nguồn: Bảo tàng Anh

Chiếc đĩa ghi dấu cuộc Cách mạng Tháng Mười vốn là chiếc đĩa trắng trơn, phục vụ việc ăn uống cho giới quý tộc Nga thời Sa hoàng Nicholas II; nhưng vào năm 1921, nó được tô điểm bởi hình ảnh người lao động hừng hực khí thế kiến tạo đời sống tự do. Nguồn: Bảo tàng Anh

Năm 1901, tại Xưởng gốm Hoàng gia của Vương triều Romanov tại Saint Petersburg, chiếc đĩa ra đời với màu trắng trơn. Công năng của nó cũng thật đơn giản khi chỉ là một dụng cụ ăn uống cho giới quý tộc Nga thời Sa hoàng Nicholas II. Nhưng con tạo xoay vần. Năm 1921, chiếc đĩa xuất hiện trong diện mạo hoàn toàn mới, được tô điểm bởi hình ảnh người lao động hừng hực khí thế kiến tạo đời sống tự do. Và tất nhiên nó cũng mang ý nghĩa khác hẳn: giờ đây nước Nga Xô-viết đã ra đời, chế độ quân chủ đã bị xóa bỏ, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã đứng lên làm chủ chính quyền, chiếc đĩa sẽ phản chiếu ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, mang hơi thở của công cuộc kiến tạo một xã hội mới không còn áp bức bất công. Từ một vật dụng bình thường trong cung đình, chiếc đĩa biến thành một vũ khí tuyên truyền sắc bén trên lĩnh vực tư tưởng, vì ai cũng cần dùng tới đĩa ăn. Nhưng điều thú vị hơn cả là, như sử gia Eric Hobsbawm nhận định, chúng ta có thể nhận ra cả thế giới cũ lẫn thế giới mới cùng một sự dịch chuyển cực kỳ gay cấn trên chỉ một món đồ.

Giới hạn của lịch sử nhìn từ hiện vật bảo tàng

Hiện vật bảo tàng cho hậu thế những suy nghiệm mới mẻ và độc đáo về quá khứ. Chắc chắn đóng góp lớn nhất của Macgregor trong cuốn sách này đến từ việc ông đã thoát li khỏi tư duy coi châu Âu là trung tâm của lịch sử nhân loại, vốn là diễn ngôn lạc hậu của trí thức phương Tây một thời. Lựa chọn hiện vật lịch sử đến từ nhiều nền văn hóa, nhiều khu vực địa lý, nhiều nhóm cư dân và đặt chúng dưới lăng kính đa diện để kể chuyện không những giúp tạo ra nhiều phiên bản lịch sử độc đáo hơn mà còn đa dạng hóa cách bảo tàng đến gần hơn với công chúng.

Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng, không một công trình nào có khả năng bao quát đầy đủ các hiện vật đại diện cho mọi nền văn hóa, qua mọi thời đại lịch sử. Đã có nhiều tạo tác của nhân loại trong hai triệu năm qua “đủ tiêu chí” để góp mặt trong danh sách 100 hiện vật xuyên thời đại này. Những con dấu khắc chữ ở di tích Harappa thuộc nền văn minh sông Ấn, ngọn giáo của chiến binh Zulu, phù điêu trên tường của công trình Angkor Wat, boomerang của thổ dân Australia hay xe trượt tuyết chó kéo của người Inuit… là những thành tựu vật chất tạo nên bước phát triển đột khởi trong các xã hội ở những khu vực địa văn hóa khác nhau. Trong cố gắng kết nối các hiện vật vốn thuộc không gian trưng bày của Bảo tàng Anh, Macgregor không thể và cũng không có tham vọng mở rộng danh sách những hiện vật tác động mạnh mẽ tới lịch sử nhân loại.

Bên cạnh đó, bản thân tác giả không hề giấu giếm khi nói rằng, phần lớn trong số 100 món bảo vật là “phần thu hoạch” từ công cuộc xâm nhập, giao thương và chiến tranh thôn tính thuộc địa. Nói cách khác, sự khuếch đại lãnh thổ của đế chế Anh đã đem về cho nhiều cá nhân, tổ chức ở nước Anh những tài sản vô cùng quý giá. Và dù các bảo vật ta kể tên ở đây không thể lên tiếng cho việc hồi hương của chúng trong tương lai, thế hệ hiện tại cũng cần được biết rõ hơn về một trong những hệ quả tích cực mà chủ nghĩa thực dân mang tới cho nước Anh: tri thức về mọi nền văn hóa.

Theo Trần Anh Đức/Khoa Học Và Phát Triển

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/lich-su-the-gioi-qua-100-hien-vat-1989953.html